Đừng chen quá sâu vào cuộc sống của người già

Cập nhật, 08:19, Thứ Sáu, 04/11/2016 (GMT+7)

Con người sống, ai mà không già đi. Khi già đi, ai mà không khó tính. Người già và giới trẻ có khoảng cách không xa nhau lắm nhưng thường lại có những xung đột không cần thiết. Người về già thường có cuộc sống khác đi, có nhiều nguyên nhân nhưng cái chính là họ muốn được thảnh thơi và muốn được con cháu quan tâm, thông cảm.

Tính người già thường như “con nít” hay để bụng, so bì và giận lẫy. Nếu chịu khó quan sát người già, ta sẽ phát hiện ra ngay.

Khi quan tâm đến cuộc sống người già, đòi hỏi ta phải rất “tâm lý”, nếu không ta sẽ vô tình đào sâu khoảng cách với người già.

Người già thường hay hoài niệm quá khứ và muốn có người chia sẻ nên hãy dành thời gian lắng nghe họ nói. Dẫu rằng, những câu chuyện người già nói ta đã nghe, đã được lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Với họ, câu chuyện quá khứ là nghiêm túc, là thiêng liêng.

Có những lúc ta hãy để người già sống theo cách của họ.

Có những người con, người cháu quan tâm thái quá, chen quá sâu vào cuộc sống của cha mẹ hoặc ông bà mình mà không hiểu tâm lý của họ. Từ đó mâu thuẫn, xung đột nảy sinh. Cuộc sống của người già khác với người trẻ đó là điều hiển nhiên. Thậm chí rất hoàn toàn khác nhau, đó cũng là bình thường. Sau này người trẻ trở thành người già thì cũng có cuộc sống như vậy.

Hãy để người già sống theo cách của họ! Ta đừng xen vào nếu ta không hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ...

TRẦN THÀNH NGHĨA