Không có thẻ đăng ký thì có được hiến xác không?

Cập nhật, 15:42, Thứ Tư, 10/04/2024 (GMT+7)

Gia đình tôi có người thân vừa phát hiện bệnh hiểm nghèo giai đoạn cuối. Từ trước đến nay người thân của tôi cũng không nghĩ đến việc hiến xác vì nghĩ mình còn trẻ. Trước cái chết gần kề, người này mới nghĩ đến điều này. Nhưng hiện nay, người này đang trong tình trạng sức khỏe yếu, khó đi lại được và gia đình cũng khuyên nên tịnh dưỡng, mọi việc thì để tùy duyên. Trường hợp này, nếu người thân của tôi có mệnh hệ gì, gia đình muốn thực hiện ý nguyện trên của người ấy thì có được không?

L.V.C. (Bạc Liêu)

Trả lời:

Điều 5 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định như sau: Người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác.

Theo khoản 1, 3 và 4, Điều 19 văn bản luật nêu trên: Người có đủ điều kiện quy định tại Điều 5 của luật này có quyền bày tỏ nguyện vọng hiến xác với cơ sở y tế.

Khi nhận được thông báo về trường hợp hiến xác, cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến có trách nhiệm sau đây:

a) Trực tiếp gặp người hiến để tư vấn về các thông tin có liên quan về hiến xác;

b) Hướng dẫn việc đăng ký hiến theo mẫu đơn;

c) Cấp thẻ đăng ký hiến xác cho người hiến.

Việc đăng ký hiến xác có hiệu lực kể từ khi người đăng ký được cấp thẻ đăng ký hiến.

Theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 22 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác: Việc lấy xác được thực hiện trong trường hợp người chết có thẻ đăng ký hiến xác.

Tuy nhiên, nếu không có thẻ đăng ký hiến xác nhưng muốn thực hiện nguyện vọng của người mất, điểm b, khoản 2, điều luật trên còn có quy định: Trường hợp người chết không có thẻ đăng ký hiến xác thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó hoặc vợ, chồng hoặc đại diện các con đã thành niên của người đó.

HT tư vấn