Quy hoạch xây dựng nông thôn gắn với đô thị hóa

Cập nhật, 14:08, Thứ Tư, 05/04/2023 (GMT+7)
Đô thị hóa nông thôn cần gắn với bản sắc.
Đô thị hóa nông thôn cần gắn với bản sắc.

(VLO) Quá trình đô thị (ĐT) hóa với tốc độ nhanh, ảnh hưởng không nhỏ đến các vùng ven đô, vùng nông thôn, dẫn đến sự thay đổi về mặt xã hội, nhanh chóng tác động đến các vấn đề xây dựng. Theo đó, cần phải nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch (QH) nông thôn, đảm bảo tính kết nối; QH nông thôn phải gắn với ĐT hóa…

93,6% số xã đạt tiêu chí quy hoạch

Là xã vùng ven TP Vĩnh Long, thời gian qua, xã Phước Hậu (Long Hồ) có tốc độ ĐT hóa khá cao, đặc biệt đối với các ấp lân cận, giáp ranh với TP Vĩnh Long.

Theo đó, diện mạo xã vùng quen có nhiều thay đổi, chất lượng đời sống người dân ngày càng nâng lên.

Ông Nguyễn Thế Quân- Chủ tịch UBND xã, cho biết thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương, xã QH 3 ấp Phước Ngươn A, Phước Lợi A và một phần ấp Phước Hanh A phát triển thương mại dịch vụ vì 3 ấp này do tốc độ ĐT hóa cao, hiện không còn đất nông nghiệp.

Theo đó, dự định tập trung các mặt hàng, dịch vụ như bán phân bón, sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp…

Bên cạnh, một phần ấp Phước Hanh A, Phước Hanh B, Phước Lợi B và Phước Lợi C thì phát triển kinh tế nông nghiệp. Xã cũng QH ấp Phước Lợi B và Phước Lợi C thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, năm 2022, sở đã hỗ trợ các địa phương trong lập QH chung nông thôn xây dựng xã giai đoạn mới và hướng dẫn các chỉ tiêu thực hiện xây dựng NTM và NTM nâng cao theo quy định mới.

Cụ thể, trong năm, sở đã ban hành các văn bản đôn đốc, nhắc nhở địa phương khẩn trương thực hiện việc rà soát lập QH xây dựng nông thôn (QH chung xây dựng xã và QH chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn) cho giai đoạn mới đến năm 2030.

Bên cạnh, sở đã góp ý các đồ án QH xây dựng để các địa phương phê duyệt, hướng dẫn các chỉ tiêu thực hiện xây dựng NTM và NTM nâng cao.

Phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện bộ tiêu chí tại các xã đã đăng ký đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao năm 2022; khảo sát và hướng dẫn cụ thể một số tiêu chí, chỉ tiêu về xã NTM, xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp-PTNT, tính đến tháng 2/2023, cả nước có 93,6% số xã đạt tiêu chí QH.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Trần Thanh Nam, giai đoạn 2021-2025, nội dung tiêu chí QH trong xây dựng NTM đã có sự điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh mới.

Các yếu tố tạo ĐT trên địa bàn cấp huyện được xác định chủ yếu là phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ...

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, gắn kết với phát triển công nghiệp chế biến và thương mại dịch vụ sản xuất.

Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác QH trong xây dựng NTM còn một số vướng mắc.

Cụ thể, quá trình ĐT hóa với tốc độ nhanh, ảnh hưởng không nhỏ đến các vùng ven đô, vùng nông thôn, dẫn đến sự thay đổi về mặt xã hội, nhanh chóng tác động đến các vấn đề xây dựng.

Nhiều nơi ĐT hóa tự phát không theo QH, dẫn đến phá vỡ cảnh quan, mất bản sắc truyền thống, bị pha tạp.

Bên cạnh đó, hạ tầng kết nối giữa khu vực ĐT- nông thôn còn bị đứt gãy, chưa tạo được sự kết nối chặt chẽ giữa vùng nguyên liệu với cơ sở chế biến và thị trường tiêu thụ.

Hạ tầng dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp ít được quan tâm và bố trí quỹ đất để xây dựng… Để khắc phục những hạn chế trên, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM Trung ương đã xác định rõ QH cần phải nâng cao chất lượng các đồ án QH nông thôn, đảm bảo tính kết nối; QH nông thôn phải gắn với ĐT hóa.

Phát triển nông thôn bền vững gắn với đô thị hóa, vì lợi ích người dân.
Phát triển nông thôn bền vững gắn với đô thị hóa, vì lợi ích người dân.

Cần có những quy định cụ thể về tiêu chí xây dựng NTM cho các xã ven đô, các xã, huyện được QH thành ĐT.

Đồng thời phải nghiên cứu, xem xét tính đặc thù với từng vùng miền, địa phương gắn với việc gìn giữ kiến trúc nông thôn, bảo tồn giá trị văn hóa địa phương.

Tại hội nghị toàn quốc về “QH xây dựng NTM gắn với quá trình ĐT hóa” được tổ chức hồi tháng 2/2023, bà Phạm Thị Nhâm- Phó Viện trưởng Viện QH ĐT và Nông thôn (Bộ Xây dựng) kiến nghị: xây dựng Luật QH ĐT- nông thôn hướng đến tiếp cận QH tích hợp, cần được điều tiết từ các QH quốc gia, liên quan đến các ngành, lĩnh vực.

Bên cạnh, đổi mới công tác QH ĐT, thay đổi chính sách phân loại ĐT, liên quan đến vùng ven đô; không đặt nặng tiêu chí dân số, đề xuất tiêu chí về môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu, kinh tế xanh...

Đồng thời, đổi mới công tác lập QH xây dựng NTM, ngoài các nội dung hợp nhất là QH về dân cư và hạ tầng QH sản xuất; QH đất đai, bổ sung QH xã hội.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Nghị quyết số 19-NQ/TW đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030: “Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với ĐT hóa” là một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện “Xây dựng NTM phát triển toàn diện, bền vững gắn với ĐT hóa, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân”.

Bộ trưởng lưu ý, cần tránh tạo xung đột giữa thành thị và nông thôn, không nên “mặc đồng phục” cho ĐT ở nông thôn.

Cần nhìn lại cách tiếp cận NTM. Xây dựng NTM không chỉ thay đổi diện mạo nông thôn, mà phải đi vào chiều sâu, gắn với bản sắc, giá trị nông thôn.

Theo Chương trình Phát triển ĐT tỉnh Vĩnh Long đến năm 2030, quan điểm là phát triển ĐT đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động, phân bố dân cư giữa các khu vực ĐT và nông thôn; việc sử dụng đất nông nghiệp cho phát triển ĐT phải đảm bảo tính bền vững, yêu cầu an ninh lương thực. Bên cạnh, phát triển ĐT đảm bảo sử dụng hiệu quả quỹ đất xây dựng, đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật- xã hội, kiểm soát chất lượng môi trường, hài hòa giữa bảo tồn, cải tạo và xây dựng mới. Đồng thời, xây dựng ĐT phát triển bền vững, có điều kiện sống tốt...

Bài, ảnh: SÔNG HẬU