Để thiết chế văn hóa là "sợi dây" kết nối cộng đồng

Cập nhật, 18:00, Thứ Sáu, 28/04/2023 (GMT+7)

 

Thư viện tỉnh bong tróc, xuống cấp, khó khăn trong lưu trữ sách và phục vụ độc giả.
Thư viện tỉnh bong tróc, xuống cấp, khó khăn trong lưu trữ sách và phục vụ độc giả.

Văn hóa là trụ cột, là nền tảng tinh thần của xã hội. Trong suốt tiến trình lịch sử Đảng ta luôn coi văn hóa là quan trọng hàng đầu, được đưa vào Đề cương, Nghị quyết có tính chất dẫn đường cho cách mạng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, quán triệt nghiêm túc quan điểm: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Với yêu cầu chấn hưng văn hóa, vấn đề đầu tư xứng tầm cho lĩnh vực này được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.

Với sự đầu tư về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động, các thiết chế văn hóa- thể thao (VH- TT) cơ sở trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã phát huy vai trò là địa điểm sinh hoạt, vui chơi giải trí, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo và nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân. Tuy nhiên, qua thực tiễn, hoạt động của các thiết chế VH- TT ở cơ sở chưa thực sự phát huy hết hiệu quả.  

Trước những kiến nghị của cử tri và qua khảo sát, giám sát của HĐND tỉnh Vĩnh Long, hoạt động của các thiết chế VH- TT ở cơ sở vẫn còn gặp nhiều khó khăn. HĐND tỉnh đã kịp thời ban hành 2 Nghị quyết nâng cao mức hỗ trợ, tạo nguồn lực cho hoạt động của các thiết chế phát triển. Đặc biệt, Nghị quyết 31/2022/NQ-HĐND kịp thời động viên, giải quyết một phần khó khăn về thiếu kinh phí hoạt động, góp phần để các thiết chế VH- TT cơ sở cùng nỗ lực phát huy tốt vai trò kết nối cộng đồng, thu hút đông đảo người dân đến sinh hoạt.

Kỳ 1: Thiết chế văn hóa cơ sở “hồn thì thiếu, mà cốt thì yếu”

Tỉnh Vĩnh Long có trên 1.250 thiết chế VH- TT cơ sở. Tuy đã có nhiều cố gắng trong việc quan tâm xây dựng, nâng cấp nhưng một số thiết chế VH- TT cơ sở đã lạc hậu, hư hỏng và tiếp tục chờ… đầu tư để đáp ứng được nhu cầu của xã hội phát triển. 

Thiết chế văn hóa cấp tỉnh: xuống cấp và lạc hậu

Dù có sự quan tâm đầu tư cho hệ thống thiết chế VH- TT để đáp ứng yêu cầu xã hội phát triển và phục vụ nhân dân, tuy nhiên một số thiết chế VH- TT được xây dựng từ trước năm 2000 nên đã lạc hậu, xuống cấp, hư hỏng và chưa đáp ứng được các tiêu chí, điều kiện theo quy định để hoạt động.

Trong khi đó, việc quy hoạch, đầu tư, nâng cấp, sửa chữa các công trình này còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế do nhiều dự án quy hoạch phải ưu tiên xây dựng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, giao thông…

Thư viện tỉnh Vĩnh Long được tiếp nhận từ trụ sở cũ trước năm 1975, đến nay đã hơn 48 năm. Từ tổng diện tích sàn xây dựng là 2.496m2, đến tháng 8/2008, Thư viện bị thu hồi một phần đất để xây dựng đường Võ Văn Kiệt. Hiện nay tổng diện tích sàn mà thư viện đang sử dụng chỉ còn khoảng 1.800m².

Thư viện đang lưu trữ lượng lớn tài liệu với khoảng 270.000 bản sách và hàng năm vẫn tiếp tục bổ sung để phục vụ bạn đọc (khoảng 6.000 quyển sách/năm).

Bà Nguyễn Thị Hồng Nga- Giám đốc Thư viện cho biết: “Thư viện ngập nước, bong tróc, trụ sở xuống cấp nặng, rất không an toàn cho bạn đọc đến sử dụng thư viện và viên chức người lao động làm việc tại đơn vị. Mỗi lần tổ chức hội thi, các buổi nói chuyện chuyên đề, tọa đàm về sách,... đều phải kết hợp với đơn vị khác để mượn địa điểm tổ chức. Tháng 1/2023, Thư viện đã gửi công văn đến Sở Xây dựng đề nghị thẩm định chất lượng và mức độ đủ điều kiện để phục vụ bạn đọc. Kết quả thẩm định là cơ sở để trình Sở Văn hóa- TT- DL có hướng dẫn sửa chữa, di dời, tu bổ hoặc xây mới đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng”.

Trung tâm VH Nghệ thuật của tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tổ chức hoạt động nghiệp vụ. Tiếp nhận trụ sở từ Sở Nông nghiệp- PTNT, vị trí của Trung tâm VH Nghệ thuật không thuận lợi và chưa đủ tiêu chuẩn nên ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, cổ động, văn hóa, văn nghệ gây khó khăn trong việc thu hút người dân đến tham gia sinh hoạt.

Trung tâm VH Nghệ thuật của tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện, biểu diễn.
Trung tâm VH Nghệ thuật của tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện, biểu diễn.

Theo Giám đốc Trung tâm VH Nghệ thuật Lê Đức Vĩnh Tuyên: “Một số nơi vẫn bị ngập nước, thấm dột, bong tróc trong mùa lũ, mưa bão gây khó khăn cho việc tổ chức các hoạt động cũng như bảo quản tài sản. Trung tâm vẫn chưa có sân khấu biểu diễn; hội trường và phòng tập thiếu hệ thống cách âm nên quá trình tập luyện, biểu diễn còn gây tiếng ồn. Đã có trường hợp người dân phản ánh với chính quyền địa phương vì âm thanh quá ồn”.

Bên cạnh đó, ông Lê Đức Vĩnh Tuyên cũng cho biết, trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, sân khấu, nhạc cụ của trung tâm cũng đã lạc hậu, xuống cấp, thiếu đồng bộ không đáp ứng yêu cầu phục vụ các sự kiện lớn của tỉnh giao. Theo ghi nhận của chúng tôi, một sự kiện lớn được tổ chức gần đây là Liên hoan văn nghệ quần chúng đồng bào Khmer vào dịp Tết Chol Chnam Thmay. Một số thiết bị trên sân khấu của liên hoan đã có từ thời cô Ba Trang (Huỳnh Thanh Trang) quản lý trung tâm năm 1993, tức là thiết bị đã sử dụng trong 20 năm.

Khó hiệu quả vì “thiếu thốn đủ thứ”

Hiện nay trên địa bàn xã Ngãi Tứ có 1 cụm Nhà VH- Khu TT liên ấp Bình Quý- An Phong- Bình Ninh được đưa vào hoạt động năm 2014.

Đây là nơi thường xuyên tập trung vào các hoạt động thông tin tuyên truyền cổ động, là địa điểm tổ chức các hoạt động sinh hoạt CLB, phục vụ các hội nghị, tổ chức các hội thi, liên hoan, giao lưu văn hóa, tập luyện thể dục thể thao thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Cũng từ đây đã hình thành các CLB hoạt động có hiệu quả như: bóng đá, cờ tướng, karaoke, đờn ca tài tử, sinh vật cảnh…

Tuy nhiên, theo ông Đặng Trung Thành- Giám đốc Trung tâm VH- TT Ngãi Tứ, cụm Nhà VH- Khu TT liên ấp còn một số hạn chế như sân bóng đá mini thu hút đông đảo người dân tham gia sinh hoạt nhưng chưa hoàn chỉnh về sân bãi. Hệ thống âm thanh được cấp sử dụng lâu ngày xuống cấp hư hỏng, thiếu kinh phí bảo trì, sửa chửa.

Ban chủ nhiệm các CLB hoạt động chính là cán bộ ban ngành của ấp có nhà văn hóa đặt tại địa bàn, các ấp còn lại thì ít tham gia. Trước tháng 7/2022, kinh phí hạn hẹp 5 triệu/năm khó khăn cho việc quản lý, duy tu và bảo dưỡng các công trình hạ tầng, các hoạt động văn hóa- văn nghệ, thể thao vẫn chậm được cải thiện.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Tú- Công chức Văn hóa- Xã hội xã Trung An (Vũng Liêm) thì cho biết, Nhà VH chưa có nhiều điểm thu hút người dân đến tham gia. “Chúng tôi rất mong có thêm khu vui chơi trẻ em, dụng cụ tập thể dục để người dân có thể đến tập luyện, rèn luyện sức khỏe”- chị Tú chia sẻ.

Đặc biệt, vị trí xây dựng cũng là vấn đề đáng quan tâm, vì hầu hết hầu hết các trung tâm không phát huy được hiệu quả là do không thuận lợi trong việc đi lại của người dân. Thậm chí có nơi trung tâm nằm cách xa, tách biệt với khu dân cư hoặc đặt ngay trong khu hành chính xã. Đó là những nguyên nhân cơ bản khiến không ít trung tâm luôn “cửa đóng then cài”.  

Trung tâm VH- TT xã Tân Mỹ (Trà Ôn) được xây dựng khang trang năm 2020. Tuy nhiên vị trí xây dựng nằm ở sân bóng cũ, phải di chuyển trên con đường đan cách ĐT 907 khoảng 1,5km.

Vừa qua khi tổ chức Ngày hội VH- TT đồng bào Khmer, các đoàn tham dự nếu di chuyển bằng ô tô phải xuống xe đi bộ 1,5km mới đến nơi. Để giải quyết khó khăn này, ông Ngô Vĩnh Tuân- Giám đốc Trung tâm VH- TT xã Tân Mỹ cho biết: “Đã có quy hoạch xây dựng con đường 9m ngay trước trung tâm. Tuy nhiên, người dân vẫn tiếp tục chờ vì… quy hoạch đến năm 2025”.

Đánh giá nguyên nhân của những hạn chế nêu trên, theo ông Phan Văn Giàu- Giám đốc Sở Văn hóa- TT- DL: Nguyên nhân chủ quan là do thiếu sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác lãnh, chỉ đạo cũng như công tác phối hợp của các đoàn thể; công tác vận động xã hội hóa cũng còn hạn chế.

Một số thành viên Ban giám đốc còn yếu về chuyên môn. Một số thiết chế do địa phương chọn vị trí xây dựng không phù hợp, nên chưa thu hút được nhiều người dân đến tham gia. Chưa có đổi mới trong tổ chức các hoạt động, đa phần bị rập khuôn về nội dung và hình thức. Một số nơi thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động; hoặc được đầu tư nhưng hiện nay đã xuống cấp, cũ kỹ, lạc hậu; và chưa thật sự quan tâm đến việc cấp thêm nguồn kinh phí tổ chức hoạt động.

 Trung tâm VH- TT xã Tân Mỹ (Trà Ôn) được xây dựng khang trang nhưng vị trí còn khó khăn để người dân đến sinh hoạt.
Trung tâm VH- TT xã Tân Mỹ (Trà Ôn) được xây dựng khang trang nhưng vị trí còn khó khăn để người dân đến sinh hoạt.

Về khách quan, ông Phan Văn Giàu cho biết, thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động, ảnh hưởng lớn đến quá trình tổ chức hoạt động. Hiện nay công nghệ thông tin phát triển mạnh, mỗi người dân đều có điện thoại thông minh, tiếp cận các loại hình nghệ thuật- thể thao giải trí tại nhà ngày càng thuận tiện hơn.

Từ đó, dẫn đến số lượng người dân đến các thiết chế VH- TT cơ sở tham gia hoạt động còn thấp. Bên cạnh đó, các phong trào văn hóa, văn nghệ thiếu lực lượng trẻ kế thừa, mà đa phần là người lớn tuổi. Khi tổ chức phong trào, lực lượng tham gia còn hạn chế, do phần lớn người trong độ tuổi lao động phải đi làm ăn xa…

Tỉnh hiện có 80/107 xã, phường, thị trấn có Trung tâm VH- TT cấp xã; đạt tỷ lệ 75%. Trong đó, có 14 Trung tâm VH- TT xã; 61 Trung tâm VH và Học tập cộng đồng xã (sáp nhập giữa Trung tâm VH- TT xã và Trung tâm Học tập cộng đồng) và 5 Nhà VH xã.

Tỉnh còn có 249/752 ấp có Nhà VH- Khu TT ấp, cụm liên ấp. Bình quân, một Nhà VH- Khu TT liên ấp sử dụng cho 3 ấp, tỷ lệ 33% ấp có Nhà VH- Khu TT ấp.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY- TUYẾT NGA

>> Kỳ 2: Cùng dân tạo nên “mắc xích” nhỏ gắn kết
Các tin khác: