Kết nối phố

Giữ ao, hồ cho đô thị

Cập nhật, 09:05, Thứ Tư, 10/05/2023 (GMT+7)

Ngồi giữa lòng TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) có cảm giác như đang ở Đà Lạt bên bờ Hồ Xuân Hương thơ mộng. Bởi nơi đây có hồ khá lớn, mà người dân thường gọi hồ Khổng Tử. Dù không bằng quy mô về giá trị lịch sử, song giá trị về môi trường, du lịch quả thật rất đáng để ghi nhận.

Xung quanh hồ là công viên Văn Miếu khá đẹp, cỏ trồng trên mặt đất nhấp nhô, cây cảnh cao chót vót khá mát mẻ. Với một không gian mở, nên trong những ngày nắng oi bức thế này, khu vực này sẽ là nơi lý tưởng thu hút người dân đến để “trốn nóng”.

ĐBSCL mệnh danh là đồng bằng sông nước nên có thể khẳng định không thiếu ao, hồ hay kênh rạch. Nhưng giữ và phát huy giá trị trong lòng đô thị như Đồng Tháp đang làm thì không phải đô thị nào ở cũng làm được.

“Những căn hộ cận hồ hay hướng thủy luôn được xếp vào giỏ hàng quý và hiếm”- giới chuyên gia bất động sản đã chỉ ra điều này khi xét góc độ kinh tế. Ngoài ra, còn yếu tố môi trường, thoát nước mùa mưa lũ và tạo lập những không gian nghỉ ngơi, thư giãn sinh hoạt cộng đồng… Đây còn là kênh thụ hưởng thị giác, là cơ sở hình thành không gian giao tiếp xã hội đậm chất văn hóa Nam Bộ.

Đã có rất nhiều bài học về việc lấp kênh rạch dẫn đến ngập như ở Tokyo (Nhật Bản) hay Seoul (Hàn Quốc)... Họ đã phải tái sinh những con kênh, con sông từng bị lấp để trả về với hiện trạng tự nhiên.

Phát triển đô thị xanh ven sông đã và đang là xu thế của nhiều quốc gia. Ngay như TP Hồ Chí Minh phát triển dọc bờ sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông, đặc biệt là cải tạo kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè càng làm cho thành phố mềm mại, đáng sống hơn.

“Hãy làm cho những dòng kinh thành công viên nước trong lòng thành phố!”- các chuyên gia Ngân hàng Thế giới khi làm việc với tỉnh Vĩnh Long về dự án phát triển đô thị đã từng khuyến nghị, với mong muốn hướng đến “Thành phố xanh ven sông- thành phố giao lưu, hiện đại” trong tương lai.

N. HOÀNG