Bác Hồ và dấu ấn những năm tuất không thể nào quên!

Cập nhật, 05:31, Thứ Tư, 14/02/2018 (GMT+7)

Còn nhớ, chuẩn bị cho khoa thi Hội năm Mậu Tuất 1898, cả gia đình cụ Cử Sắc, mà cậu bé Nguyễn Sinh Cung là người nhỏ tuổi nhất, đã có cuộc hành trình từ Nghệ An vào Kinh đô Huế. 

Bác Hồ nói chuyện với kiều bào ta ở Pháp 1946. Ảnh: baotanglichsu.vn.
Bác Hồ nói chuyện với kiều bào ta ở Pháp 1946. Ảnh: baotanglichsu.vn.

Đến chân Đèo Ngang, bất chợt Cung hỏi cha: “Cha ơi cha, trên đỉnh núi kia có cái chi vắt qua núi, màu đỏ như sợi dây ngoằn ngoèo ấy cha?”.

Người cha trả lời: “Ồ! Cái sợi dây đo đỏ nằm ngoằn ngoèo trên núi ấy là con đường mòn đó con ạ. Lát nữa cha con mình sẽ leo lên đó rồi mới sang bên kia dãy núi được”. 

Cung nhảy lò cò, ứng khẩu thành thơ: “Núi cõng con đường mòn/Cha thì cõng theo con/Núi nằm ì một chỗ/Cha đi núi lom khom/Đường bám lì lưng núi/Con tập chạy lon ton/Cha siêng hơn hòn núi/Con đường lười hơn con”. Đoàn người lên đến đỉnh.

Trên đỉnh đèo cao, Cung nhìn biển, nhìn những con tàu, liên tưởng và ứng khẩu bài thơ: “Biển là cái ao lớn/ Thuyền là con bò/ Thuyền ăn gió no/ Lội trên mặt nước/ Em nhìn thấy trước/ Anh trông thấy sau/ Ta lớn mau mau/ Vượt qua ao lớn”.

Ông Cử Sắc nhìn con, cảm giác ở con tư chất, chí hướng khác thường. Thế nhưng, khoa thi Hội năm Mậu Tuất 1898 đó, ông Cử Sắc thi trượt, nên cậu Cung cùng cha và anh phải chuyển về làng Dương Nổ (xã Phú Dương, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) sinh sống.

Thế nên, năm Tuất đầu tiên trong cuộc đời của mình, Người đã sống và học tập ở cái làng nghèo ven kinh đô Huế và để lại cho vùng đất này nhiều giai thoại đặc biệt.

Khoảng vào dịp sinh nhật lần thứ 19 của Người, Người theo cha vào Bình Định. Thế là, cái Tết năm Canh Tuất 1910, Người cùng cha và anh ăn tết tại đây.

Trong năm Canh Tuất này, Người theo học tiếng Pháp với thầy giáo Phạm Ngọc Thọ (thân sinh của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch). Có lẽ đây là thời gian Người nung nấu quyết tâm làm cuộc hành trình tìm đường cứu nước tại trời Âu.

Vì thế, khoảng đầu tháng 9 năm 1910, Người quyết định rời mảnh đất này vào Sài Gòn. Trên đường vào Sài Gòn, Người dừng chân tại Phan Thiết (Bình Thuận).

Tại đây, Người trở thành giáo viên của trường Dục Thanh với cái tên Nguyễn Tất Thành. Thầy giáo Thành dạy rất tận tâm, hết lòng thương yêu, chăm sóc học sinh.

Thầy thường phổ biến cho học sinh những thơ ca yêu nước, chẳng hạn bài Á tế á ca, bài Ca hớt tóc, v.v..

Tại đây, thầy giáo Thành thường cùng học trò hát bài hát truyền thống của nhà trường rằng: “Nước Nam ta từ thời Hồng Lạc/ Mấy nghìn năm khai phá đến nay/ Á Châu riêng một cõi này/ Giống vàng ta cũng xưa nay một loài/ Vuông dặm đất hai mươi bảy vạn/ Nào bạc vàng nhan nhản thiếu chi/ Đồng tươi ruộng tốt tứ bề/ Rừng vàng biển bạc ai bì lại đâu…”. 

Ngày 19/9/1910, Người rời Phan Thiết, rời Trường Dục Thanh thân thương lên đường vào Sài Gòn để thực hiện ý định “vượt qua ao lớn” ngày nào trên con tàu mang tên Đô đốc Latusơ- Tơrêvin từ bến cảng Nhà Rồng để ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911).

... Hơn 10 năm sau, vào năm Nhâm Tuất 1922, Người sống và hoạt động ở Pháp. Đây là năm mang đậm dấu ấn những hoạt động cách mạng của Người, đánh dấu bước trưởng thành và nâng cao về chính trị của Người ở trong nước và quốc tế.

Trong năm này, Người cùng với những người yêu nước thành lập Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa, ra báo “Người cùng khổ”- Le Paria, để phản ánh hoàn cảnh sống của các dân tộc bị áp bức bóc lột, và hướng tới mục đích cao nhất là giải phóng con người.

Tháng 6/1922, chính quyền thực dân đưa vua Khải Định sang Pháp dự Hội chợ đấu xảo ở Paris nhằm che mắt nhân dân Pháp về những việc chúng đã làm ở bản xứ.

Nhân cơ hội này, Người đã viết hai truyện ngắn rất xuất sắc là Lời than vãn của bà Trưng Trắc và Vi hành, cùng vở hài kịch Con rồng tre nhằm phê phán và vạch trần bản chất hèn hạ, ô nhục của ông vua bù nhìn, cũng như bản chất nham hiểm của thực dân Pháp.

Ngoài ra, thời gian này, Người còn có nhiều hoạt động yêu nước khác khiến chính quyền thực dân rất lo sợ.

Có thể nói, năm Nhâm Tuất 1922 này, Người đã dồn toàn bộ sức lực, trí tuệ mở đường đưa tư tưởng cách mạng theo quan điểm Mác - Lê-nin truyền bá đến các dân tộc thuộc địa đặc biệt là ở Việt Nam.

Người tự mình tìm thấy con đường cứu nước theo con đường cách mạng vô sản, theo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Mùa Xuân năm Giáp Tuất 1934, Người từ Thượng Hải trở lại Liên Xô (cũ). Tại đây, Người cùng 45 đồng chí ở các châu lục khác được Quốc tế Cộng sản cử đi học tại Trường Bồi dưỡng Lý luận quốc tế mang tên Lê-nin. Người đăng ký trong danh sách sinh viên số hiệu 375, bí danh Lin, niên khóa 1934-1935.

Tuy nhiên, có thể nói, từ năm Giáp Tuất 1934 này cho đến năm 1938 là “một khoảng lặng buồn” trong cuộc đời cách mạng sôi nổi của Người.

Nhưng chính khoảng lặng đó càng giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về một Nguyễn Ái Quốc với nghệ thuật sống “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Tư tưởng chính trị đúng đắn, kiên định và trong sáng đã giúp Người vượt qua được một đoạn đời đầy thử thách chính trị tế nhị và phức tạp, để tỏ rõ bản lĩnh một lãnh tụ kiệt xuất của Đảng ta, một chiến  sĩ tiêu biểu của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc.

Năm Bính Tuất (1946) là một trong những năm Tuất đặc biệt của Người. Sau 4 năm về nước, Người đã cùng với Đảng ta lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đứng lên làm cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, lập nên nhà nước Việt Nam mới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Thế là, từ một Nguyễn Sinh Cung đến Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc và giờ đây là một vị lãnh tụ của một đất nước, người đứng đầu Nhà nước Việt Nam mới (Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Đặc biệt, năm Bính Tuất này, một lần nữa, chúng ta lại thấy được một cách rõ nét nhất thiên tài và bản lĩnh của Người.

Vừa mới giành lại độc lập, nước ta lúc đó lại rơi ngay vào hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”: Thù trong - giặc ngoài; nạn đói, nạn dốt hiện hữu khắp nơi; tài chính, ngân sách nhà nước đều trống rỗng; thiên tai như lũ lụt và hạn hán hoành hành…

Thế nhưng, với bản lĩnh và trí tuệ của mình, Người đã từng bước chèo lái, dẫn dắt đưa con thuyền cách mạng nước ta vượt sóng to, gió lớn vượt qua cơn bĩ cực lớn nhất trong lịch sử nước ta ở thế kỷ XX.

Năm Mậu Tuất 2018 này, với độ lùi của lịch sử, một lần nữa chúng ta có quyền tự hào mà khẳng định rằng, để vượt được qua những khó khăn, thách thức của năm Bính Tuất 1946, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã biết tự vượt lên chính mình, biết tự “xoay xung quanh mặt trời của chính mình”, biết nhìn thấy mình trong sự nghiệp Hồ Chí Minh, trong trái tim Hồ Chí Minh- một vị lãnh tụ vĩ đại luôn gắn quyện nhịp đập trái tim mình với nhịp đập của cuộc sống đất nước, nơi mà Người gửi gắm một “ham muốn, ham muốn đến tột bậc” là làm sao đem lại cuộc sống ấm no cho con người, đem lại tự do và hạnh phúc cho mọi tầng lớp nhân dân, vì “nếu nước độc lập mà nhân dân không được hưởng tự do và hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Năm Mậu Tuất 1958 là năm Tuất cuối cùng trong cuộc đời của Người. Năm Tuất này, dù miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng, nhưng nửa nước thân yêu vẫn đang bị chà xát dưới gót giày quân xâm lược.

Một lần nữa, bản lĩnh và trí tuệ Hồ Chí Minh lại tiếp tục tỏa sáng. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta lại tiếp tục “xoay xung quanh mặt trời của chính mình”.

Vì vậy, ngoài nhiệm vụ chính trị quan trọng là xây dựng chủ nghĩa xã hội lớn mạnh ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà ở miền Nam, Người còn rất quan tâm đến công tác cán bộ, đến công tác phê bình và tự phê bình, đến cuộc đấu tranh chống tham ô, lãng phí, chống tư tưởng cá nhân chủ nghĩa.

Theo quan niệm của Người thì tư tưởng cá nhân chủ nghĩa với những biến chứng như quan liêu, lãng phí, tham ô, v.v... là “kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội” (*).

Mà muốn vậy thì “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang” (*).

Tuy nhiên “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”(*).

Năm Mậu Tuất (1958) ấy, năm Mậu Tuất (2018) này, 60 năm trôi qua, nhưng lời Người vẫn còn văng vẳng bên ta, hãy: “Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân.

Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”(*). Vâng, đó là việc cần làm, dù không phải là dễ dàng gì.

Nhưng“Đá rắn, quyết tâm ta rắn hơn đá/ Núi cao, chí khí ta còn cao hơn/ Khó khăn ta quyết vượt cho kỳ được/ Gian khổ không làm lòng ta sờn”(**). l

..................................

Tài liệu tham khảo: Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh (Vũ Đình Hòe-Nxb Văn hóa Thông tin-HN-1999); Hồ Chí Minh sự hình thành một nhân cách mới-NxbTrẻ-HN, 2015; Danh nhân Hồ Chí Minh-Nxb Lao động-HN, 2000; Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử (từ tập 1 đến tập 10); Bài viết “Đạo đức cách mạng” tháng 12/1958 của Bác Hồ (Phần trích (*) lấy từ bài viết này); (**): Lời thơ ứng khẩu của Bác trong dịp gặp mặt Sư đoàn 316, ngày 10/3/1958).

NGUYỄN THỊ THỌ