Hỗ trợ người lao động quay lại thị trường

Cập nhật, 18:53, Thứ Sáu, 07/05/2021 (GMT+7)

(VLO) Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long thống kê, số lao động (LĐ) nghỉ việc đến làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đông và một số công ty, doanh nghiệp có LĐ nghỉ nhiều trong các tháng đầu năm 2021.

Người LĐ đăng ký thủ tục hưởng BHTN tại chi nhánh của Trung tâm Dịch vụ việc làm Vĩnh Long.
Người LĐ đăng ký thủ tục hưởng BHTN tại chi nhánh của Trung tâm Dịch vụ việc làm Vĩnh Long.

Võ Thị Bé Diệu (1997) là công nhân của một công ty may ở TP Cần Thơ, ngày đầu làm việc sau kỳ nghỉ lễ đã đến chi nhánh Hòa Phú của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long làm thủ tục hưởng BHTN sau khi nghỉ việc.

Giống như Diệu, Đào Văn Nhân (1991) sau thời gian làm công nhân một công ty may ở TP Hồ Chí Minh cũng nghỉ việc, đến làm hồ sơ hưởng chính sách này.

Trước Diệu, Nhân, LĐ Dương Thị Hương (1989) đến chi nhánh cùng hôm đó để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Có thể thấy, may mặc, nhựa... là một số ngành nghề có số LĐ chịu tác động lớn của dịch COVID-19 trong hơn 1 năm qua, dẫn tới số nghỉ việc, nhảy việc chiếm khá cao.

Theo bà Lê Thị Huế Nhi- Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Vĩnh Long, tình hình biến động LĐ tăng nhiều từ tháng 3 năm nay.

Thống kê trong tháng 4/2021, số lượng người nộp hồ sơ hưởng BHTN tăng 10,6% so với tháng trước, tăng 5,1% so cùng kỳ năm 2020.

Nguyên nhân do người LĐ nhảy việc, muốn tìm công việc có mức lương cao và đãi ngộ tốt hơn; một số khác do hết hạn hợp đồng LĐ không tái ký và về nhà kinh doanh tự do.

Người thất nghiệp chủ yếu là công nhân LĐ phổ thông, trình độ tay nghề thấp thuộc các lĩnh vực chế biến, chế tạo...

Trung tâm Dịch vụ việc làm Vĩnh Long thống kê từ đầu năm đến hết tháng 4/2021, đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 16.000 lượt người; nộp hồ sơ hưởng BHTN là 3.365 người; kết quả số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 2.488 người. Khoảng 200 người trong số hưởng trợ cấp được hỗ trợ học nghề.

Bà Lê Thị Huế Nhi tổng hợp thông tin các tháng đầu năm, một số công ty trên địa bàn tỉnh có LĐ nghỉ việc nhiều như Công ty TNHH T.X.: 320 người, Công ty TNHH T.B.: 248 người, Công ty TNHH 1TV K.T.: 92 người, một số công ty dược, may cũng có hàng chục LĐ nghỉ việc.

Giải quyết vấn đề này, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã thành lập bộ phận tư vấn ban đầu đặt tại cơ sở Phường 3 (đường Mậu Thân) để tăng cường trực tiếp tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề cho người LĐ thất nghiệp nhằm đưa họ sớm quay trở lại thị trường LĐ.

Từ đầu tháng 3/2021 đến nay, bộ phận này đã tư vấn cho hơn 6.300 lượt người, giới thiệu việc làm 122 người, hỗ trợ học nghề 92 người; đồng thời tuyên truyền qua các kênh Zalo, Facebook của trung tâm.

Theo ông Đặng Vinh Hiển- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm, trung tâm đã kết nối với nhiều công ty, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng LĐ với số lượng lớn để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người LĐ.

Thực tế hiện nay, tuy nhu cầu tuyển dụng của một số công ty, doanh nghiệp nhiều nhưng người LĐ thất nghiệp đến trung tâm chưa muốn đi làm vì muốn nghỉ ngơi một thời gian và nhận tiền trợ cấp thất nghiệp.

Về tình hình biến động LĐ, trung tâm đã tham mưu cho Sở LĐ- Thương binh và Xã hội ban hành công văn yêu cầu 500 công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thông báo tình hình này và đã nhận được thống kê của 39 đơn vị có biến động LĐ. 

Tới đây, để theo dõi tình hình biến động LĐ, các công ty, doanh nghiệp được đề nghị quan tâm hơn khi có biến động (tăng hoặc giảm) thì kịp thời thông báo cho trung tâm để báo cáo Cục Việc làm.

Điều này giúp làm tốt công tác thông tin thị trường LĐ, giải quyết việc làm, đưa người LĐ sớm quay lại thị trường LĐ, đồng thời thực hiện hiệu quả chính sách BHTN.

Cuối tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 17 quy định mức hỗ trợ học nghề dành cho người LĐ tham gia BHTN, có hiệu lực từ ngày 15/5/2021. Theo đó mức hỗ trợ học nghề mới áp dụng cho LĐ thất nghiệp học nghề là 1,5 triệu đồng/người/tháng, áp dụng theo gói và theo tháng. Kinh phí do cơ quan BHXH chi trả từ Quỹ BHTN.

Trước đó với mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng, tỷ lệ người được hỗ trợ học nghề so với số lượng nộp hồ sơ hưởng BHTN chưa cao (chỉ 5%). Một trong số nguyên nhân là chi phí hỗ trợ thấp so với mức chi phí bỏ ra học nghề (như trang điểm, lái xe,...) và với LĐ thất nghiệp có chuyên môn kỹ thuật cao, khi muốn tham gia học CĐ nghề thì mức hỗ trợ này là rất thấp.

Bài, ảnh: MINH THÁI