Cớ sự tai nạn, thương tích nhập viện tăng đột biến

Cập nhật, 13:14, Thứ Sáu, 17/06/2016 (GMT+7)

Thời gian gần đây, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long tiếp nhận “rộ” các trường hợp cấp cứu tai nạn thương tích, tai nạn lao động, tai nạn giao thông và sinh hoạt hàng ngày.

Ngoài tai nạn thương tích do bất cẩn, còn lại không ít trường hợp thương tích nặng và phức tạp được cho là do mâu thuẫn, đánh nhau, do say xỉn rượu bia không điều khiển được hành vi ứng xử...

Cấp cứu do tai nạn, do thương tích tăng đột biến

Mới đây, N.V.Đ. (26 tuổi) được đưa vào bệnh viện ngày 3/6 với tình trạng tràn máu màng phổi do bị đâm, đến 3 giờ sáng cùng ngày bệnh nhân này tử vong. Với trường hợp Q.H.Đ. (22 tuổi) bị đâm ngày 12/6, được đưa vào cấp cứu và liền sau đó bác sĩ phải mổ ngay vị trí vết thương thủng tim, cứu sống bệnh nhân.

Tiếp xúc với người nhà của Q.H.Đ. tại bệnh viện khi đang chăm Q.H.Đ. sau phẫu thuật, được biết Q.H.Đ. có mâu thuẫn tiền bạc với bạn, và đó là cớ sự dẫn đến Q.H.Đ bị đâm. Đáng nói, việc Q.H.Đ. bị đâm được người nhà Đ. và bác sĩ nghi có thể là con dao và cũng có thể là... chiếc chìa khóa xe máy.

Thống kê của Phòng Kế hoạch tổng hợp 2 tuần gần đây (1-14/6/2016), BVĐK tỉnh tiếp nhận cấp cứu 395 trường hợp tai nạn thương tích (do đánh nhau, do các loại tai nạn: lao động, giao thông, sinh hoạt,...), trong đó 167 trường hợp tai nạn giao thông.

Cấp cứu do đánh nhau mỗi ngày ghi nhận 3-5 ca, trong đó có những ca rất nặng phải đưa ngay vào phòng mổ.

Bác sĩ Huỳnh Thị Tú Trinh- Phó trưởng khoa Khám bệnh- cho biết gần đây tình hình đánh chém, tai nạn, thương tích nặng hơn (vào viện cấp cứu) tăng lên rất nhiều.

“Hình như ngày nào cũng có cấp cứu do bị đâm”- bác sĩ Tú Trinh cho hay và khẳng định “số vụ việc tăng, tình trạng thương tích nặng và ca tử vong cũng tăng lên”- ghi nhận tại “cửa ngõ” cấp cứu.

Khẳng định thông tin trên, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Bạch Yến- Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Vĩnh Long- cho rằng nguyên nhân các vụ việc đánh đấm nhau rồi vào bệnh viện cấp cứu thường do mâu thuẫn và không điều khiển được hành vi bản thân.

Theo bác sĩ, có thể là do thanh thiếu niên tụ tập ăn chơi, trong cư xử thiếu tế nhị gây mâu thuẫn, do mâu thuẫn xã hội bộc phát, do uống rượu bia nên không làm chủ được mình (đánh nhau, tai nạn
giao thông)...

Bác sĩ Bạch Yến kể, cách đây hơn tuần có ca cấp cứu do “bị đâm thủng ruột, đứt niệu quản, rách mạc treo”. Bác sĩ sau đó mổ cấp cứu, cứu được bệnh nhân. Nguyên nhân được người nhà nói với bệnh viện: 2 người đi chăn vịt rồi nhậu, sau đó mâu thuẫn, đánh nhau, đâm nhau và kết quả như đã nêu.

Một nhân viên y tế kể lúc 0 giờ ngày 11/6, BVĐK tỉnh cấp cứu một người bị thương tích do đánh nhau và không nằm ngoài dự đoán việc nạn nhân có thể tiếp tục bị truy sát, không lâu sau đó có đối tượng đi vào đánh tiếp bệnh nhân trên.

Theo một cán bộ y tế ở khu cấp cứu, có khi bảo vệ và vệ sĩ can thiệp không kịp, đối tượng bẻ cả vòi nước để ẩu đả tiếp trong khu vực cấp cứu.

Uốn nắn thái độ, điều chỉnh hành vi

Theo phía bệnh viện, khi mâu thuẫn đánh nhau gây thương tích, nạn nhân được đưa vào viện cấp cứu thì có khi đối tượng hoặc cả nhóm người kéo nhau vào tận khu vực cấp cứu truy sát bệnh nhân.

Đáng nói, ngoài số lượng cấp cứu nhiều lên, mức độ thương tích nặng và phức tạp, thì hung khí dùng để đánh đấm nhau cũng đa dạng: dao, cuốc, chìa khóa xe,...

“Trong những tình huống đã từng diễn ra (ẩu đả, truy sát bệnh nhân) thì các nhân viên y tế, bác sĩ, bệnh nhân và người nhà họ... rất hoang mang. Người bệnh nặng (người già, trẻ em, người bệnh tim mạch) mà thấy cảnh đó thì bệnh còn... nặng hơn nữa!”- một bác sĩ tại khu cấp cứu lo lắng.

Theo bác sĩ Bạch Yến, từ thực tế cho thấy nguy hiểm có thể xảy đến bất cứ lúc nào trong quá trình điều trị tại khu cấp cứu nên bệnh viện đã thuê vệ sĩ.

Họ chia ca trực (3 ca) 24/24 giờ mỗi ngày trong tuần. Theo bác sĩ Tú Trinh, từ khi có vệ sĩ, tình hình an ninh trật tự, an toàn cho bệnh nhân, các y bác sĩ cải thiện đáng kể. Cảnh vô phòng cấp cứu đánh đấm nhau hòng giải quyết “trọn vẹn” mâu thuẫn đã ít xảy ra hơn trước.

Về vấn đề tai nạn, thương tích tăng cao, mức độ thương tích nặng và nguy cơ tử vong như đã nói ở trên, các bác sĩ cho tác nhân quan trọng là ở chính bản thân người đó, là gia đình họ và xã hội.

Theo bác sĩ, gia đình và xã hội phải uốn nắn và chính những người (phần lớn là thanh thiếu niên) cần điều chỉnh hành vi của mình phù hợp, đúng đắn để hạn chế chuyện không hay phải đưa vào bệnh viện. Và khi vào viện rồi, thì cũng tránh rắc rối.

“Bệnh viện là nơi chữa trị cho bệnh nhân. Không vì thương tích hay tai nạn mà vào đó tiếp tục gây hấn, giải quyết mâu thuẫn, truy sát nhau, gây ảnh hưởng đến bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và y bác sĩ trong quá trình điều trị”- bác sĩ Bạch Yến giải thích.

Và khuyên thêm: “Hãy giữ cái đầu bình tĩnh trong mọi trường hợp khi vào cấp cứu. Ai vào cấp cứu cũng muốn mình được chẩn đoán, điều trị nhanh và sớm cả. Tuy nhiên, bác sĩ biết thời gian, giới hạn của việc chẩn đoán kịp thời để đưa ra phương án điều trị tốt nhất”.

Bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến cho biết: Ngoài tăng cường bác sĩ trực khu vực cấp cứu (hiện có 3 bác sĩ), bệnh viện đảm bảo lực lượng bảo vệ và vệ sĩ.

Khi cần thiết còn phối hợp nhanh với Công an Phường 4, Cảnh sát 113 để giải quyết tình huống không hay. Bệnh viện hàng ngày giao ban đều báo cáo kiểm tra việc lưu trữ lượng máu. Mỗi ngày phải có ít nhất 100 đơn vị máu (350ml) các nhóm để trữ, dự phòng cấp cứu khẩn cấp đông như thời gian gần đây.

MINH THÁI