Tỷ lệ học sinh quan hệ tình dục trước tuổi 14 tăng gấp đôi sau 6 năm

Cập nhật, 13:37, Thứ Sáu, 13/05/2022 (GMT+7)

(VLO) Tại hội thảo trực tuyến công bố “Báo cáo Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam năm 2019” do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam vừa tổ chức, các chuyên gia đã đưa ra con số khiến không ít người giật mình.

Đó là: chỉ trong vòng 6 năm, tỷ lệ trẻ quan hệ tình dục (QHTD) trước 14 tuổi đã tăng gấp 2 lần, từ 1,45% (năm 2013) lên 3,51% (năm 2019). Đây thực sự là con số đáng báo động. Vấn đề này không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy hại tới sức khỏe và cuộc sống tương lai của các em mà còn ảnh hưởng tới chất lượng dân số.

Tỷ lệ QHTD trước 14 tuổi tăng gấp 2 lần

TS. Kidong Park- Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết cuộc khảo sát triển khai tại 21 tỉnh với hơn 7.700 học sinh tham gia, cung cấp số liệu về yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh không lây nhiễm cũng như các bệnh khác. Số học sinh tham gia khảo sát đều từ lớp 8-12 (trẻ 13-17 tuổi) của 81 trường.

So sánh điều tra tại Việt Nam năm 2013 với 2019 cho thấy có nhiều tiến bộ có ý nghĩa quan trọng trong một số lĩnh vực, một số chỉ số cải thiện rõ như tỷ lệ nhẹ cân giảm một nửa, tỷ lệ học sinh sử dụng rượu bia, chất kích thích, thuốc lá giảm… Tỷ lệ học sinh hoạt động thể chất đã tăng hơn. Trong đó, tỷ lệ vận động 60 phút/ngày, 5 ngày trong tuần đã tăng từ 20,5% lên 21,7%.

Song, tỷ lệ học sinh bị thừa cân, béo phì có xu hướng tăng lên, tỷ lệ thừa cân tăng gấp đôi. Một số hành vi nguy cơ như uống nước ngọt có ga, ăn thức ăn nhanh đều tăng lên. Trong đó, tỷ lệ ăn thức ăn nhanh ít nhất 1 lần trong tuần tăng từ 30,2% lên 54,1%.

Đáng lưu ý, thông tin từ nhóm nghiên cứu cho thấy tỷ lệ QHTD trong học sinh giảm nhẹ, nhưng tỷ lệ QHTD trước 14 tuổi tăng gấp 2 lần, từ 1,45% (năm 2013), tăng lên 3,51% vào năm 2019.

Trong số học sinh từng QHTD, hơn 42% có sử dụng bao cao su và 44% sử dụng các phương pháp ngừa thai khác, thấp hơn so với năm 2013. Khoảng 63% có sử dụng bao cao su trong lần QHTD gần đây nhất.

Việc QHTD trước 14 tuổi và không sử dụng bao cao su góp phần gây ra tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên và mang thai ngoài ý muốn cũng như tỷ lệ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục cao.

30% cha mẹ chưa hiểu vấn đề trẻ gặp phải

Báo cáo cũng đưa ra những chỉ số hết sức quan trọng về sức khỏe tâm thần. Số liệu được thu thập trước khi dịch COVID-19 xảy ra, thế nhưng đã có 13% trẻ cảm thấy cô đơn hầu hết thời gian hoặc luôn luôn. Gần 7% thường xuyên cảm thấy lo lắng.

Đặc biệt, tỷ lệ trẻ nghiêm túc xem xét việc tự tử trong 12 tháng qua 2 lần khảo sát có giảm nhẹ nhưng trong số 6- 7 trẻ thì vẫn còn một trẻ nghiêm túc nghĩ đến việc tự tử trong năm qua.

Kết quả khảo sát cũng công bố một thực tế đáng lo ngại, đó là tỷ lệ phần trăm bố mẹ đồng hành cùng các con không cao. Dẫn chứng điều này, PGS.TS. Trần Thị Tuyết Hạnh- Trường ĐH Y tế công cộng cho biết: Tỷ lệ cha mẹ, người giám hộ hiểu các vấn đề lo lắng của con là chưa đến 30%.

Chỉ số này cho thấy phụ huynh cần nỗ lực hơn nữa để đồng hành cùng trẻ để biết con đang lo lắng gì, có vấn đề gì.

Trẻ ở lứa tuổi này gặp nhiều vấn đề (học hành, yêu đương…). Vì thế, nếu cha mẹ không đồng hành thì có thể trẻ không vượt qua được. Tỷ lệ cha mẹ, người giám hộ biết trẻ đang làm gì trong thời gian rảnh rỗi cũng chỉ khoảng 40%.

PGS.TS. Trần Thị Tuyết Hạnh cho biết thêm, những số liệu này được thu thập trước khi dịch COVID-19 xảy ra, trước khi chúng ta thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như giãn cách xã hội, trẻ ở nhà nhiều, không được đến trường, không được tiếp xúc với bạn bè nhiều.

Nếu khảo sát tại thời điểm hiện tại thì có lẽ tỷ lệ này cao hơn. Bà cũng lưu ý, tỷ lệ phần trăm ba mẹ đồng hành cùng các con không cao là điều các bậc phụ huynh cần suy nghĩ.

Báo cáo của WHO cho thấy, tỷ lệ trẻ QHTD sớm gia tăng là vấn đề khá đáng ngại. Đây là một trong 6 hành vi sức khỏe nguy cơ ở trẻ vị thành niên, gồm có: hút thuốc lá, uống bia rượu, sử dụng chất kích thích, lười tập thể dục, thói quen ăn uống không cẩn thận...

Các chuyên gia đưa ra một số lý do dẫn đến thực trạng trên:

- Sinh lý trẻ phát triển nhanh, nhờ dinh dưỡng tăng cường.

- Nằm trong giai đoạn tiền dậy thì hoặc dậy thì, trẻ có nhu cầu hình thành mối quan hệ, thể hiện bản thân với bạn cùng giới hoặc khác giới. Đặc biệt là có người yêu, dẫn đến QHTD sớm.

- Các yếu tố về văn hóa, truyền thông, mạng xã hội với các video không lành mạnh sẽ tác động đến trẻ, từ nhìn đến muốn, sau đó là thực hành.

SÔNG TRĂNG