Từ Xuân Mậu Thân đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Cập nhật, 14:16, Thứ Tư, 14/02/2018 (GMT+7)

Tự hào là địa phương chiếm giữ nội ô thị xã trong 6 ngày đêm liên tục (chỉ sau TP Huế) trong Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, quân và dân tỉnh Vĩnh Long đã làm nên nét son chói lọi, tạo bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đây được xem là cuộc tổng diễn tập cho những giai đoạn tiếp theo, để đi đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đồng chí Nguyễn Ký Ức (thứ 5 từ trái sang), cùng lãnh đạo tỉnh tại Tượng đài Tiểu đoàn 857- đơn vị đã anh dũng chiến đấu, gây tổn thất nặng nề cho địch trong trận đánh vào Sân bay Vĩnh Long- Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968.
Đồng chí Nguyễn Ký Ức (thứ 5 từ trái sang), cùng lãnh đạo tỉnh tại Tượng đài Tiểu đoàn 857- đơn vị đã anh dũng chiến đấu, gây tổn thất nặng nề cho địch trong trận đánh vào Sân bay Vĩnh Long- Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968.

Khí thế quyết chiến, quyết thắng

Năm 1968, đơn vị hành chính của tỉnh Vĩnh Long gồm 7 huyện và 2 thị xã là Sa Đéc và Vĩnh Long. Địch tổ chức 2 thị xã này thành 2 tiểu khu với quân số dày đặc, đầy đủ phương tiện chiến tranh hiện đại nhằm mục đích leo thang chiến tranh, thực hiện ý đồ “tìm diệt” và “bình định”.

Theo đồng chí Nguyễn Ký Ức- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long (1967- 1975), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cửu Long (1986- 1990), chủ trương của Khu ủy Tây Nam Bộ về chiến dịch mùa khô 1967- 1968 là tập trung sức mạnh tiến công và nổi dậy trên khắp 3 vùng, tiêu hao nhiều sinh lực địch và phương tiện chiến tranh của chúng; phá bình định, giải phóng nông thôn, giành thắng lợi quyết định, tạo ra bước ngoặt trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Tháng 11/1967, Tỉnh ủy Vĩnh Long họp tại xã An Khánh (huyện Châu Thành B) quán triệt chỉ thị của Khu ủy và rà soát lại tình hình, với tinh thần thừa thắng xông lên, quyết tâm cao nhất, giành thắng lợi lớn nhất.

Tỉnh ủy chủ trương phát động quần chúng sâu rộng ở các vùng yếu, vùng kiềm và thị xã, thị trấn, cổ vũ phong trào quần chúng, động viên sức người, sức của cho phía trước.

Đồng thời, củng cố, bổ sung lực lượng vũ trang tập trung, sẵn sàng chủ động bước vào chiến dịch mùa khô với khí thế quyết chiến, quyết thắng. Đồng chí Nguyễn Ký Ức nhớ lại:

Với khí thế sôi sục đó, phát động đến đâu, cán bộ, đảng viên đăng ký đến đó, sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ điều gì khi Đảng gọi.

Bộ đội địa phương thì đăng ký quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ và sẵn sàng chuyển lên bộ đội chủ lực. Du kích bao vây bứt diệt đồn và sẵn sàng tham gia bộ đội tập trung.

Các huyện thì tăng cường cán bộ, đảng viên có năng lực công tác đô thị về thị xã, móc nối gây dựng cơ sở và phong trào.

Các huyện vùng ven đưa cán bộ bám trụ làm chuyển biến phong trào cơ sở, tạo bàn đạp thuận lợi cho phong trào của thị xã. Cán bộ bám trụ vùng ven hy sinh, tốp khác lại tiếp tục thay thế.

Cán bộ tăng viện cho thị xã hy sinh thì lập tức số khác được đưa tới, tất cả cho trọng điểm, sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ cuối cùng.

Về tương quan lực lượng, theo đồng chí Nguyễn Ký Ức, nếu ta tiến công vào thị xã thì coi như “1 đánh với 3”. Vì địch có phương tiện kỹ thuật hiện đại, có hệ thống phòng thủ vững chắc, chiếm ưu thế tuyệt đối so với ta.

Quân ta ít nhưng bù lại có tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường; tuy chưa đánh vào thị xã lần nào nhưng đã có kinh nghiệm trong đánh địch tiến công cũng như trong phòng ngự, đánh địch trong công sự cũng như trong dã ngoại.

Ta còn có những tiềm lực to lớn nhưng không tính được bằng con số, đó là tinh thần yêu nước, ý chí căm thù giặc và quyết tâm đánh giặc, thắng giặc; là sức mạnh đánh địch bằng “2 chân, 3 mũi” trên khắp 3 vùng chiến lược.

Thay đổi cục diện chiến trường

Lãnh đạo tỉnh, ban ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang viếng Bia tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh Sân bay Vĩnh Long. Ảnh: T.L
Lãnh đạo tỉnh, ban ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang viếng Bia tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh Sân bay Vĩnh Long. Ảnh: T.L

Trên cơ sở quán triệt mục tiêu chiến lược của Đảng, so sánh lực lượng giữa ta và địch, Khu ủy xác định quyết tâm tiến công và nổi dậy ở trọng điểm 2 Vĩnh Long (Cần Thơ là trọng điểm 1) là tập trung lực lượng của Quân khu và của tỉnh, tiến công và nổi dậy đồng loạt đánh vào cơ quan đầu não của địch, tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh trọng yếu của chúng.

Quần chúng nổi dậy diệt ác, phá rã bộ máy kiềm kẹp ở cơ sở, làm chủ phố phường, dứt điểm thị xã.

Hướng tiến công chủ yếu là nội ô thị xã, mục tiêu chủ yếu là tiểu khu Vĩnh Long. Hướng quan trọng là khu vực sân bay, mục tiêu quan trọng nhất là Sân bay Vĩnh Long.

Để đảm bảo yêu cầu trên, phải đánh chiếm bằng được bến phà Mỹ Thuận và cắt đứt QL4. Tiểu đoàn 306, Tiểu đoàn 308 và biệt động của Quân khu được phân công nhiệm vụ đánh chiếm nội ô thị xã. Lực lượng tỉnh đảm trách đánh chiếm sân bay.

Trong đó, Tiểu đoàn 857 được một đại đội đặc công và một đại đội pháo binh phối hợp đánh chiếm toàn bộ Sân bay Vĩnh Long, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 9 và Thiết đoàn 2 của địch.

Tiểu đoàn 2 được một đại đội bộ đội địa phương phối hợp đánh chiếm hậu cứ Thiết đoàn 2 và Tiểu đoàn Pháo binh thuộc Sư đoàn 9 của địch, chốt ngã ba Cần Thơ và chợ Long Châu, chia cắt địch, tạo điều kiện cho các hướng khác đánh chiếm và làm chủ toàn bộ thị xã.

Theo đồng chí Nguyễn Ký Ức, ngoài đòn tiến công của lực lượng vũ trang, ta còn tổ chức động viên phong trào quần chúng nổi dậy diệt ác ôn, quét bộ máy kiềm kẹp, giải giới lực lượng phòng vệ dân sự, làm chủ phố phường, kết hợp 3 mũi giáp công bứt diệt đồn bót.

Mũi binh vận thì sử dụng cơ sở trong lòng địch, vận động, giáo dục và lôi kéo gia đình binh lính làm binh biến, khởi nghĩa trở về với nhân dân, làm tan rã hàng ngũ địch một cách rộng rãi.

Tiến tới Đại thắng mùa Xuân 1975

Theo đồng chí Nguyễn Ký Ức, một trong những yếu tố tạo nên thắng lợi của Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 là tạo được thế bất ngờ.

Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, các địa phương đã nhận được mệnh lệnh quá cấp bách, chưa đủ thời gian nghiên cứu các mục tiêu, đường sá,... nên không đi đến thắng lợi cuối cùng.

Bộ đội địa phương Cái Nhum chi viện cho tỉnh thành lập tiểu đoàn, chuẩn bị Chiến dịch Xuân Mậu Thân. Ảnh tư liệu chụp lại
Bộ đội địa phương Cái Nhum chi viện cho tỉnh thành lập tiểu đoàn, chuẩn bị Chiến dịch Xuân Mậu Thân. Ảnh tư liệu chụp lại

Tuy nhiên, đồng chí Trịnh Văn Lâu- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long- cho rằng, nếu nói Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 không có sự chuẩn bị là không đúng, nhưng rõ ràng khi có lệnh thì nhiều người còn bất ngờ, kể cả một số lãnh đạo ở địa phương và cán bộ phụ trách các đơn vị chủ lực cũng “chới với”.

Mặt khác, chiến dịch ở các thành phố, thị xã miền Nam diễn ra đồng loạt nhưng chưa đủ mạnh, chưa bền nên chỉ sau một thời gian ngắn, địch điều được quân cơ động tập trung phản kích.

Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 không đạt được ý định đề ra, nhưng theo đồng chí Trịnh Văn Lâu, thì ta đã giành được thắng lợi vô cùng quan trọng.

Đây là chiến dịch mà bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương đã thọc sâu, đánh chiếm được nhiều vị trí quan trọng, bám trụ và chiến đấu ác liệt với địch trong nội ô thị xã 6 ngày đêm liên tục.

Đây cũng là chiến dịch có quy mô lớn nhất, thọc sâu, chiếm giữ dài nhất tại đầu não của địch trong lịch sử chiến tranh giải phóng của quân và dân Vĩnh Long.

Song song với tiến công và nổi dậy ở thị xã, ta đã đẩy mạnh 3 mũi giáp công đánh bại chương trình bình định của địch, giải phóng vùng nông thôn rộng lớn, tạo thành thế liên hoàn: xã liền xã, huyện liền huyện.

Theo đồng chí Trịnh Văn Lâu, Chiến dịch Xuân Mậu Thân đã tiêu hao được nhiều sinh lực địch nhất (gần bằng số lượng địch bị tiêu diệt trong 30 năm chiến tranh giải phóng của cả tỉnh). Ngoài gây tổn thất về lực lượng, vật chất, ta còn làm suy sụp tinh thần, gây hoang mang cho địch.

Đồng chí Nguyễn Ký Ức thì cho rằng, Chiến dịch Xuân Mậu Thân đã làm lung lay ý chí xâm lược, đảo lộn thế chiến lược, buộc Mỹ phải thừa nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Hội nghị Paris.

Thắng lợi Xuân Mậu Thân 1968 được xem là cuộc tổng diễn tập cho những giai đoạn tiếp theo, đi đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng của dân tộc.

Đêm giao thừa và đêm mùng 1 Tết Mậu Thân 1968, quân và dân miền Nam đồng loạt tiến công địch ở 4/6 thành phố, 37/42 thị xã, hàng trăm thị trấn, quận lỵ.

Ta đánh thẳng vào các cơ quan đầu não trung ương, địa phương của cả Mỹ lẫn ngụy, bao gồm cả 4 bộ tư lệnh quân khu- quân đoàn, 8 bộ tư lệnh sư đoàn, 2 bộ tư lệnh biệt khu, 2 bộ tư lệnh dã chiến Mỹ, 30 sân bay và nhiều tổng kho lớn.

Trong đó, có những trận gây chấn động lớn như trận đánh tòa Đại sứ Mỹ, dinh Độc lập, Bộ Tổng Tham mưu chính quyền Sài Gòn và 25 ngày đêm làm chủ TP Huế,...

Đồng thời, nhân dân ở hầu khắp các vùng nông thôn được sự giúp sức của các lực lượng vũ trang đã nổi dậy, phá tan từng mảng hệ thống kiềm kẹp của địch, giành thắng lợi oanh liệt cả về tiêu diệt sinh lực địch và giành quyền làm chủ.

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH- NGỌC TRẢNG