Trà Ôn linh hoạt ứng phó hạn, mặn

Cập nhật, 10:29, Thứ Ba, 19/03/2024 (GMT+7)
Nhờ chủ động các giải pháp ứng phó, đê bao khép kín, nông dân an tâm sản xuất trong thời điểm hạn mặn.
Nhờ chủ động các giải pháp ứng phó, đê bao khép kín, nông dân an tâm sản xuất trong thời điểm hạn mặn.
Trước tình hình hạn mặn diễn biến phức tạp, huyện Trà Ôn đã linh hoạt thực hiện nhiều giải pháp để chủ động ứng phó nhằm đảm bảo đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất nông nghiệp của người dân.
 
Với vị trí địa lý tiếp giáp sông Hậu, huyện Trà Ôn là một trong những địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn mặn. Do đó, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để chủ động ứng phó nguy cơ hạn mặn xâm nhập vào nội đồng, gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân. 
 
Tại xã Tích Thiện, để bảo vệ cho gần 1.500ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, xã thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân chủ động theo dõi độ mặn, tích trữ nước ngọt phục vụ tưới tiêu.
 
Bên cạnh đó, hiện các cống hở ngăn mặn như Mương Điều, Rạch Chiếc xây dựng đạt khoảng 85% tiến độ và dự kiến sẽ đưa vào sử dụng từ tháng 6/2024. Nhờ vậy đến thời điểm này toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở các ấp cơ bản được bảo vệ tốt. 
 
Là điểm đầu tại xã để đo hạn mặn, chị Nguyễn Thị Thanh Thủy (ấp Tích Lộc, xã Tích Thiện) cho hay: “Tôi thực hiện đo độ mặn đã gần 20 năm. Thời điểm cao điểm hạn mặn là ban ngày cách 1 tiếng tôi đo 1 lần, còn ban đêm thì 2 tiếng đo 1 lần. Nhờ cập nhật độ mặn thường xuyên nên tôi biết độ mặn lên để báo cho bà con xung quanh biết. Năm nay độ mặn lên cao hơn so với năm trước nhưng người dân cũng đã chủ động ứng phó sớm”. 
 
Ông Hồ Văn Ba- Phó Chủ tịch UBND xã Tích Thiện, cho biết: Xã theo dõi chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn, thường xuyên kiểm tra và có kế hoạch đề xuất gia cố bờ bao, cống đập để ngăn mặn, đảm bảo sản xuất cho bà con, rà soát lại các khu vực thường xuyên xảy ra hạn mặn có kế hoạch để phòng, chống, ứng phó. Đồng thời, tiến hành gia cố, quản lý tốt các đê bao, cống bộng, chủ động nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.
 
“Bên cạnh các giải pháp trữ nước trong mương vườn, người dân cũng đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang những cây chịu độ mặn tốt hơn, ít tốn nước tưới hơn, như ổi, dừa, chanh… Đồng thời còn áp dụng các biện pháp kỹ thuật sản xuất tiên tiến, thông minh như tưới nhỏ giọt, tưới phun sương…
 
Nhờ chủ động các biện pháp ngăn mặn, trữ ngọt nên đến nay chưa ghi nhận thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra”- ông Hồ Văn Ba cho biết thêm. 
 
Còn tại xã Thiện Mỹ, địa phương cũng thường xuyên theo dõi tình hình xâm nhập mặn và phân công cán bộ đo độ mặn kịp thời để thông tin giúp người dân. Theo người dân, những năm gần đây, nước mặn đã xâm nhập tới các nhánh sông lớn.
 
Do đó, cứ đến cuối mùa mưa là nhà nào cũng lo trữ nước trong bồn chứa, ao, mương vườn… để phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Bên cạnh đó, vào đầu mùa hạn, mặn, nhờ được chính quyền thông tin sớm nên bà con đã trữ được nước ngọt trong mương, việc tưới tiêu không bị ảnh hưởng, kịp thời chặn các ống cống để cây trồng không bị ảnh hưởng bởi nước mặn xâm nhập.
 
Chú Nguyễn Văn Thanh (xã Thiện Mỹ) cho hay: “Thời điểm mặn năm rồi nước sông chỉ lờ lợ, còn năm nay nước sông đã có vị mằn mặn hơn. Vườn ổi của tôi nhờ có đê bao khép kín nên không ảnh hưởng gì”. 
 
Theo ông Nguyễn Văn Tám- Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Trà Ôn, toàn huyện có hơn 3.500ha đất sản xuất nông nghiệp có khả năng bị ảnh hưởng khi độ mặn lên cao. Thời gian qua, để phòng chống hạn mặn, huyện đã phối hợp với huyện Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh) thực hiện đóng mở cống Tân Dinh giữa 2 huyện để đảm bảo việc trữ nước ngọt phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt của người dân.
 
Huyện cũng đã tăng cường theo dõi sát thông tin dự báo xâm nhập mặn, nguồn nước của các cơ quan chuyên ngành khí tượng, thủy văn của tỉnh; thường xuyên phổ biến thông tin kịp thời về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn đến các xã, các ấp, HTX, tổ hợp tác sản xuất và người dân để chủ động phòng, chống, ứng phó ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến sản xuất và dân sinh.
 
Các công trình cống được đầu tư góp phần bảo vệ sản xuất, đời sống của người dân trong thời điểm hạn, mặn.
Các công trình cống được đầu tư góp phần bảo vệ sản xuất, đời sống của người dân trong thời điểm hạn, mặn.

Bên cạnh đó, vận động người dân khẩn trương thực hiện việc trữ nước, vận hành công trình thủy lợi hợp lý để lấy nước khi độ mặn xuống thấp, bảo đảm trữ đủ lượng nước ngọt sử dụng trong thời gian xâm nhập mặn tăng cao và cả trong mùa khô, đặc biệt lưu ý bảo đảm đáp ứng tối đa nhu cầu nguồn nước cho sinh hoạt và cây ăn trái.

Trong giai đoạn năm 2023-2024, huyện cũng đã được tỉnh quan tâm đầu tư 8 cống hở để trữ ngọt, ngăn mặn.

Theo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Trà Ôn, để bảo vệ cho hơn 21.000ha đất sản xuất nông nghiệp, huyện đã đầu tư 7 tỷ đồng thực hiện nạo vét 9 công trình thủy lợi nội đồng. Bên cạnh đó, chủ động rà soát các cống hở đã được đầu tư ở các xã để kịp thời duy tu, sửa chữa và phối hợp các đơn vị chuyên môn khẩn trương hoàn thiện 4 cống hở đang được đầu tư gồm: Bang Chang, Rạch Tra, Rạch Chiếc và Mương Điều với tổng kinh phí xây dựng trên 114,8 tỷ đồng. Dự kiến khi các công trình trên đưa vào sử dụng từ quý II/2024 sẽ nâng tỷ lệ khép kín đất sản xuất nông nghiệp của toàn huyện Trà Ôn đạt 95%.
Bài, ảnh: PHI LONG