Chống chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất

Bày sẵn trận địa đón... máy bay Mỹ!

Cập nhật, 05:05, Thứ Hai, 27/03/2023 (GMT+7)
Dân quân tự vệ TX Hà Tĩnh trên trận địa đánh máy bay Mỹ trong trận đánh ngày 26/3/1965 quanh núi Nài. Ảnh: TL
Dân quân tự vệ TX Hà Tĩnh trên trận địa đánh máy bay Mỹ trong trận đánh ngày 26/3/1965 quanh núi Nài. Ảnh: TL

(VLO) Cuối năm 1964, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của quân dân miền Nam Việt Nam trở nên ác liệt hơn: Trước thất bại rõ ràng của cuộc “Chiến tranh đặc biệt”, kẻ địch buộc phải đưa quân viễn chinh Mỹ và quân các nước chư hầu vào miền Nam để trực tiếp cùng quân đội Sài Gòn chuyển sang cuộc “Chiến tranh cục bộ”.

Ngày 7/2/1965, lấy cớ quân giải phóng tiến công tiêu diệt một cứ điểm của quân Mỹ ở Pleiku, Mỹ cho máy bay ra đánh phá Đồng Hới (Quảng Bình) và đảo Cồn Cỏ (Vĩnh Linh), chính thức mở ra cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta lần thứ nhất.

Địch bộc lộ ý đồ gây tội ác

Sau những tổn thất bất ngờ trong 2 chiến dịch “Mũi lao lửa” và “Sấm rền” của không quân Mỹ khi mở đầu cuộc tiến công vào các cơ sở kinh tế, quốc phòng trên miền Bắc nước ta, có lẽ bọn chỉ huy không quân Mỹ đã cay đắng nhận định hệ thống các đài ra đa tại đây là các “con mắt thần” có góp phần tích cực.

Kể từ đó trong các kế hoạch đánh phá, không quân Mỹ đặc biệt chú trọng đến các đài ra đa.

Trong các ngày từ 13-23/3/1965, máy bay Mỹ nhiều lần tiến công Trạm quan sát Hải quân, Đồn Công an vũ trang 112 ở Đèo Ngang (Kỳ Anh) và Trạm ra đa Vĩnh Chấp (Vĩnh Linh), Trạm ra đa Đồng Hới (Quảng Bình).

Nhận rõ ý đồ của địch sau khi 2 trạm ra đa nói trên liên tiếp bị chúng tập trung đánh phá, Bộ Tư lệnh Phòng không- Không quân quyết định cho Trung đoàn 190 ra đa đóng ở Nghệ An vào phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh xây dựng phương án tác chiến bảo vệ Trạm ra đa Núi Nài.

Đây là trạm ra đa rất quan trọng trên đỉnh núi Nài cao hơn mặt nước biển 80m, án ngữ hướng Đông Nam của TX Hà Tĩnh và cách không xa QL1A- tuyến chi viện huyết mạch của hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam- trạm cũng gần cầu Phú bắt qua sông Phú nối liền với quốc lộ này.

Từ lâu, Trạm ra đa Núi Nài đã góp phần quan trọng trong bảo vệ TX Hà Tĩnh và QL1A nên nhất định địch cũng sẽ tập trung đánh phá.

Bày sẵn trận địa chờ địch

Trạm ra đa Núi Nài năm 1965. Ảnh: TL
Trạm ra đa Núi Nài năm 1965. Ảnh: TL

Kế hoạch bảo vệ Trạm ra đa Núi Nài được tiến hành khẩn trương: đầu tiên trạm được dời về một vị trí an toàn hơn ở Cồn Cỏ (xã Thạch Quý) và ngay trong đêm 24/3 ta huy động các thợ mộc xã Thái Yên, Đức Thọ cùng dân công xã Đại Nãi xây dựng một trạm ra đa giả bằng gỗ ở nơi trạm cũ.

Đến trưa ngày hôm sau thì trạm được xây dựng xong. Bố trí trận địa đón đánh địch và di tản dân ra khỏi các trọng điểm trong TX Hà Tĩnh để bảo vệ dân là những việc được tỉnh tiến hành cùng lúc: các lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu được bố trí trong 5 cụm trực chiến và 7 cụm chiến đấu ở quanh núi Nài và các xã lân cận thị xã.

Các đơn vị chiến đấu gồm đại đội pháo cao xạ 37mm tỉnh vừa thành lập, trung đội súng máy của dân quân tự vệ Hà Tĩnh, cùng với các trung đội dân quân vũ trang của 7 xã xung quanh TX Hà Tĩnh.

Bộ Tư lệnh Phòng không- Không quân còn điều thêm Tiểu đoàn 8 gồm các học viên của Học viện Phòng không từ Quảng Bình ra cùng với một trung đội súng 12,7mm của Nghệ An tăng cường cho Hà Tĩnh.

Ngành bưu điện và ban thông tin của tỉnh được giao nhiệm vụ phải đảm bảo thông tin thông suốt phục vụ chiến đấu và hướng dẫn dân di tản lánh nạn. Các việc phục vụ chiến đấu khác như y tế, tiếp lương, tải đạn… do các lực lượng dân quân tại chỗ đảm nhiệm.

Ngay khi cái trạm ra đa giả vừa mới xây dựng xong, xảy ra một sự kiện khiến mọi người phải cảnh giác: có 2 đợt máy bay trinh sát của Mỹ nghiêng ngó đi qua vùng núi Nài hình như để xác định mục tiêu càng khiến quyết tâm dạy cho quân thù một bài học nhớ đời của quân dân tại đây càng nung nấu.

Trận địa bày ra đã sẵn sàng, các đơn vị chiến đấu và phục vụ chiến đấu đã vào vị trí, cả thị xã như nín thở chờ kẻ địch kéo đến!

Đúng như nhận định, 12 giờ 15 phút trưa ngày hôm sau (26/3), Mỹ huy động 26 máy bay AD6, F105, F8U, F4H chia thành nhiều tốp lướt qua phía Tây thị xã rồi vòng lại thi nhau lao xuống ném bom và bắn như vãi đạn vào trạm ra đa giả vừa mới xây dựng trên đỉnh núi Nài và vùng chung quanh núi.

Cả TX Hà Tĩnh rung chuyển mờ mịt khói bom, riêng núi Nài và vùng chung quanh chân núi qua 2 đợt công kích của máy bay địch, mỗi đợt kéo dài 20 phút, khói đen và vàng của bom quyện nhau dày đặc, nhất là nơi lực lượng ta bố trí khẩu cao xạ 37mm…

Dưới bom đạn địch, dân quân tự vệ các xã, tự vệ xí nghiệp nước, xí nghiệp bánh kẹo, thầy cô giáo và học sinh cấp 3 Trường Phan Đình Phùng di chuyển như con thoi phục vụ cho chiến đấu trên các vị trí được phân công.

Do có hệ thống công sự và hào chiến đấu chuẩn bị từ trước nên thiệt hại về người và của không lớn, có một số chiến sĩ, dân quân hy sinh và bị thương, nhà cửa bị cháy và hư hại nhưng không ai rời bỏ vị trí…

Nhiều tấm gương chiến đấu anh dũng được biểu dương kịp thời như Tiểu Đội phó Tiểu đội nữ tự vệ Núi Nài là Dương Thị Tuyết được kết nạp vào Đoàn và anh Phan Văn Thịnh- Trung Đội trưởng Trung đội tự vệ TX Hà Tĩnh được kết nạp vào Đảng ngay trên trận địa…

Ngay chiều hôm ấy, kết quả trận đánh được thông báo khiến ai cũng nức lòng: chỉ sau 40 phút chiến đấu căng thẳng với các máy bay Mỹ trưa ngày 26/3, quân và dân TX Hà Tĩnh tại trận địa núi Nài đã bắn rơi 9 máy bay các loại và ngay sau đó khi bọn này kéo đến bắn phá Đèo Ngang thêm 3 chiếc nữa bị lực lượng tự vệ tại chỗ bắn hạ.

Đây là một thắng lợi từ đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta, thể hiện tinh thần đoàn kết và hợp đồng chặt chẽ giữa 3 thứ quân, là kết quả của công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng ý chí và quyết tâm đánh địch, chuẩn bị thế trận, lựa chọn phương thức chiến đấu thích hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Bài có sử dụng tư liệu của Cổng thông tin điện tử Hà Tỉnh và một số tư liệu khác.

HỒNG VÂN

Các tin khác: