Diễn đàn

Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam

Cập nhật, 10:31, Thứ Tư, 30/10/2013 (GMT+7)

Có thể nói, nông thôn là một thị trường tiềm năng nhưng dường như các doanh nghiệp Việt vẫn chưa khai thác tốt. Hiện nay, ở các chợ vùng nông thôn, hàng Việt chiếm số lượng rất ít, chủ yếu là hàng Trung Quốc.

Các loại hàng hóa như: quần áo, giày dép, hoa quả, hàng điện tử… đều có mẫu mã đẹp, giá rẻ, phù hợp với thu nhập của người dân nông thôn nhưng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Gần đây, người tiêu dùng nông thôn cũng dè chừng hơn với hàng Trung Quốc trước thông tin hoa quả có hóa chất độc hại, quần áo chứa chất lạ…

Vì vậy, để hàng hóa sản xuất trong nước đến được với người dân nông thôn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, thì doanh nghiệp phải chủ động, tích cực trong việc đưa hàng Việt về nông thôn.

Để thực hiện hiệu quả chủ trương này, trước hết, các doanh nghiệp nên phối hợp với các cơ quan, đoàn thể địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người tiêu dùng nông thôn thấy được các ưu điểm nổi trội của hàng hóa Việt Nam so với hàng nhập khẩu.

Đồng thời, phải thuyết phục người tiêu dùng bằng tình cảm như: dùng hàng Việt họ sẽ giúp đỡ được cho những người thân, cũng như những lao động khác có công ăn việc làm… từ đó sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.

Tuyên truyền, vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam không có nghĩa là chúng ta “bài ngoại”, đóng cửa đối với hàng hóa của nước ngoài mà phải coi chính hàng hóa của nước ngoài là đối thủ cạnh tranh để các nhà sản xuất trong nước cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, kiểu dáng, giảm giá thành để đáp ứng ngày càng tốt hơn, nhu cầu của người tiêu dùng nông thôn.

Doanh nghiệp phải chủ động, tích cực xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa xuống tận các vùng nông thôn như tổ chức các buổi bán hàng lưu động, bán hàng khuyến mãi, mở các đại lý bán hàng ở nông thôn…

Để xây dựng hệ thống phân phối hàng Việt thực sự vững chắc ở khu vực này, các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý địa phương, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.

Đưa hàng Việt về nông thôn không có nghĩa là doanh nghiệp lợi dụng thị trường nông thôn, sự kém hiểu biết của người dân đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa để đưa hàng Việt kém chất lượng, sắp hết hạn sử dụng, hay hàng hóa đã lỗi mốt… về nông thôn tiêu thụ.

Vì vậy, rất cần có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan quản lý thị trường ở địa phương. Bản thân các doanh nghiệp cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong việc hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, cam kết về chất lượng sản phẩm, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng để từng bước xây dựng, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.

NGUYỄN HOÀNG DUY