Những điểm mới của Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Cập nhật, 14:23, Thứ Sáu, 29/11/2013 (GMT+7)

Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2012, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/5/2013. Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 242 điều, tăng 44 điều so với Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung năm 2002. 

Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã đưa ra những quy định cụ thể hơn và bảo vệ lợi ích cho người lao động nhiều hơn. 

Bộ luật Lao động là văn bản luật có vị trí quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về những chế định điều chỉnh các quan hệ lao động và các quan hệ liên quan nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng cho mình, từ số báo này Báo Vĩnh Long xin giới thiệu tới bạn đọc phần tiếp theo những nội dung mà người lao động và doanh nghiệp cần biết trong Bộ luật mới.

>>Những điểm mới của Bộ luật Lao động (sửa đổi) (P1) 

>>Những điểm mới của Bộ luật Lao động (sửa đổi) (P2) 

>>Những điểm mới của Bộ luật Lao động (sửa đổi) (P3) 

>>Những điểm mới của Bộ luật Lao động (sửa đổi) (P4)
>>Những điểm mới của Bộ luật Lao động (sửa đổi) (P5)
>>Những điểm mới của Bộ luật Lao động (sửa đổi) (P6)

Thực tế hiện nay, doanh nghiệp có thể cho thuê lại lao động, vậy theo quy định cho thuê lại lao động là gì? Doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải thực hiện những quy định gì? Hợp đồng cho thuê lại lao động được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 50 Bộ luật Lao động (sửa đổi) thì cho thuê lại lao động là việc người lao động đã được tuyển dụng bởi doanh nghiệp được cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động sau đó làm việc cho người sử dụng lao động khác, chịu sự điều hành của người sử dụng lao động sau và vẫn duy trì quan hệ lao động với doanh nghiệp cho thuê lại lao động.

Hoạt động cho thuê lại lao động là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và chỉ được thực hiện đối với một số công việc nhất định.

Những quy định đối với doanh nghiệp cho thuê lại lao động:

Doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải ký quỹ và được cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động.

Thời hạn cho thuê lại lao động tối đa không quá 12 tháng.

Chính phủ quy định việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động.

Về hợp đồng cho thuê lại lao động:

Doanh nghiệp cho thuê lại lao động và bên thuê lại lao động phải ký kết hợp đồng cho thuê lại lao động bằng văn bản, lập thành hai bản, mỗi bên giữ một bản.

Hợp đồng cho thuê lại lao động gồm các nội dung chủ yếu sau đây: Nơi làm việc, vị trí việc làm cần sử dụng lao động thuê lại, nội dung cụ thể của công việc, yêu cầu cụ thể đối với người lao động thuê lại; thời hạn thuê lại lao động; thời gian bắt đầu làm việc của người lao động; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, điều kiện an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; nghĩa vụ của mỗi bên đối với người lao động.

Hợp đồng cho thuê lại lao động không được có những thỏa thuận về quyền, lợi ích của người lao động thấp hơn so với hợp đồng lao động (HĐLĐ) mà doanh nghiệp cho thuê lại đã ký với người lao động.

Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động và bên thuê lại lao động?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 56 Bộ luật Lao động (sửa đổi), quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động là bảo đảm đưa người lao động có trình độ phù hợp với những yêu cầu của bên thuê lại lao động và nội dung của hợp đồng lao động (HĐLĐ) đã ký với người lao động; thông báo cho người lao động biết nội dung của hợp đồng cho thuê lại lao động; ký kết HĐLĐ với người lao động theo quy định của bộ luật này; thông báo cho bên thuê lại lao động biết sơ yếu lý lịch của người lao động, yêu cầu của người lao động; thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng lao động theo quy định của bộ luật này; trả tiền lương, tiền lương của ngày nghỉ lễ, nghỉ hàng năm, tiền lương ngừng việc, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm; đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật.

Đảm bảo trả lương cho người lao động thuê lại không thấp hơn tiền lương của người lao động của bên thuê lại lao động có cùng trình độ, làm cùng công việc hoặc công việc có giá trị như nhau; lập hồ sơ ghi rõ số lao động đã cho thuê lại, bên thuê lại lao động, phí cho thuê lại lao động và báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh; xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động khi bên thuê lại lao động trả lại người lao động do vi phạm kỷ luật lao động.

Về quyền và nghĩa vụ của bên thuê lại lao động:

Thông báo, hướng dẫn cho người lao động thuê lại biết nội quy lao động và các quy chế khác của mình; không được phân biệt đối xử về điều kiện lao động đối với người lao động thuê lại so với người lao động của mình; thỏa thuận với người lao động thuê lại nếu huy động họ làm đêm, làm thêm giờ ngoài nội dung hợp đồng cho thuê lại lao động; không được chuyển người lao động đã thuê lại cho người sử dụng lao động khác; thỏa thuận với người lao động thuê lại và doanh nghiệp cho thuê lại lao động để tuyển dụng chính thức người lao động thuê lại làm việc cho mình trong trường hợp HĐLĐ của người lao động với doanh nghiệp cho thuê lại lao động chưa chấm dứt; trả lại doanh nghiệp cho thuê lại lao động người lao động không đáp ứng yêu cầu như đã thỏa thuận hoặc vi phạm kỷ luật lao động; cung cấp cho doanh nghiệp cho thuê lại lao động chứng cứ về hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động thuê lại để xem xét xử lý kỷ luật lao động.


Quyền và nghĩa vụ của người lao động thuê lại?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 58 Bộ luật Lao động (sửa đổi) thì quyền và nghĩa vụ của người lao động thuê lại là thực hiện công việc theo HĐLĐ đã ký với doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động; chấp hành nội quy lao động, kỷ luật lao động, sự điều hành hợp pháp và tuân thủ thỏa ước lao động tập thể của bên thuê lại lao động; được trả lương không thấp hơn tiền lương của những người lao động của bên thuê lại lao động có cùng trình độ, làm cùng công việc hoặc công việc có giá trị như nhau; khiếu nại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động trong trường hợp bị bên thuê lại lao động vi phạm các thỏa thuận trong hợp đồng cho thuê lại lao động; thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ với doanh nghiệp cho thuê lại lao động theo quy định tại Điều 37 của bộ luật này; thỏa thuận để giao kết HĐLĐ với bên thuê lại lao động sau khi chấm dứt HĐLĐ với doanh nghiệp cho thuê lại lao động.

Về cho thuê lại lao động, đây là một mục có nội dung hoàn toàn mới gồm 6 điều trong đó quy định những vấn đề cơ bản, chủ yếu về hình thức sử dụng lao động mới là cho thuê lại lao động; tạo lập khung pháp lý về vấn đề này nhằm điều chỉnh quan hệ lao động mới phát sinh từ việc cho thuê lại lao động, cũng như đảm bảo vai trò quản lý nhà nước về lao động trong điều kiện thị trường lao động đòi hỏi phải ngày càng linh hoạt đối với việc sử dụng lao động.

Những vấn đề cơ bản để điều chỉnh quan hệ cho thuê lại lao động được quy định trong Bộ luật Lao động gồm: xác định thế nào là hoạt động cho thuê lại lao động; điều kiện của doanh nghiệp được phép tiến hành hoạt động cho thuê lại lao động; hợp đồng cho thuê lại lao động; quyền và nghĩa vụ của bên thuê lại lao động; quyền và nghĩa vụ của người lao động được thuê lại.

Do đây là vấn đề mới nên cần có một nghị định riêng của Chính phủ quy định, trong đó sẽ có một số nội dung chủ yếu như cấp phép cho hoạt động cho thuê lại lao động, quy định về việc ký quỹ đối với doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động, danh mục các công việc được phép thực hiện cho thuê lại lao động.v.v...

MAI TUYẾT (thực hiện)

(Còn tiếp)