Nên bỏ thuốc lá vì sức khỏe!

Cập nhật, 14:29, Thứ Năm, 26/12/2019 (GMT+7)

 

Hút thuốc lá hay thuốc lào là một trong những nguyên nhân của 25 căn bệnh nguy hiểm như ung thư, đột quỵ, các bệnh về tim mạch và hô hấp.
Hút thuốc lá hay thuốc lào là một trong những nguyên nhân của 25 căn bệnh nguy hiểm như ung thư, đột quỵ, các bệnh về tim mạch và hô hấp.

Có nhiều lý do khiến nhiều người hút thuốc lá không thể từ bỏ hoặc thất bại sau nhiều lần cai nghiện. Với những hệ lụy to lớn gây ra cho sức khỏe của cả người hút và người không hút, quyết tâm loại trừ thuốc lá khỏi đời sống xã hội là nhiệm vụ quan trọng của toàn cộng đồng.

Bệnh tật do thuốc lá

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam chi hơn 23.000 tỷ đồng để chữa các bệnh liên quan đến thuốc lá, song vẫn phải chi 22.000 tỷ đồng để tiếp tục mua thuốc lá về hút. Việt Nam nằm trong 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới với khoảng 40.000 người tử vong mỗi năm vì mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Ai cũng sợ ung thư, đột quỵ, song nhiều người vẫn quá điềm nhiên với khói thuốc lá- thủ phạm chứa gần 70 chất gây ung thư và hàng ngàn chất độc khác gây tắc nghẽn mạch máu dẫn đến đột quỵ.

Giờ đây, những tác hại của thuốc lá luôn được xác định rõ ràng bằng những xét nghiệm cận lâm sàng tại các phòng khám, bệnh viện. Khi hút thuốc lá, người ta thấy sảng khoái bao nhiêu, thì khi đứng trước bằng chứng bệnh tật từ nó, người bệnh thất thần, lo sợ bấy nhiêu.

Tại Bệnh viện Tim mạch, Đột quỵ TP Cần Thơ, không ít bệnh nhân được may mắn cấp cứu kịp thời sau khi bị đột quỵ não. Anh N.M.Q (39 tuổi, huyện Cờ Đỏ- TP Cần Thơ) cho biết: “Tôi nhập viện trong tình trạng không thể điều khiển được tay chân, không nói được, dù trước đó vẫn đang khỏe mạnh bình thường.

Các bác sĩ xác định tôi bị đột quỵ cấp vì bị tắc một mạch máu lớn lên não, nên được đưa ngay đến phòng can thiệp để rút huyết khối thông mạch bằng dụng cụ. Do được cấp cứu kịp thời, tôi phục hồi nhanh chóng”. Rồi anh Q. cũng chia sẻ: “Bác sĩ nói tôi bị vậy cũng phần lớn do hút thuốc lá. Tôi hút ghiền từ năm 17 tuổi. Vợ con khuyên, năn nỉ tôi hứa bỏ mà không bỏ được. Qua đợt tai biến này, tôi sợ lắm, sẽ quyết tâm bỏ thuốc lá”.

TS. bác sĩ Trần Chí Cường- Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TP Hồ Chí Minh- cho biết: “Hơn 90% nam giới bị đột quỵ đều có tiền căn hút thuốc lá. Chính những điếu thuốc hàng ngày nó tích tụ dần trong hệ thống mạch máu làm cho mạch máu bị xơ vữa, làm cho mạch máu dễ bị giòn, bị vỡ.

Và, khi có một tác động nhẹ như tăng huyết áp hoặc có tác nhân từ bên ngoài như ô nhiễm môi trường, tiểu đường, rối loạn mỡ máu… cộng với tiền căn hút thuốc lá thì bệnh nhân sẽ dễ dàng bị đột quỵ”.

Có quyết tâm, sẽ cai được thuốc lá

PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá- cho rằng, một phần nguyên nhân dẫn đến bệnh tim mạch, ung thư quá tải vì tỷ lệ hút thuốc lá còn rất cao.

“Trong gia đình có người mắc ung thư, có người bị tim mạch, xơ vữa động mạch mới thấy vất vả như thế nào. Bệnh viện quá tải bệnh nhân tim mạch, ung thư một phần nguyên nhân cũng vì thuốc lá. Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá chú trọng công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá, xây dựng và triển khai các mô hình điểm về cai nghiện thuốc lá dựa vào cộng đồng”- bác sĩ Ngọc Khuê cho biết.

Có lẽ những ai đang sử dụng thuốc lá không nên chần chừ, hãy bỏ thuốc ngay từ bây giờ. Một bác sĩ ở TP Vĩnh Long cho biết: “Ngày bước vào ngành y, tôi có “thâm niên”, hút thuốc nhiều đến mức các ngón tay kẹp thuốc “hóng” vàng.

Mỗi lần mua thuốc lá, thay vì một gói, tôi mua cả cây để dành hút. Song, một lần nghe bệnh nhân nữ nói “bác sĩ mà hút thuốc dữ dằn, lại khám nghe mùi thuốc lá hà” thì tôi quyết tâm cai thuốc. Ban đầu cảm giác thiếu khó chịu trong người, nhưng từ từ hễ thấy ai phì phèo thuốc lá mình phải tránh, không chịu được khói thuốc”.

Hiện có nhiều phương pháp Tây y hỗ trợ cai nghiện thuốc nhưng kết quả còn thấp và tỷ lệ tái nghiện thuốc lá vẫn còn cao.

Với các phương pháp điều trị bằng y học cổ truyền tại Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh, người hút thuốc có thể cai nghiện thành công bằng phương pháp nhĩ châm, thể châm, xoa bóp bấm huyệt, tập dưỡng sinh, thuốc y học cổ truyền... để giảm cảm giác thèm thuốc, bớt bứt rứt…

Trong đó, phương pháp nhĩ châm thường được lựa chọn nhiều nhất vì có thể lưu kim trong vòng một số ngày, nhằm kéo dài tác dụng châm cứu. Viện Y dược học TP Hồ Chí Minh có 43 trường hợp cai nghiện thành công bằng phương pháp này sau hơn 1 năm thí điểm.

Các bác sĩ y học cổ truyền cho hay khi người cai nghiện thuốc lá đồng ý áp dụng phương pháp nhĩ châm, họ sẽ được bác sĩ châm cứu vào các huyệt ở tai bao gồm yết hầu, phế, thần môn, nội tiết.

Khi châm kim vào các huyệt này sẽ khiến cơ thể phóng thích ra chất beta-endorphin. Chất hóa học này giúp người nghiện thuốc lá vượt qua cảm giác “lên cơn nghiện” như thèm thuốc, bứt rứt, chán ăn, mất ngủ, lo âu, đau đầu… Nếu người cai nghiện xuất hiện cảm giác thèm hút, muốn hút hoặc có cảm giác khó chịu khác thì hãy dùng tay ấn vào những điểm đã gắn miếng nhĩ áp trên loa tai của mình trong vòng 5 - 10 giây.

Các chuyên gia chỉ ra có rất nhiều lợi ích khi ngừng hút thuốc

- Sau 20 phút: Huyết áp và mạch giảm dần tới mức bình thường.

- Sau 8 tiếng: Lượng oxy trong máu trở về trạng thái bình thường.

- Sau 24 giờ: Phổi bắt đầu quá trình tự làm sạch.

- Sau 2 tuần: Sự lưu thông máu trong cơ thể được cải thiện.

- Sau 1- 9 tháng: Các triệu chứng như ho, khó thở giảm. Nhung mao tế bào niêm mạc phế quản trở lại hoạt động bình thường.

- Sau 2 năm: Nguy cơ nhồi máu cơ tim giảm 50%.

- Sau 5 năm: Nguy cơ bị đột quỵ giảm tới mức như người không hút thuốc.

Bài, ảnh: MAI ANH