19.000 tỷ đồng cho vay tín dụng chính sách để phục hồi, phát triển kinh tế– xã hội

Cập nhật, 18:03, Thứ Tư, 16/02/2022 (GMT+7)

(VLO) Chiều 16/2, Bí thư Trung ương Đảng– Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chủ trì hội nghị trực tuyến cùng các bộ, ban ngành và các địa phương cả nước triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế– xã hội.

Tỉnh Vĩnh Long dự hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.
Tỉnh Vĩnh Long dự hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

Nghị quyết 11 với các mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng; phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh...

Đối tượng hỗ trợ gồm: người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển cho nền kinh tế. Thời gian hỗ trợ trong 2 năm 2022-2023; một số chính sách có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 và triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, NHCSXH đã ban hành kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện.

NHCSXH xây dựng đề án phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước của NHCSXH tối đa 38.400 tỷ đồng, trong đó năm 2022 tối đa 19.000 tỷ đồng để cho vay đối với các chương trình tín dụng chính sách theo quy định tại Nghị quyết 11.

Cụ thể, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 7.000 tỷ đồng; cho vay cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội là 6.800 tỷ đồng; cho vay học sinh, sinh viên là 1.500 tỷ đồng; cho vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế– xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 3.000 tỷ đồng; cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng chống dịch với nguồn vốn 700 tỷ đồng.

Ngoài ra thực hiện hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022- 2023 đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm và được NHCSXH giải ngân trong giai đoạn 2022- 2023, tổng vốn hỗ trợ lãi suất là 3.000 tỷ đồng.

Tin, ảnh: MINH THÁI