Liên kết chống dịch, phục hồi kinh tế

Cập nhật, 06:20, Thứ Sáu, 15/10/2021 (GMT+7)

(VLO) TP Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau sẽ hợp tác phòng chống dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe người dân, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đến nay, các địa phương này đã kiểm soát được dịch bệnh, chuyển xuống áp dụng Chỉ thị 15 hoặc về trạng thái “bình thường mới”.

Đây là động thái rất tích cực nhằm hợp tác, phát huy tiềm năng và thế mạnh từng địa phương, đảm bảo mục tiêu “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế hiệu quả”.

Dự kiến phiên họp đầu tiên thống nhất kế hoạch hành động giữa các tỉnh- thành khu vực Nam Sông Hậu diễn ra ngày 19/10, theo hình thức trực tuyến.

Trước mắt, chọn 6 lĩnh vực trọng tâm để thực hiện hợp tác, gồm: y tế, nông nghiệp, thương mại- dịch vụ, thông tin và truyền thông, giao thông vận tải, lao động việc làm.

Đây cũng là giải pháp được các chuyên gia khuyến nghị để không lỡ nhịp khi bước vào trạng thái bình thường mới.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về quan điểm, định hướng, mục tiêu, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế nước ta giai đoạn 2022- 2023 trên cơ sở “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch COVID-19”.

Tại Hội thảo trực tuyến về “Phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch COVID-19, khắc phục đứt gãy kinh tế, tăng cường kết nối giữa các địa phương” ngày 13/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: chương trình phục hồi kinh tế phải xác định công thức “5K, vắc xin, công nghệ, ý thức người dân và các biện pháp khác”. Các giải pháp thực hiện phải rất linh hoạt.

Phải nâng cao năng lực y tế từ Trung ương đến địa phương, nhất là năng lực y tế cấp cơ sở để người dân tiếp cận sớm nhất, nhanh nhất. Chuyển từ quản lý “zero COVID-19” sang quản lý rủi ro, không để hệ thống y tế quá tải.

Thủ tướng chỉ đạo phải giữ vững kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn vì vẫn còn dư địa, điều chỉnh chính sách tiền tệ và tài khóa hợp lý, phù hợp, nhưng không được chủ quan.

Khôi phục doanh nghiệp, tăng tổng cung, tổng cầu, nối lại thị trường lao động, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, mở rộng thị trường, thúc đẩy các FTA. Phải nhận định đây là cơ hội để quản lý sự thay đổi, biến nguy thành cơ, vượt qua khó khăn, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

AN HƯƠNG