Tăng "mảng xanh" để giảm nhiệt cho đô thị

Cập nhật, 17:14, Thứ Tư, 10/05/2023 (GMT+7)
Người dân đô thị tìm đến những nơi có cây xanh, mặt nước để giảm nóng.
Người dân đô thị tìm đến những nơi có cây xanh, mặt nước để giảm nóng.
Phát triển xanh, bền vững là xu thế tất yếu của các đô thị trong giai đoạn hiện nay. Trong điều kiện nhiệt độ ngày càng tăng, đặc biệt tại các khu vực đô thị- nơi mà nhiều diện tích xanh được thay bằng bê tông nên hấp thu nhiều nhiệt lượng, làm cho đô thị nóng lên. Do đó, về lâu dài, cần có các giải pháp giảm nhiệt cho đô thị, trong đó có tăng cường “mảng xanh”.
 
Những ngày nắng nóng vừa qua thực sự khiến không ít gia đình ở đô thị điêu đứng, loay hoay tìm cách chống nóng, giảm nóng. Chị Nguyễn Thị Thùy Trang ở Phường 3 (TP Vĩnh Long) cho biết: “Nơi tôi ở có rất ít cây xanh, nắng nóng đến rát mặt. Cả nhà phải chui vô phòng máy lạnh cho đỡ nóng”.
 
Do đó, chị đang lên kế hoạch trồng thêm cây xanh quanh nhà để tạo bóng mát và giúp không khí mát mẻ hơn. Chị Lê Kim Ngân (Phường 8, TP Vĩnh Long) thì than vãn: “Nóng đến nỗi bắt cho máy lạnh đứng một chỗ chớ không cho quay mà vẫn… nóng. Cuối tuần là cả nhà chị trốn nóng bằng cách về vườn- nơi có nhiều cây xanh, có sông nước, kinh mương”. Tuy nhiên, đi đâu chị cũng “mang một cái quạt giấy”. 
 
Cũng ở Phường 8, Thanh Hằng- sinh viên năm tư thì cho biết: “Nhà trọ nóng hầm hập, bật máy quạt cũng không ăn thua nên em thường cùng nhóm bạn đến công viên, kè sông… để học bài, tránh nóng”.
 
Đang ngồi hóng mát ở công viên Phường 9, chú Nguyễn Văn Khoa (ở Phường 2, TP Vĩnh Long) cho rằng: “Những ngày nóng bức mới thấy bóng mát cây xanh, bờ sông quý giá như thế nào. Thành phố được xây dựng những công viên dọc sông như thế này rất hay, nhiều công trình xây dựng vẫn giữ lại cây xanh rất đáng hoan nghênh”.
 
Nhiều chuyên gia cho rằng, cây xanh, mặt nước có vai trò cực kỳ quan trọng đối với việc giảm nhiệt đô thị.
 
Theo đó, nước từ sông rạch, ao hồ tạo điều tiết nước- làm cho mát đô thị. Cây có tán đủ lớn ngoài tác dụng che nắng, còn làm cho các bề mặt phía dưới cây xanh không bị hấp thụ bởi bức xạ mặt trời, ước tính trung bình có thể ngăn phần lớn lượng bức xạ mặt trời truyền tới. Các bề mặt này không bị nung nóng sẽ không tỏa nhiệt trở lại môi trường, làm cho nhiệt độ không khí xung quanh dịu mát hơn.
 
Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn- nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), biến đổi khí hậu đang gây ra những tác động rõ rệt đến vùng ĐBSCL như nhiệt độ ngày càng tăng dần, bức xạ mặt trời ngày càng cao, lượng mưa thất thường hơn...
 
Tại các đô thị, những diện tích xanh bị thay thế bằng bê tông, hấp thu rất nhiều nhiệt lượng, làm cho nóng lên. Như vậy, để giảm bớt hiện tượng “nóng lên” đó thì phải tăng cường mảng xanh.
 
PGS.TS Lê Anh Tuấn cho biết thêm, trên thế giới, có nhiều quốc gia quy định diện tích mảng xanh phải trên 65% diện tích đô thị, thậm chí phát triển những đô thị trong rừng hay rừng xen đô thị bởi vì cây xanh có tác dụng hấp thu nhiệt nhiều.
 
Cùng với đó, cần duy trì những hồ nước để một phần tạo điều tiết nước- giúp làm mát. Mặt khác, trong xây dựng nhà cao tầng cần nghĩ tới những kiến trúc xanh. Một số nơi thiết kế kiến trúc nhà cao tầng theo kiểu cứ vài tầng thì có một khu vườn. Theo đó, dành hẳn 1 tầng để làm vườn- nơi để “cư dân” của tòa nhà họp mặt, thư giãn... 
 
Các đô thị nhỏ cũng nên hướng đến các kiến trúc xanh như vậy. Nếu khi chưa đủ điều kiện thì nên vận động người dân trồng cây xanh càng nhiều càng tốt trong các cơ quan, trong trường học, ven đường. Ít nhất là treo nhiều hoa kiểng cho “mát mắt và mát không khí”. Mỗi người, mỗi nhà cùng làm như vậy thì giảm nhiệt độ chung rất nhiều.
 
Đồng thời, trên những vỉa hè, thay vì tráng xi măng, lát gạch bít hết thì hiện nay một số nước trên thế giới cho lát gạch có lỗ để trồng cỏ, nước mưa có thể thấm xuống đó. Và trên những mái nhà, mái bãi giữ xe, sân vận động, quảng trường… người ta gắn những tấm pin mặt trời để vừa làm mát nhà, vừa lấy điện năng tiêu thụ.
Cần giữ gìn và tôn tạo “mảng xanh” đô thị.
Cần giữ gìn và tôn tạo “mảng xanh” đô thị.
Thiết nghĩ, nhằm bảo vệ cảnh quan, giữ “lá phổi xanh” cho đô thị, cần tăng cường xử lý các hành vi vi phạm theo quy định, tăng cường diện tích “mảng xanh”. Về phía người dân, cần tăng cường nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ và nhân rộng mảng xanh. Trong đó, cần trồng cây xanh, thêm diện tích mặt nước ở khuôn viên nơi ở của mình và tôn tạo, giữ gìn diện tích cây xanh, mặt nước ở nơi công cộng.
 
Ngày 9/11/2021, tỉnh Vĩnh Long đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện trồng 500.000 cây xanh phân tán giai đoạn 2021-2025. Trong đó, khu vực đô thị trồng 55.000 cây, khu vực nông thôn trồng 445.000 cây. Riêng khu vực đô thị dự kiến trồng tại các thị trấn của các huyện và TX Bình Minh và TP Vĩnh Long. Chương trình phát triển đô thị TP Vĩnh Long đến năm 2030 phấn đấu chỉ tiêu đất cây xanh toàn đô thị đạt 9m2/người vào năm 2025 và 11m2/người vào năm 2030.
Bài, ảnh: SÔNG HẬU