3 trường hợp hưởng "biên chế suốt đời"

Cập nhật, 05:46, Thứ Ba, 18/08/2020 (GMT+7)

Theo tôi được biết, theo quy định hiện nay thì từ ngày 1/7/2020 không còn chế độ “biên chế suốt đời”, vậy trường hợp công chức, viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2020 thì sẽ như thế nào?

Hồ Phương Vy (Long Hồ)

Trả lời: Theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 quy định hợp đồng không xác định thời hạn hay “biên chế suốt đời” chỉ còn được áp dụng với 3 trường hợp sau:

Viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2020; cán bộ, công chức chuyển thành viên chức theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 Luật Viên chức 2010 và người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn.

Điểm mới của luật này là thời hạn của hợp đồng làm việc xác định thời hạn cũng được kéo dài đến 60 tháng (trước đây tối đa là 36 tháng).

Bổ sung thêm 2 đối tượng tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển gồm: Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học; sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng. Hình thức kỷ luật hạ bậc lương chỉ áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Như vậy, theo quy định trên thì từ 1/7/2020 công chức, viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2020 vẫn hưởng “biên chế suốt đời”.

PHÒNG BẠN ĐỌC