Nguy hiểm túi phình mạch máu não

Cập nhật, 16:36, Thứ Sáu, 20/12/2019 (GMT+7)

Theo các bác sĩ, bệnh phình động mạch não xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Nếu mạch não mới chỉ phình to gây chèn ép cấu trúc dây thần kinh, người bệnh sẽ có dấu hiệu yếu/liệt chi, mắt nhìn mờ, đau đầu bất chợt, nhức đầu mạn tính (50-70%)…

Còn khi túi phình bị vỡ gây xuất huyết khoang nội sọ, người bệnh sẽ cảm thấy đột ngột đau đầu dữ dội, cổ cứng, rối loạn ý thức, hôn mê, thậm chí tử vong.

Đặt stent được coi là cuộc cách mạng lớn trong điều trị phình mạch não, đem lại hiệu quả điều trị cao. Trong ảnh: Các bác sĩ Bệnh viện Tim mạch- Đột quỵ đặt stent điều trị phình mạch não cho bệnh nhân.  Ảnh: VINH HIỂN
Đặt stent được coi là cuộc cách mạng lớn trong điều trị phình mạch não, đem lại hiệu quả điều trị cao. Trong ảnh: Các bác sĩ Bệnh viện Tim mạch- Đột quỵ đặt stent điều trị phình mạch não cho bệnh nhân. Ảnh: VINH HIỂN

Đau đầu dữ dội- dấu hiệu của bệnh phình động mạch não

Hơn 3 năm nay, chị Nguyễn Thanh Quyên (Phường 2- TP Vĩnh Long) thường xuyên bị đau phía nửa sau đầu, thỉnh thoảng bị choáng. Chị đi khám, được cho thuốc giảm đau cùng lời khuyên của bác sĩ là nghỉ ngơi, tránh stress, song vẫn không hết.

Vừa qua, chị nhức buốt đầu, không thể chịu đựng được, nên người nhà đưa đến Bệnh viện Tim mạch- Đột quỵ (TP Cần Thơ). Tại đây, qua kết quả chụp MRI 3Tesla, bác sĩ phát hiện vị trí túi phình ở động mạch cảnh não và các bác sĩ nhanh chóng hội chẩn, chụp DSA mạch máu não, nhận định bệnh nhân tiến triển nặng, phải can thiệp nhanh chóng nếu không túi phình sẽ vỡ dẫn đến tử vong.

Chị Quyên được ê kíp bác sĩ chuyên khoa can thiệp, đặt stent điều trị phình mạch não. “Tôi nằm điều trị, phục hồi sau khi đặt stent 1 tuần thì khỏe, xuất viện. Đúng là như được tái sinh, nhớ đến những cơn nhức buốt đầu, ngồi không quá 15 giây mà tôi còn sợ. Cũng may phát hiện sớm, can thiệp kịp thời bởi túi phình đã to, có nguy cơ vỡ, bác sĩ nói sẽ nguy hiểm tính mạng”- chị Quyên cho biết.

Bệnh nhân Nguyễn Thị L. (40 tuổi, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) nhập viện tại bệnh viện địa phương với tình trạng co giật sùi bọt mép, tím tái, hôn mê sâu, suy hô hấp nặng... Do bệnh nặng nên bệnh nhân được nhanh chóng chuyển đến Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Trung ương Cần Thơ cấp cứu, với chẩn đoán ban đầu bị xuất huyết não, suy hô hấp nặng.

Khi vào viện, bệnh nhân hôn mê sâu, suy hô hấp nặng, phù phổi cấp, phải thở máy. Các bác sĩ tiến hành kiểm tra CT Scan đầu, cho thấy bệnh nhân bị xuất huyết khoang dưới nhện; chụp DSA mạch máu não thấy hệ động mạch cảnh trong bên trái tổn thương phình mạch dạng túi động mạch cảnh trong đoạn thông sau, kích thước tương đương 3,3mm, cổ rộng 3mm chưa vỡ; hệ động mạch cảnh trong bên phải tổn thương dạng túi phình đa thùy động mạch cảnh trong, đoạn thông sau, kích thước 6 x 9mm khả năng đã vỡ…

Các bác sĩ quyết định can thiệp nội mạch túi phình động mạch cảnh trong đoạn thông sau bên phải đã vỡ; tiến hành luồn vi ống thông siêu chọn lọc vào trong túi phình và tiến hành thả 5 coil vào trong túi phình. Chụp kiểm tra thấy bít gần như hoàn toàn vào túi phình, tuần hoàn động mạch não tốt và sau thời gian điều trị, bệnh nhân phục hồi tốt.

Nguy hiểm khi túi phình động mạch não vỡ

Đơn vị can thiệp mạch não BVĐK Trung ương Cần Thơ vừa cứu sống bệnh nhân ngưng tim ngoài viện do vỡ túi phình mạch máu não. Đặc biệt, đây là trường hợp được cấp cứu thành công nhờ sự phối hợp của 3 bệnh viện gồm BVĐK Vĩnh Long, BV Trường ĐH Y dược Cần Thơ và BVĐK Trung ương Cần Thơ.

Bệnh nhân nam 54 tuổi đau đầu dữ dội, ngưng tim được gia đình đưa đến BVĐK Vĩnh Long cấp cứu và chuyển viện sang BV Trường ĐH Y dược Cần Thơ trong tình trạng hôn mê, thở qua nội khí quản. Bệnh nhân tiếp tục được hồi sức và chuyển sang BVĐK Trung ương Cần Thơ cấp cứu điều trị.

Các bác sĩ tiến hành hội chẩn chụp DSA mạch máu não cho bệnh nhân. Kết quả bệnh nhân bị vỡ túi phình ngay gốc động mạch thông sau bên phải. Các bác sĩ quyết định can thiệp nội mạch túi phình động mạch nhằm ổn định tình trạng xuất huyết và tránh nguy cơ tái xuất huyết cho bệnh nhân.

Theo bác sĩ Chuyên khoa 2 Trần Huỳnh Đào- Trưởng Khoa Gây mê- Hồi sức, đây là ca rất nặng, 24 giờ sau can thiệp thì bệnh nhân được đặt dẫn lưu não thất ra ngoài do giãn não thất cấp sau xuất huyết dưới nhện não thất.

Mặc dù sau đó tình trạng bệnh nhân vẫn còn rất nặng nhưng nhờ khả năng chuyên môn tốt của các chuyên khoa, đặc biệt là sự theo dõi chặt chẽ và phối hợp điều trị mà tình trạng bệnh nhân diễn biến theo hướng tốt dần.

Theo TS.BS. Hà Tấn Đức- Trưởng Đơn vị Can thiệp đột quỵ (BVĐK Trung ương Cần Thơ), phình mạch máu não là tình trạng một đoạn mạch máu não bị phình to ra hoặc căng phồng lên, thường xảy ra khi thành mạch bị yếu; nó có thể xảy ra ở bất cứ đoạn mạch nào và ở bất cứ thời điểm nào.

Với phình động mạch não, vỡ túi phình mạch não có thể gây 3/10 người tử vong trước khi vào viện. Túi phình sẽ tái vỡ lần 2 trong khoảng 24- 72 giờ và thời gian sau đó tỷ lệ tái vỡ là 36- 40%, nhưng nếu tái vỡ lần 2 thì nguy cơ tử vong 60- 80%.

Vì vậy, nguyên tắc điều trị là bằng mọi cách phải loại bỏ túi phình mạch não thông qua can thiệp mạch não, phẫu thuật kẹp túi phình mạch não bằng clip hoặc điều trị nội khoa bảo tồn. Điều này tùy thuộc vào vị trí, kích thước, hình dạng, tình trạng vỡ hay chưa vỡ của túi phình, bên cạnh các nguy cơ gây bệnh như: tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá và độ tuổi của người bệnh…

Bác sĩ sẽ căn cứ vào đó có thể chỉ định các phương pháp điều trị hợp lý nhất. Bệnh nhân được điều trị với các phương pháp trên, tỷ lệ lành bệnh hơn 95%.

Ngoài yếu tố tuổi tác, những người có các yếu tố nguy cơ sau cũng dễ mắc bệnh: thường xuyên hút thuốc lá, cao huyết áp, uống nhiều rượu, bia, lạm dụng thuốc, phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh có mức estrogen thấp, tiền sử gia đình bị phình mạch não, người bị chấn thương, tổn thương mạch máu.

Nếu có biểu hiện đau đầu dữ dội đột ngột hoặc đau đầu kéo dài đáp ứng kém với điều trị nội khoa, tê yếu nửa người, nhìn đôi, méo miệng, mờ mắt đột ngột, hoặc rối loạn tri giác như lơ mơ, hôn mê thì người bệnh cần đến bệnh viện ngay để được phát hiện và điều trị sớm.

Theo các bác sĩ, phình mạch máu não là bệnh lý nghiêm trọng để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, riêng nguy cơ vỡ phình mạch thường gặp nhất ở người già từ 55- 65 tuổi trở lên, song có khoảng 20% ca phình mạch não xảy ra ở độ tuổi từ 15- 45.

 

THÚY QUYÊN