Câu chuyện nông thôn

Thương hiệu cho nông sản Việt Nam

Cập nhật, 14:09, Thứ Tư, 05/04/2023 (GMT+7)

(VLO) Chỉ khi xây dựng được thương hiệu một cách thật sự bài bản, khoa học thì nông sản Việt Nam mới mong định vị, chiếm lĩnh được những thị trường lớn, khó tính trên thế giới.

Lúc đó, đời sống nông dân mới thực sự khá giàu lên được. Nhưng liệu chúng ta có thể sớm đạt được mục đích này không? Thực tế là rất nhiều khó khăn, một con đường còn nhiều gian nan, trắc trở, không hề đơn giản chút nào.

Đương nhiên, nông dân là chủ thể trong câu chuyện này, họ là người trực tiếp tạo nên sản phẩm, trực tiếp thụ hưởng quyền lợi sản phẩm làm ra, nhưng họ không thể nào tự mình làm nên câu chuyện thương hiệu cho nông sản do mình làm ra.

Họ rất cần sự tiếp sức hỗ trợ từ nhiều chuyên gia, lĩnh vực, từ các công ty, tập đoàn kinh tế và chính quyền các cấp và các ban, ngành.

Nói chung là cả cộng đồng xã hội cùng chung tay góp sức mới mong làm cho câu chuyện xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam có kết quả tốt đẹp, thành công.

Đành rằng nông sản mình chưa thể sánh với một số nông sản nước ngoài về nhiều thứ, nhưng cái tâm lý sính hàng ngoại đến mức sùng bái, dám bỏ ra số tiền cao một cách bất hợp lý để ăn một loại trái cây, rau củ của nước ngoài là điều không nên.

Nền nông nghiệp nước mình, đặc biệt là ở khu vực ĐBSCL có một lợi thế lớn so với rất nhiều nước trên thế giới, trước hết về mặt địa lý, địa hình, thời tiết, khí hậu… là quá thuận lợi.

Do đó, nông sản mình chưa tạo được thương hiệu, chưa thể cạnh tranh mạnh mẽ với nhiều nước trên thế giới quả thật là điều đáng buồn và đáng tiếc cho nông dân mình.

Nhưng cái gốc là nông dân phải thay đổi mạnh mẽ tư duy sản xuất, trong đó một trong những yếu tố quan trọng là phải hướng đến làm ăn tập thể mới có thể tạo ra những vùng nguyên liệu lớn, những cánh đồng lớn, mới mong sớm xây dựng được thương hiệu.

Kiểu ruộng rẫy manh mún, làm ăn nhỏ lẻ sẽ luôn đẩy nông dân vào thế bị động, cứ chạy theo cái vòng luẩn quẩn, theo đuôi thị trường và không thể chính thức tham gia vào quá trình định giá cho nông sản của mình.

Nông dân làm ra nông sản, thương lái kêu bao nhiêu thì chịu bấy nhiêu, họ không có quyền “trả giá” với thương lái, thậm chí khi được mùa thì dễ bị bắt chẹt. Cứ kiểu này thì khó lòng khá lên được.

Rồi làm nông theo kiểu… nghe ngóng, hễ nghe cây nào, trái nào đang được giá thì đổ xô vào trồng, rồi cùng tự… níu chân nhau, làm cho cây trái mất giá một khi cung đã vượt cầu.

Làm nông kiểu cầu âu, cầu may, thì còn lâu mới xây dựng được nền nông nghiệp khỏe khắn, xây dựng được thương hiệu mạnh cho nông sản Việt Nam.

Hailua@.com