Văn hóa nơi siêu thị

Cập nhật, 04:59, Thứ Sáu, 28/10/2016 (GMT+7)

Trong những năm gần đây, kênh mua sắm siêu thị ngày càng khẳng định “chỗ đứng vững chãi” của mình trên thương trường.

Ngoài những tiện ích tối ưu: hiện đại, mát mẻ, phục vụ tận tình, thoải mái lựa chọn kèm theo các chương trình khuyến mãi,... thì trong bối cảnh thực phẩm bẩn muôn hình vạn trạng như hiện nay, người tiêu dùng càng bị thu hút bởi sản phẩm được cho là tương đối an toàn ở siêu thị.

Thế nhưng mua sắm nơi siêu thị còn lắm chuyện phải bàn- nhất là vấn đề văn hóa ở siêu thị.

Cuối tuần qua, tôi có đến một siêu thị mua ít đồ tiêu dùng. Vì là cuối tuần nên lượng khách khá đông. Trong khi tôi đang chọn hàng thì gần bên là một cậu bé khoảng 8 tuổi chắc được mẹ cho phép nên đang cặm cụi tìm loại kẹo mình ưa thích.

Tôi để ý thấy em quan sát kỹ chứ không bới tìm. Nhìn ưng ý, em lấy ra 3 mẩu kẹo. Trong khi xem, em có tránh để nhường đường cho một vài xe đẩy đi qua.

Không may, em vô tình đánh rơi làm vỡ tung tóe một bịch kẹo. Nét mặt em thoáng chút sợ hãi. Chắc em sợ mẹ la và cũng ngại vì mọi người đang đổ mắt về mình.

Tôi định bước lại trấn an em nhưng chưa kịp thì cậu bé đã nhanh nhảu ngồi xuống tìm nhặt cho hết từng viên kẹo và chạy ngay đến chỗ nhân viên siêu thị mà bảo: “Con làm bể bịch kẹo này! Cô coi dùm con mã tính tiền còn nguyên không để chút con xin mẹ tính tiền?”

Một cậu bé 8 tuổi nhưng đã biết phải có trách nhiệm với việc mình làm và biết hành xử văn hóa nơi siêu thị. Khen cho lớp trẻ ngày nay! Vui đó nhưng cũng buồn đó vì không khó để bắt gặp những hình ảnh còn chưa “đẹp” của một số người tiêu dùng khi đi siêu thị.

Ở siêu thị, bao giờ hàng hóa cũng được sắp xếp theo hàng, theo kệ ngay ngắn cho người tiêu dùng dễ tìm kiếm.

Thế nhưng, một số khách hàng cứ vô tư bới móc lộn xộn cả lên để lựa chọn, thậm chí là không ngại tay dù đó là hàng dễ vỡ.

Có trường hợp đã lấy hàng rồi, sau đó không ưng ý và vô tư trả lại ở bất cứ đâu miễn tiện cho mình. Nếu đó là những mặt hàng đông lạnh thì sao?

Không khéo, người kinh doanh siêu thị phải tính đến chuyện hủy món hàng đó để đảm bảo tính an toàn. Và, điều dễ nhìn thấy nhất là việc xếp hàng tính tiền ở siêu thị.

Nhiều người không ngại chen ngang để được tính tiền trước, có người thì lại “nhờ” khách hàng đang tính tiền cộng chung của mình vào rồi gửi tiền lại mặc cho bao người đang xếp hàng phía sau.

Đó là một bộ phận “người tiêu dùng chưa thông thái” chỉ mong chọn được hàng tốt cho mình và chỉ biết có bản thân mình mà quên mất đó là những hành động xấu xí, lệch chuẩn.

Khi tham gia sử dụng một dịch vụ thì lựa chọn là quyền của người mua, nhưng lựa chọn nhẹ tay để người mua sau không phải ăn rau, củ, quả do bạn làm giập chính là văn hóa.

Dù chẳng ai quản và chẳng ai lấy thước để đo, mọi người có nhìn, có thấy nhưng sẽ mặc kệ vì cho rằng chẳng liên quan tới mình. Về phía siêu thị thì cũng không lên tiếng vì đường nào cũng thiệt nên đành chọn giải pháp tăng cường nhân viên bán hàng túc trực.

Phải chăng mỗi người nên ý thức và trách nhiệm hơn với mỗi hành động lựa chọn của mình để thành người tiêu dùng thông thái và văn minh thực sự.

DIỄM KIỀU