Tiêu chuẩn hội thẩm nhân dân cần được thể chế hóa đầy đủ và rõ ràng hơn

Cập nhật, 19:03, Thứ Năm, 09/11/2023 (GMT+7)

(VLO) Chiều 9/11, trong phiên thảo luận về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang thống nhất về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 để thể chế hóa các quan điểm của Đảng trong lĩnh vực này, hướng tới xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, đồng bộ, thống nhất, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính.

Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, bước đầu nghiên cứu, tôi xin có một số đóng góp cụ thể đối với dự thảo luật :

1. Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1)

Theo quy định tại Điều 1 thì luật này chỉ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tòa án nhân dân; về thẩm phán, hội thẩm và các chức danh khác trong tòa án nhân dân; bảo đảm hoạt động của tòa án nhân dân.

Tuy nhiên, khi nghiên cứu dự thảo luật, tôi thấy bên cạnh các quy định về hoạt động xét xử của tòa án nhân dân, bao hàm cả những nguyên tắc tố tụng đang được quy định Bộ Luật Tố tụng hình sự và Luật Tố tụng hành chính…

Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh để đảm bảo tính thống nhất giữa tên gọi với phạm vi điều chỉnh và không bị chồng  chéo với các quy định pháp luật khác.

2. Về tổ chức và thẩm quyền thành lập các tòa án nhân dân (điều 4)

Dự thảo luật dự kiến đổi tên tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành tòa án nhân dân phúc thẩm; tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành tòa án nhân dân sơ thẩm.

Đây được xem là một bước thể chế hóa nhiệm vụ “bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử” theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW và Nghị quyết 49-NQ/TW, là nội dung quan trọng trong thực hiện chủ trương cải cách  tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Tuy nhiên, việc thể chế hóa theo quy định như trên theo tôi chưa toàn diện, chưa đầy đủ; dự thảo luật chỉ mới dừng lại ở việc thay đổi tên gọi của các tòa án nhân dân, chưa làm rõ sự tinh gọn về số lượng toà án, chưa thể hiện sự thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, quyền vụ, quyền hạn cũng như chưa thể hiện tính đặc thù của mô hình tổ chức toà án theo thẩm quyền xét xử và về cơ bản tổ chức tòa án vẫn bố trí theo đơn vị hành chính.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo phân tích sâu thêm vấn đề này và tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng hơn và làm rõ thêm lộ trình điều chỉnh, đổi mới về tổ chức, chức năng nhiệm vụ của hệ thống tòa án.

Đặc biệt là khi việc thay đổi tên gọi sẽ kéo theo sự cần thiết phải bổ sung nguồn thực hiện và đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung các đạo luật khác trong lĩnh vực tư pháp (Bộ Luật Tố tụng hình sự, Bộ Luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Thi hành án dân sự, Luật Thi hành án hình sự…)

3. Về quy định điều kiện bổ nhiệm thẩm phán (Điều 96)

Khoản 2 Điều 96 có đề cấp nội dung: “Trong trường hợp đặc biệt, người chưa đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 4 Điều 95 của Luật này (tức là chưa đạt tiêu chuẩn về đào tạo nghiệp vụ xét xử), thì được bổ nhiệm thẩm phán khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Có thời gian làm công tác pháp luật từ đủ 10 năm trở lên, được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều động đến để đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo tòa án nhân dân sơ thẩm, tòa án quân sự khu vực; 

b) Có thời gian làm công tác pháp luật từ đủ 15 năm trở lên, được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều động đến để đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo tòa án nhân dân phúc thẩm, tòa án nhân dân cấp cao, tòa án quân sự quân khu và tương đương, tòa án quân sự trung ương.

Theo tôi quy định như vậy là chưa thỏa đáng, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để có quy định phù hợp, chất lượng hơn.

Trong bối cảnh mới, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành tòa án nói chung và đội ngũ cán bộ ngành tòa án nói riêng ngày càng cao hơn.

Do đó, thẩm phán được bổ nhiệm không chỉ có khả năng quản lý giỏi, có thâm niên, có kinh nghiệm mà đội ngũ cán bộ này cần thiết phải được đào tạo bài bản, đúng mức, đạt chuẩn, trên chuẩn về kiến thức pháp luật chuyên sâu, chưa nên đặc cách bổ nhiệm khi chưa thỏa các tiêu chuẩn tại Điều 95 dự thảo luật.

Bởi nếu người được bổ nhiệm không đảm bảo tiêu chuẩn kiến thức ở lĩnh vực xét xử và vị trí được phân công đảm nhiệm thì dễ dẫn đến tình trạng thực thi quyền tư pháp thiếu khách quan, thậm chí có những quyết định làm hưởng tiêu cực đến quyền con người, quyền công dân.

4. Các quy định về hội thẩm (chương VI)

Tôi đặc biệt quan tâm đối với các quy định về hội thẩm nhân dân (HTND), bởi HTND là một chủ thể cơ bản, là một thành tố quan trọng trong nền tư pháp của nước ta với định hướng xây dựng nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN.

Thời gian qua, HTND không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tham gia các tổ hòa giải ở cơ sở, góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân.

Mà còn có nhiều nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng cùng với ngành Tòa án thực hiện tốt nhiệm vụ xét xử, đảm bảo cho các vụ án được xét xử công bằng, khách quan, đúng người, đúng tội, phù hợp với quyền lợi ích đáng, hợp pháp và nguyện vọng của nhân dân.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều địa phương cho thấy một số vấn đề bất cập, khó khăn đối với HTND như:

- HTND là người đại diện cho nhân dân thực hiện xét xử tại tòa án, nhưng không thuộc cơ cấu nhân sự của ngành Tòa án và không do tòa án quản lý;

- Các quy định của pháp luật về Hội thẩm nằm trong một số văn bản pháp luật khác nhau, vì vậy, thẩm quyền, trách nhiệm, chế độ, quyền lợi của HTND không rõ ràng, chưa thực sự thể hiện sự độc lập của Hội thẩm trong quá trình xét xử.

- Việc quản lý cũng như xem xét, đánh giá thành tích, kết quả công tác của HTND cũng chưa được quy định rõ ràng và chưa được quan tâm thực hiện đúng mức.

Do đó, trong lần sửa đổi, bổ sung luật Tổ chức Tòa án nhân dân lần này cần thiết phải có những quy định rõ ràng hơn, gắn với hệ thống hóa toàn diện các quy định về Hội thẩm trong các văn bản pháp luật hiện hành, phù hợp với quy định trong Hiến pháp năm 2013.

Đề xuất bổ sung quy định trong dự luật hoặc trong các hướng dẫn, triển khai thi hành Luật một số nội dung cụ thể:

+ Tiêu chuẩn HTND cần phải được thể chế hóa đầy đủ và rõ ràng hơn; HTND không chỉ có phẩm chất, đạo đức, kiến thức, năng lực trình độ và các tiêu chí khác mà phải có kiến thức cơ bản về pháp luật, nhất là pháp luật Hình sự để đủ khả xem xét các hồ sơ vụ án, nhất là khi lượng hình khép tội danh, chứng cứ, tình tiết tăng năng, giảm nhẹ, định khung, định hình phạt.

+ Quá trình lựa chọn nhân sự để bầu HTND phải thật sự khoa học và chặt chẽ theo hướng đảm bảo cơ cấu, tiêu chuẩn, đáp ứng năng lực và yêu cầu thực tiễn, phải sàng lọc qua nhiều khâu, nhiều vòng chặt chẽ hơn

◦ + Quy định rõ thêm mối quan hệ phối hợp giữa chánh án và trưởng đoàn hội thẩm trong điều hành hoạt động thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ HTND.

+ Quy định ưu đãi về chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, các hình thức khen thưởng, tôn vinh ghi nhận cống hiến đối với hội thẩm trong hệ thống tòa án và cộng đồng xã hội.

B.THANH- Đ.THI