Trăng sáng mùa đoàn viên

Cập nhật, 06:05, Thứ Bảy, 10/09/2022 (GMT+7)
Mùa Trung thu là mùa mong đợi nhất của nhiều bạn nhỏ.
Mùa Trung thu là mùa mong đợi nhất của nhiều bạn nhỏ.

(VLO) Rằm tháng tám trời quang, trăng sáng. Dường như muốn đong đưa cùng tiếng trống thùng thình và những trò chơi trẻ thơ mà trăng ghé xuống thấp hơn, đẹp hơn bao giờ hết. Một mùa Trung thu nữa lại đến. Háo hức đợi những điều mới mẻ đêm trăng lên và nhiều hoài niệm trong mùa đoàn viên.

Trăng tròn trong miền nhớ

Tết Trung thu đã có lịch sử ít nhất 2.000 năm. Từ thời cổ xưa, các vị vua chúa có tục lệ tế Mặt trời vào mùa xuân, tế Mặt trăng vào mùa thu. Trong đêm rằm tháng tám âm lịch hàng năm, khi ánh trăng tỏa sáng muôn nơi, lễ tế Thần Mặt trăng bắt đầu.

Ở nước ta, các nhà khảo cổ đã tìm thấy những hình vẽ mô tả Tết Trung thu trên trống đồng thời Hùng Vương. Theo văn bia chùa Đọi (năm 1121), từ thời nhà Lý, Tết Trung thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long. Tết này rơi vào rằm tháng tám âm lịch. Người Việt xưa hay gọi là Tết Trông trăng.

Dân ta ở xứ nóng, gắn bó với nghề lúa nước nên tháng tám chính là khoảng thời gian thích hợp để mở hội cầu mùa, ca hát, vui chơi, bởi khi đó mùa vụ thảnh thơi, tiết trời mát dịu.

Không chỉ là dịp vui chơi cho trẻ em, Tết Trung thu còn là dịp trông trăng để tiên đoán về mùa màng, thời tiết, hoặc có khi cả vận mệnh quốc gia.

Chẳng hạn, người ta cho rằng nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu ngả màu xanh hay lục thì năm đó sẽ nhiều thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thái bình thịnh trị. Tục ngữ ta có những câu: “Muốn ăn lúa tháng năm, trông trăng rằm tháng tám”, hay: “Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa”…

Cùng với Việt Nam, một số nước và các vùng lãnh thổ thuộc Châu Á khác như: Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... cũng đón mừng Tết Trung thu theo cách riêng của họ. Rằm Trung thu là một trong những lễ hội lớn nhất được tổ chức ở một số nước Đông Á. Người xưa cho rằng đó là ngày mà Mặt trăng sáng nhất và tròn nhất.

Tết Trung thu là mùa mà trẻ con trông đợi nhất, làm sao không náo nức khi khắp nơi rộn rã âm thanh, sắc màu. Nâng niu chiếc bánh nướng thơm nhẹ, vị béo ngậy của lạp xưởng, bùi bùi của hạt sen, hạt dưa, ngọt lịm mứt bí xen lẫn vị thơm của lá chanh xắt chỉ…

Tất cả hòa quyện lại với nhau tạo ra hương vị ngọt đầu môi, ngọt đến trong miền nhớ. Nhớ mùi vị bánh là người ta nghĩ ngay đến mùa Trung thu.

Anh Phạm Hoàng Đương- nhân viên Trung tâm Học tập cộng đồng phường Cái Vồn, TX Bình Minh kể, Trung thu vô cùng đặc biệt với những đứa trẻ miền Tây, bởi tháng tám âm lịch cũng là mùa nước nổi: “Hồi nhỏ, từ 5 giờ chiều là mấy đứa nhỏ náo nức cầm lồng đèn đi chơi.

Sau khi ăn bánh trung thu, cả nhóm mới cắt bao giấy xếp thành thuyền rồi đốt thêm cây đèn cầy, đi ra sau hè trèo lên ghe thả thuyền giấy”.

Anh Lưu Quốc Vinh- Tiệm bánh trung thu Tân Quang thì nhớ lại: “20 năm trước, con nít trong xóm đứa cầm đèn ông sao, đứa đi gom lon sữa, khoét rãnh rồi đốt thêm đèn cầy đi chơi quanh xóm.

Đứa tinh nghịch nhất hội sẽ đội nón lá, trùm thêm miếng vải làm con lân. Đứa thì giả làm Ông Địa, gõ lon sữa theo giai điệu “tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh”… Hiệu bánh Tân Quang đã có tuổi đời hơn 35 năm, từ thời ông nội của anh Vinh ở Quảng Đông sang và mang theo nghề bánh truyền thống.

Nhiều góc phố, quán xá được trang trí lồng đèn lung linh để các bạn trẻ “check-in”.
Nhiều góc phố, quán xá được trang trí lồng đèn lung linh để các bạn trẻ “check-in”.

Từ khuôn bánh bằng cây, nhào bột bằng tay rồi nướng trên than đước. Bánh được sản xuất với số lượng ngày càng nhiều hơn, qua khuôn máy chỉ 2 giây là thành hình, nướng trên lò điện.

“Dù nhà bán bánh nhưng hồi nhỏ được cho cái bánh trung thu là vui mừng khôn xiết. Hổng có cắt ra từng miếng mà cầm cắn ngập nguyên cái, để cảm nhận hạnh phúc sướng rân cả người”- anh Vinh tếu táo kể.

“Thùng thình thùng thình trống rộn ràng ngoài đình/ Có con sư tử đang múa quanh vòng quanh/Trung thu liên hoan trăng sáng ngập đường làng/ Dưới ánh trăng vàng đoàn em cất tiếng hát vang”.

 Mỗi khi giai điệu bài hát “Đêm Trung thu” cất lên đều khiến bao người bồi hồi nhớ lại những ngày tết đoàn viên hồi còn thơ ấu cùng gia đình và những người bạn nhỏ.

Trung thu xưa không có đèn hoa sáng chói chỉ có ánh trăng, có câu chuyện chú Cuội, chị Hằng và những ngôi sao thắp sáng bao tâm hồn trẻ thơ. Cứ như thế, “Đêm Trung thu” đã trưởng thành cùng biết bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam.

Cho con thêm một mùa trăng ấm

Tết Trung thu này có nhiều điều mới mẻ hơn. Dù thời nào cũng không thể thiếu bánh trung thu. Bánh trung thu còn là món quà ý nghĩa được nhiều người tặng nhau để trao gửi yêu thương và thành ý đến người nhận.

Cho nên nhiều bạn trẻ ngày nay thường tự tay làm bánh dành cho những người mà mình yêu thương nhất. Cùng với bánh truyền thống, có thêm bánh trung thu rau câu, bánh vị cà phê, bánh matcha, bánh sô cô la… đầy hương vị, màu sắc.

Ở thành phố, nhiều quán xá, các trung tâm thương mại… đầu tư trang trí lung linh. Đây là lúc những bạn trẻ không thể bỏ qua việc đi dạo phố và “check in”. Những hình ảnh Trung thu ngập tràn trên mạng xã hội.

Vẫn giữ những khuôn bánh bằng gỗ, anh Lưu Quốc Vinh có thật nhiều kỷ niệm với bánh trung thu.
Vẫn giữ những khuôn bánh bằng gỗ, anh Lưu Quốc Vinh có thật nhiều kỷ niệm với bánh trung thu.

Với anh Lưu Quốc Vinh, mùa Trung thu này không còn thức đến 3- 4 giờ sáng trông bánh chín cho kịp giao những đơn hàng. Máy móc đã thay thế hoàn toàn, đơn hàng nhiều hơn nhưng nhanh hơn đến tận tay khách hàng, chỉ cần “a lô” là bánh trung thu đến tận cửa nhà.

Theo anh: “Hộp bánh bằng tờ giấy cứng in màu cũng được thay bằng nhiều loại hộp tinh tế hơn, đẹp hơn nhiều lần. Nét đẹp truyền thống được nâng niu gìn giữ và phát huy trong những cách thể hiện mới. Nhưng giá trị của đoàn viên thì không bao giờ thay đổi”.

Tết đoàn viên cũng là lúc để san sẻ yêu thương. Hàng trăm chiếc lồng đèn, bánh trung thu theo những người làm thiện nguyện đến với các em thiếu nhi vùng sâu, vùng xa.

Mùa Trung thu thứ 5 vắng bóng người thầy của mình, bạn Nguyễn Thị Thúy Duy tiếp tục hành trình “Trung thu nhớ Nắng”, trao tặng 25 phần quà cho các bé khuyết tật, gia đình khó khăn tại xã Trung Thành Tây- Vũng Liêm.

“Nắng” là cách mà thế hệ học trò yêu mến gọi người thầy đã mất Huỳnh Văn Thế. Ông đã dành những năm cuối đời mang sách cho học trò nghèo, ngoài xin sách, ông còn kiêm thêm bán bánh tét, được đồng lời lãi nào thì dồn vào tủ sách cho học sinh…

Trung thu năm nay, trăng vẫn tròn nơi góc phố sáng loáng ánh đèn đường. Lồng đèn bằng lon sữa, lồng đèn cá chép, ông sao truyền thống đã được thay bằng lồng đèn điện tử đủ màu sắc, hình thù lung linh, vang tiếng nhạc rộn ràng.

Những đứa trẻ của 20 năm trước giờ đã làm cha, làm mẹ… học cách kể những giá trị truyền thống bằng ngôn ngữ hiện đại hơn.

Có thể hôm nay khi đã lớn, bạn không còn ngồi trước cửa trông trăng như bao mùa đã qua, nhưng Trung thu chưa bao giờ thay đổi ý nghĩa. Đừng quên đi những ước vọng và yêu thương trăng đã gieo trong lòng mình khi đó. Để dù có bao mùa trăng đi nữa, Trung thu vẫn là mùa đoàn viên, là viên gạch đắp xây hạnh phúc tuổi thơ.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ