Sức khỏe và thuốc lá

Ung thư thanh quản do thuốc lá

Cập nhật, 11:16, Thứ Sáu, 22/10/2021 (GMT+7)

(VLO) Không chỉ liên quan đến các bệnh lý về tim mạch mà việc hút thuốc còn tác động trực tiếp đến cổ họng và thanh quản, khiến bộ phận này trở nên nhạy cảm, dễ bị tổn thương, đồng thời dễ bị viêm nhiễm và phát triển thành ung thư.

Hút thuốc lá là yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư thanh quản và ung thư phổi.

Hút thuốc là yếu tố nguy cơ lớn nhất của ung thư thanh quản, phổ biến nhất ở nam giới trong độ tuổi 50- 60. Mặc dù nữ giới hoặc những người trẻ hơn cũng có thể mắc bệnh, nhưng tỷ lệ thấp hơn. Tác hại của căn bệnh này kéo dài ngay cả khi bệnh nhân có cơ may sống sót.

Theo thống kê tại Khoa Xạ trị đầu cổ (Bệnh viện K Trung ương), 80- 90% các ca bệnh ung thư thanh quản đều có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào.

Một nghiên cứu đã cho thấy, những người hút thuốc từ 20 điếu thuốc/ngày có nguy cơ mắc ung thư thanh quản cao gấp 12- 25 lần so với người không hút thuốc. Đặc biệt, ung thư thanh quản thường gặp ở người nghiện thuốc lá kèm uống rượu. Ở người hút thuốc lá, khả năng mắc ung thư thanh quản là 70%, còn nếu thêm cả uống rượu thì tới 88%.

Việc hít thở, nói năng, ăn uống đối với các bệnh nhân mắc ung thư thanh quản đều rất khó. Tất cả bệnh nhân ung thư thanh quản khi nhập viện đều trong giai đoạn nặng, nguyên nhân một phần là do thuốc lá.

Nhờ những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, ung thư thanh quản có thể chữa khỏi nếu như phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu. Một số dấu hiệu cảnh báo sớm: thay đổi giọng nói- do hầu hết các loại ung thư thanh quản bắt đầu từ dây thanh âm, do đó nó thường gây những thay đổi như khàn giọng, giọng nói thay đổi.

Vì vậy, khi bị khàn tiếng kéo dài trên 3 tuần, đặc biệt là có hút thuốc lá hoặc tiền sử hút thuốc lá, bệnh nhân cần đi khám tại các bệnh viện chuyên khoa để được làm các xét nghiệm, kiểm tra, tầm soát ung thư thanh quản. Nếu bệnh được điều trị sớm thì khả năng phục hồi, hiệu quả chữa trị cao.

MAI ANH