Chính quyền và người dân nên sớm thống nhất phương án mở lối đi

Cập nhật, 08:18, Thứ Năm, 31/12/2015 (GMT+7)

Qua thư bạn đọc, Báo Vĩnh Long ghi nhận phản ánh của tập thể 13 hộ dân sống trong tuyến đê bao thuộc ấp Hòa Phú (xã An Phước- Mang Thít) về việc phải di chuyển trên lối đi nhỏ hẹp để ra Đường tỉnh 902. Đến nay, những phương án chính quyền địa phương đưa ra để giải quyết vấn đề này vẫn chưa được người dân đồng thuận.

Một số hộ dân xây tường, trồng cây chắn ngang trên tuyến đê bao.
Một số hộ dân xây tường, trồng cây chắn ngang trên tuyến đê bao.

Theo tập thể 13 hộ dân ngụ ấp Hòa Phú: Trước đây, để di chuyển ra Đường tỉnh 902, họ phải đi tạm trên lối đi thuộc phần đất của ông Bùi Văn Thủ (ngụ cùng địa phương). Đến năm 2013, khi Nhà nước thực hiện xong tuyến đê bao thì người dân có kiến nghị mở đường đi trên đó nhưng 3 hộ dân gồm: ông Huỳnh Văn Chính, ông Phạm Văn Bân và bà Lê Thị Anh lại xây rào, trồng cây chắn ngang lối đi. Đến nay, các hộ dân phải tiếp tục đi trên phần đất của ông Thủ- vốn đã xuống cấp nên không đảm bảo an toàn khi lưu thông.

Đại diện cho 13 hộ dân, ông Nguyễn Hoàng Phương (ngụ cùng địa phương) cho biết: “Trước khi thi công công trình đê bao, chính quyền địa phương yêu cầu các hộ dân phải giải tỏa trắng trên tuyến đê bao này (riêng phần hỗ trợ di dời nhà ở, mộ phần là 3 triệu đồng). Chúng tôi cứ nghĩ khi xây xong tuyến đê bao sẽ có đường đi nhưng một số hộ lại rào lối đi, chính quyền địa phương không can thiệp, lại yêu cầu chúng tôi mua lối đi nhưng phần đông bà con ở đây sống bằng nghề chài lưới, làm sao có khả năng”.

Con đường tạm thời mà các hộ dân đang đi hàng ngày chỉ vừa đủ cho 1 xe máy lưu thông.
Con đường tạm thời mà các hộ dân đang đi hàng ngày chỉ vừa đủ cho 1 xe máy lưu thông.

Ông Nguyễn Văn Dũng (ngụ cùng địa phương) tiếp lời: “Lúc làm đê bao, chính quyền địa phương có hứa sẽ kết hợp mở lối đi cho chúng tôi nên người dân mới hưởng ứng. Nào ngờ bây giờ tiếp tục đi đường cũ, việc phải lưu thông trên lối đi nhỏ như thế rất bất tiện, trời mưa nước đọng vũng nên mấy đứa nhỏ đi học hay bị trượt té xuống ruộng. Việc buôn bán cũng bị ảnh hưởng vì khó vận chuyển hàng hóa ra bên ngoài, nên bà con thường chịu lỗ hơn 10% lợi nhuận. Chúng tôi mong chính quyền địa phương tạo điều kiện mở lối đi thông thoáng để bà con đi lại được thuận tiện”.

Lý giải về việc xây rào chắn ngang lối đi, các hộ ông Huỳnh Văn Chính, ông Phạm Văn Bân và bà Lê Thị Anh cho rằng nếu mở lối đi trên tuyến đê bao thì tình hình an ninh trật tự sẽ phức tạp, ảnh hưởng không tốt đến hoạt động sản xuất, nuôi trồng của họ.

Về phía chính quyền địa phương, ông Lê Hùng Dũng- Chủ tịch UBND xã An Phước cho biết: “Trước đây, khi vận động người dân làm đê bao, chúng tôi đã phổ biến chỉ làm đê bao thủy lợi để giữ nước vì đây là công trình do Sở Nông nghiệp-PTNT đầu tư xây dựng để phục vụ sản xuất nông nghiệp cho bà con chứ không kết hợp với giao thông nông thôn. Việc một số hộ dân trong tuyến đê bao rào, chắn lối đi trên phần đất của họ, chính quyền địa phương không có thẩm quyền can thiệp. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu đi lại của người dân rất cấp thiết nên hướng giải quyết của chính quyền địa phương là vận động 13 hộ dân mua lại lối đi hiện tại của ông Bùi Văn Thủ để mở rộng lối đi thêm 1m hoặc mua những lối đi thuộc phần đất của các hộ khác nhưng các hộ này không đồng ý nên hướng tới, chúng tôi sẽ kết hợp với UBND huyện để tiếp tục giải quyết”.

Qua sự việc trên, thiết nghĩ việc các hộ dân mong muốn có một đường đi công cộng là chính đáng. Và trước nhu cầu cấp thiết này, mong rằng chính quyền địa phương và người dân nên sớm thống nhất phương án để mở lối đi, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia lưu thông trên tinh thần “tình làng, nghĩa xóm”.

Bài, ảnh: PHẠM PHONG