Trực đêm bên người bệnh tâm thần

Cập nhật, 06:07, Thứ Sáu, 20/08/2021 (GMT+7)

 

Ngoài theo dõi camera, nhân viên trực còn đi từng phòng để kiểm tra giấc ngủ của người bệnh tâm thần.
Ngoài theo dõi camera, nhân viên trực còn đi từng phòng để kiểm tra giấc ngủ của người bệnh tâm thần.

(VLO) Nhìn từ ngoài, Cơ sở Chăm sóc người bệnh tâm thần (thuộc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh), hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị cho hơn 100 người bệnh tâm thần, có vẻ trầm lắng trong thời gian giãn cách xã hội nhưng thực chất vô cùng bận rộn với các đợt test nhanh, tiêm ngừa COVID-19, vệ sinh khử khuẩn, đặc biệt là các ca trực thâu đêm bên người bệnh.

Bắt đầu ngày mới từ 5h30, người bệnh tập thể dục, tắm rửa, giặt giũ, vệ sinh phòng ở. Sau đó tiến hành ăn sáng, rửa chén muỗng. Một nhóm nhỏ người bệnh được nhân viên hướng dẫn làm cỏ, quét dọn khuôn viên cơ sở, còn lại tiếp tục vệ sinh ở 2 khu nam và nữ. Công việc cũng tương tự như thế vào buổi chiều.

Tối đến, các nhân viên bắt đầu thay phiên nhau vào ca trực, mỗi ca khoảng gần 2 tiếng đồng hồ. Ông Nguyễn Văn Châu- Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội phụ trách cơ sở- cho biết: “Nhằm đảm bảo giấc ngủ tốt nhất cho người bệnh, cơ sở luôn dặn dò nhân viên thực hiện đúng tinh thần trách nhiệm trong ca trực, thường xuyên ra vào kiểm tra từng phòng, từng dãy hành lang, đồng thời giám sát camera 24/24.

Trấn an tinh thần, động viên tâm lý, theo dõi sức khỏe người bệnh để kịp thời hỗ trợ, đặc biệt là khi người bệnh vừa tiêm ngừa vắc xin COVID-19, ngay khi có dấu hiệu sốt, mệt mỏi sẽ can thiệp y tế ngay”.

Trong ca trực luôn có những tình huống cần sự giải quyết thấu đáo. Chị Nguyễn Hồng Hiệp- nhân viên chăm sóc người bệnh chia sẻ: “Có một số người bệnh liên tục đập phá, la hét, tự cởi đồ, chửi mắng nhân viên... Chúng tôi không lấy đó làm giận vì hiểu do họ có bệnh nên mới thế.

Trong ngày trực, chúng tôi chưa từng có được giấc ngủ ngon. Ngoài trực đêm còn xoay vòng trực buổi trưa. Tuy mệt mỏi nhưng luôn cố gắng hết sức vì công việc”.

Tất cả nhân viên đều quan tâm, thăm hỏi người bệnh, lo lắng đắp thêm chăn, đổi chiếu, thay tã cho những người bệnh già yếu nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt. Lúc mọi người say giấc bên người thân thì ở cơ sở, các nhân viên thức cùng giấc ngủ của người bệnh.

Chị Hồng Hiệp chia sẻ thêm, do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên chị cùng mọi người tăng cường ở lại cơ sở, mỗi người một nhiệm vụ hỗ trợ nhau chăm sóc, hướng dẫn người bệnh thực hiện các biện pháp phòng tránh dịch, tuân thủ nguyên tắc “5K” của Bộ Y tế.

Còn chị Đoàn Thị Diễm Linh cho biết, cơ sở luôn tạo điều kiện trong sinh hoạt cho chị cũng như các chị em khác có con nhỏ để an tâm công tác.

Dù đặc thù công việc rất vất vả nhưng viên chức, người lao động Cơ sở Chăm sóc người bệnh tâm thần luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, khi bước vào ca trực là dùng hết năng lượng, sự tận tâm để phục vụ người bệnh chu đáo nhất.

Ánh đèn cơ sở sáng bừng nhưng vẫn không sáng bằng ánh mắt trực đêm đầy trách nhiệm, luôn dõi theo từng người bệnh tâm thần qua từng giấc ngủ.

Bài, ảnh: THÁI LINH

Các tin khác: