Sổ tay giáo dục

Dạy con khuyết tật- đừng buông tay!

Cập nhật, 21:36, Thứ Tư, 17/04/2024 (GMT+7)

Có bao nhiêu trẻ khuyết tật chưa được đến trường vì cha mẹ sợ con mình bị tổn thương khi học hòa nhập, sợ mọi người kỳ thị, sợ những ánh mắt thương hại, những câu hỏi “đắng lòng”,… Có biết đâu, khi chúng ta giữ con khư khư bên mình có thể vô tình tước đi khả năng phục hồi của con.

Số trẻ khuyết tật đến trường học hòa nhập ngày càng nhiều, bên cạnh tính hiệu đáng mừng đó, còn một số gia đình không muốn thừa nhận khuyết tật của con, ngại mọi người kỳ thị, phân biệt đối xử,… Theo lãnh đạo một trường tiểu học, một số trẻ em có các biểu hiện của tự kỷ không giao tiếp với ai, thích thì học, không thích thì thôi, không kiểm soát được hành vi, tăng động… khi nhà trường đề nghị phụ huynh đưa con đi kiểm tra để xem mức độ đến đâu, nhưng nhiều gia đình không đi kiểm tra, thậm chí cho con nghỉ học giữa chừng.

Không chấp nhận con mình khuyết tật là tâm lý ít nhiều của không ít phụ huynh. Sợ con bị ức hiếp, kỳ thị nên cho con bỏ học. Bên cạnh đó, đôi khi giáo viên chưa thực sự tâm lý, làm môi trường lớp học áp lực khiến trẻ khuyết tật khó hòa nhập với lớp, không yêu trường, mến bạn, sợ thầy cô,... thậm chí bị bạo lực học đường.

Thiết nghĩ, dạy trẻ khuyết tật hòa nhập ngay trong trường tiểu học là mô hình hay, tuy nhiên tùy vào tình trạng học sinh mà xác định trẻ có thể học hòa nhập hay học tại trung tâm hòa nhập trẻ khuyết tật phù hợp. Song song đó, cần đào tạo cho giáo viên tiểu học các kỹ năng, phương pháp dạy trẻ khuyết tật.

Với phụ huynh, vẫn biết chấp nhận con mình khiếm khuyết là rất khó khăn, phụ huynh chúng ta cần dũng cảm đón nhận, khi chấp nhận thì mới hỗ trợ, can thiệp kịp thời để giúp con phát triển tốt hơn. Hãy đồng hành với con nhiều hơn, kiên nhẫn hơn và phối hợp tích cực với giáo viên, nhà trường.

Nếu sau một thời gian can thiệp, con không tiến bộ, hãy xem lại phương pháp, hãy kiên trì đặt từng mục tiêu nhỏ, đừng buông xuôi. Con đường chúng ta đi cùng con có thể là một vài năm, có thể là cả đời,… nếu dừng lại con sẽ bị trì trệ, đôi khi còn khiến tình trạng nặng hơn. Hãy dùng tình yêu thương, sự kiên trì lớn nhất dành cho con, đừng buông xuôi, đừng bỏ cuộc!

CAO HUYỀN

 

Các tin khác: