Trẻ đổ bệnh tăng vì nắng nóng

Cập nhật, 10:06, Thứ Sáu, 12/05/2023 (GMT+7)
Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh, cần cho trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử lý kịp thời.
Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh, cần cho trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử lý kịp thời.

Thời tiết miền Nam oi bức, nền nhiệt độ tăng cao những ngày qua tạo điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn phát triển khiến cho trẻ em sức đề kháng yếu rất dễ nhiễm bệnh. Đa số trẻ em nhập viện do mắc các bệnh về hô hấp, tiêu hóa.

Trẻ nhập viện tăng do nắng nóng

Ghi nhận tại Khoa Nhi của BVĐK Vĩnh Long, từ đầu tháng 4, số lượng trẻ điều trị nội trú liên quan đến thời tiết nắng nóng gia tăng. Hiện, khoa đang điều trị gần 100 trẻ. Trong đó, đa phần các trẻ mắc các bệnh về hô hấp (chiếm 80%), còn lại là bệnh về đường tiêu hóa, tiêu chảy cấp, sốt virus, tay chân miệng và một số bệnh khác.

Chăm sóc con trai 3 tuổi đang điều trị bệnh viêm phổi, chị Nguyễn Thanh Ngọc (xã Chánh An, huyện Mang Thít) cho hay: “Con ho 2 bữa, tôi có mua thuốc tây cho uống nhưng không bớt. Qua hôm sau con sốt cao quá, vợ chồng tôi chở đi bệnh viện thì bác sĩ cho nhập viện vì con bị viêm phổi”. Ngồi quạt mát cho con, chị xuýt xoa: “Trời nắng nóng quá nên con tôi ở phòng bật máy lạnh suốt mới chịu. Ra khỏi phòng thì nóng hầm hập, có lẽ ra vô phòng lạnh, nóng nên con dễ bệnh”.

Tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, BS.CK 2 Trương Cẩm Trinh- Trưởng Khoa Khám bệnh, số lượng bệnh nhi nhập viện điều trị liên quan đến mùa nắng nóng tăng cao. Trung bình mỗi ngày khoa khám bệnh tiếp nhận 1.600-1.900 trường hợp trẻ đến khám với các triệu chứng như sốt cao, ho nhiều, uống thuốc không hạ sốt, chảy dịch mũi nhiều, mệt mỏi, ăn uống kém, có một số trẻ xuất hiện cơn giật trong cơn sốt cao. Trẻ mắc bệnh phần lớn ở độ tuổi mẫu giáo, thậm chí có cả trẻ sơ sinh.

Ngồi tại khu vực chờ lấy thuốc ở Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, liên tục quạt mát cho con gái 5 tuổi, tóc bết vì mồ hôi nhễ nhại, chị Trần Thị Thu Thảo (TX Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) cho hay bé được chẩn đoán nhiễm trùng tiêu hóa, viêm ruột. Chị Thảo kể: “Sáng hôm qua, sau khi ăn cơm thì con tôi than đau bụng, tiêu chảy. Tôi nghi ngờ là do thức ăn có vấn đề nhưng trước khi ăn cơm, bé còn ăn đồ ăn vặt, uống nước ngọt và sữa nữa nên tôi không xác định được là do thức ăn hay gì gây ra”.

Tại Khoa Hô hấp, nhìn con gái nhỏ mới 7 tháng ngủ thiêm thiếp, thỉnh thoảng giật mình, chị Thái Văn Nghi (TP Cần Thơ) cho biết: “Tội nghiệp con lắm, bệnh sốt cao 3 bữa uống thuốc không hạ, vô đây khám nhập viện luôn vì viêm phổi. Hôm nay bớt sốt, bớt đừ nên ngủ được, chứ 2 bữa trước bứt rứt, khóc, ngủ thức gì cũng bồng trên tay mới chịu”.

Phòng bệnh cho trẻ

Các bé có sức đề kháng kém sẽ dễ nhiễm bệnh. Do đó, các bậc phụ huynh, nhà trường phải chủ động các giải pháp phòng ngừa để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của trẻ.

Theo BS.CK2 Trần Chí Công- Phó Trưởng Khoa Nhi BVĐK Vĩnh Long, các bệnh về viêm đường hô hấp ở trẻ thường mắc khi nắng nóng như viêm họng, viêm phế quản cấp. Triệu chứng ban đầu hay gặp ở trẻ là ho, ho khan, ho có đờm kèm theo sốt cao có thể co giật... Bệnh về đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ là tiêu chảy, tiêu chảy cấp, tiêu đàm máu. Với nền nhiệt độ cao như hiện nay là điều kiện cho các loại virus phát triển, trong khi trẻ nhỏ sức đề kháng yếu nên rất dễ nhiễm bệnh.

Để chủ động phòng tránh các bệnh lý nói chung, bệnh về đường hô hấp nói riêng, BS.CK2 Trương Cẩm Trinh- Trưởng Khoa Khám bệnh BV Nhi đồng TP Cần Thơ, khuyến cáo: Cha mẹ cần cho trẻ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, vệ sinh hợp lý trong quá trình chế biến cũng như lựa chọn thức ăn, bổ sung đủ cả lượng và chất, ăn đủ bữa, uống nhiều nước.

Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh, tránh thức ăn nhiều dầu mỡ hoặc uống nước ngọt có gas. Chế biến và bảo quản thức ăn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, cần vệ sinh răng miệng, mũi họng cẩn thận để tránh nhiễm trùng cho trẻ, qua đó phòng tránh được các bệnh viêm đường hô hấp trên và dưới.

“Cho trẻ tiêm ngừa vaccine phòng bệnh đầy đủ; tránh cho trẻ đến những nơi đông người, tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc, nơi ô nhiễm. Cần tạo thói quen vệ sinh cá nhân cho trẻ, hướng dẫn trẻ rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, giúp loại bỏ những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ đôi bàn tay bé. Đeo khẩu trang cho trẻ khi ra ngoài, đến nơi có đám đông; tập cho trẻ cách dùng khăn giấy và dùng tay che miệng khi hắt xì, sổ mũi, ho”- BS Cẩm Trinh nói.

Bên cạnh đó, khi thời tiết nắng nóng phụ huynh cần bổ sung lượng nước đầy đủ, đặc biệt là những loại nước uống giàu khoáng chất, nhiều vitamin có trong trái cây cho trẻ.

Ngoài ra, phụ huynh cần hạn chế cho trẻ ra ngoài khi nhiệt độ lên quá cao, nên cho con mặc đồ vải mỏng, ngắn tay, màu nhạt để tránh hấp thu nhiệt. Trẻ cần uống nhiều nước, tránh chơi vận động mạnh dưới nắng nóng, đội nón rộng vành khi đi ngoài trời. Nếu sử dụng máy lạnh, cũng không nên để nhiệt độ quá thấp, sẽ ảnh hưởng đến trẻ em.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN