Của cho và cách cho

Cập nhật, 14:57, Thứ Sáu, 18/12/2020 (GMT+7)

Sáng nay, nhà tôi và một số nhà bên cạnh có dịp nói cười rôm rả cùng nhau, khác hẳn không khí vắng lặng bên ngoài nhưng tất bật bên trong để chuẩn bị bữa sáng như mọi ngày. Người thong thả quét thêm phần vỉa hè cho thông thoáng. Người chuẩn bị ba lô, cặp táp cho chồng con xong rồi, thấy còn sớm nên tranh thủ mang mớ rau, củ ra trước nhà gọt, lặt để trưa về nấu cho nhanh. 

Tôi có dịp hỏi thăm nhà bên cạnh. Chị Hồng có thời gian pha phin cà phê “bự chảng” cho cả mấy nhà dùng… Xóm vui, xóm rộn ràng không phải vì hôm nay là ngày cuối tuần mà cũng chẳng đúng nhà nào có đám tiệc. Một buổi sáng vui được bắt đầu từ “cả làng” cùng ăn sáng bằng xôi.

Sáng sớm, bà Hai đã đi kêu cửa “phát” xôi từng nhà. Bà bảo: “Cuối tuần rồi, bà và anh Phú về thăm quê. Anh Tư láng giềng mang sang biếu bà mấy ký nếp ngon quá! Thấy vậy, bà nhờ tụi nhỏ ra vườn hái luôn mấy trái dừa rám bỏ theo xe. Khuya này, bà thức sớm nấu xôi. Con và sắp nhỏ ăn thử coi ngon không? Nếp này dẻo, thơm lắm!” Có xôi của bà Hai biếu, nhà nào cũng không cần chuẩn bị bữa sáng. Tụi nhỏ ăn xôi dừa lạ miệng, ngấu nghiến ngon lành.

Còn người lớn thì khỏi phải nói, sáng sớm không cần phải tất tả làm món này, món nọ mà còn có thời gian nhẩn nha gói xôi dừa nóng hổi thì còn gì bằng. Ai cũng tấm tắc khen ngon. Có lẽ cái ngon không chỉ ở độ dẻo của nếp, béo của dừa mà hơn hết là ở tấm lòng của bà Hai. Bà Hai đã ngoài 70 tuổi mà sáng sớm còn lọ mọ vo nếp, nấu xôi, tự tay nạo dừa, hái lá chuối và cất công mang sang biếu từng nhà.

Lại nhớ, cách đây vài bữa, em Nhàn ở gần nhà sang “rỉ” nhỏ vào tai tôi chuyện bé Vàng nhà em được “chị nhà giàu” ở đầu xóm cho mấy hũ yến. Thấy con mừng khi được quà, Nhàn cũng vui lây. Thế nhưng, khi Nhàn định khui yến ra cho con uống thì phát hiện hạn sử dụng chỉ còn đúng 1 ngày. Nhàn bảo: “May mà em có coi hạn sử dụng. Nếu không để ý, thằng bé uống vào không biết chuyện gì sẽ xảy ra?”

Trong cuộc sống hiện đại này, việc cho và nhận để thể hiện, gắn kết tình làng nghĩa xóm rất cần được khuyến khích và phát huy- nhất là ở đô thị khi mà cái tình nghĩa xóm giềng dường như ngày càng bị phai nhạt. Nhưng cũng phải biết rằng, đối với người nhận, đôi khi của cho lại không bằng cách cho.

So về mặt vật chất, gói xôi của bà Hai có giá thấp hơn rất nhiều lần hũ yến của chị nhà giàu. Nhưng, giá trị về mặt tinh thân thì bao nhiêu hũ yến kia cũng không thể so bì với một gói xôi nọ. Bởi, cho đi không phải là vứt đi mà cho cũng phải xuất phát từ tấm lòng và sự trân trọng của người cho đối với người nhận. Của cho không bằng cách cho là như vậy!

NHƯ Ý