Kết nối phố

Xây kè quanh đô thị

Cập nhật, 14:07, Thứ Tư, 05/04/2023 (GMT+7)

(VLO) Xây kè kiên cố là giải pháp hữu hiệu để phòng chống sạt lở bờ sông. Đó cũng là một trong những lý do khiến các tuyến kè “phủ sóng” dày đặc ở các đô thị vùng sông nước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì “làm kè chỉ chống đỡ chứ không thể làm ngừng sạt lở”.

Hơn 1 tháng qua, khu vực bờ kè sông Tiền xuất hiện bảng cảnh báo khu vực sạt lở, dù tuyến kè này vừa mới được nâng cấp, sửa chữa. Bỏ qua các yếu tố về chất lượng công trình, mà xét đến yếu tố xây kè liệu có an toàn tuyệt đối!

Điều này phần nào được minh chứng ở nhiều nơi, sạt lở và nguy cơ sạt lở những khu vực có xây kè là hoàn toàn có thể xảy ra, mà khu vực sông Tiền vừa nêu là minh chứng cụ thể.

Theo các chuyên gia, ĐBSCL là do phù sa, cát sông Mekong tải về và bồi đắp, quá trình đó “có lở có bồi”. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sạt lở ngày càng gia tăng, tức là cũng có nơi lở nơi bồi nhưng sạt lở thắng thế hơn nhiều.

Không có biện pháp nào ở nội tại ĐBSCL có thể giải quyết nguyên nhân gốc rễ của tình trạng sạt lở bờ sông là do thiếu phù sa và thiếu cát.

Do đó, dù là công trình hay phi công trình cũng chỉ là chống đỡ chứ không thể làm ngừng sạt lở được. Vì vậy, theo các chuyên gia, việc xây dựng công trình phải hết sức cân nhắc bởi rất đắt đỏ, chi phí 1km bờ kè có thể lên đến 100 tỷ đồng.

Nhà nước sẽ không bao giờ có đủ kinh phí làm bờ kè chạy theo kịp tình hình sạt lở được vì khi làm bờ kè chống sạt lở nơi này thì sẽ làm gia tăng sạt lở nơi khác, cần chi phí duy tu bảo dưỡng.

Chưa dừng lại ở đó, công trình có thể tạo cảm giác an toàn giả, người dân thấy an tâm xây dựng ra sát bờ kè, khi bờ kè sụp đổ sẽ thiệt hại lớn hơn.

N. HOÀNG