Huy động đóng góp của người đô thị: dễ hay khó?

Cập nhật, 15:33, Thứ Tư, 17/01/2018 (GMT+7)

 

Dàn đèn led trị giá 27 tỷ đồng từ vốn xã hội hóa vừa được lắp đặt ở đường Nguyễn Huệ và Đinh Tiên Hoàng.
Dàn đèn led trị giá 27 tỷ đồng từ vốn xã hội hóa vừa được lắp đặt ở đường Nguyễn Huệ và Đinh Tiên Hoàng.

Quá trình phát triển đô thị cần có sự chung tay góp sức của người dân. Tuy nhiên, huy động đóng góp của người dân để dựng xây phố phường là dễ hay khó? 

Tìm gặp chính quyền địa phương và những người “chuyên vận động”, chúng tôi nhận được câu trả lời: dễ có dễ mà khó thì… cũng khó.

Chung tay xây dựng phố phường

Thực tế cho thấy, thời gian qua, đóng góp của người dân cho quá trình phát triển đô thị là không nhỏ, từ hiến đất, góp tiền để “thắp sáng đường”, nâng cấp hẻm đến chăm lo cho các hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, có những công trình giá trị lên đến hàng tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hòa Đàm- cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin TP Vĩnh Long- cho biết: Năm 2017, đã vận động đóng góp từ các cá nhân hàng chục tỷ đồng.

Cụ thể, lắp 114 màn hình led với tổng giá trị đầu tư 27 tỷ đồng trên đường Nguyễn Huệ (Phường 2) và đường Đinh Tiên Hoàng (Phường 8). Các màn hình điện tử này vừa phục công tác tuyên truyền vừa giúp các tuyến đường khang trang, sinh động hơn.

Đồng thời, đã vận động lắp đặt 71 bảng quảng cáo, rao vặt miễn phí, trị giá 495 triệu đồng. Ngoài ra, còn có hơn 100 triệu đồng để thể hiện băng rôn tuyên truyền nhân các ngày lễ, kỷ niệm…

Ông Mai Văn Bé- Phó Chủ tịch UBND Phường 2- nói: Năm 2015, 54 hộ dân của Khóm 5 đã hiến 3.800m2 đất và vật kiến trúc… trị giá khoảng 2 tỷ đồng để làm đường Hoàng Hoa Thám.

Riêng năm 2017, bên cạnh đóng góp hàng trăm triệu đồng cho công tác an sinh xã hội, người dân còn góp trên 50 triệu đồng để “chiếu sáng hẻm” (đối với các hẻm nhỏ), chiều dài khoảng 3.000m. Nhờ vậy, toàn bộ các hẻm do phường quản lý đã được thắp sáng, đảm bảo người dân đi lại thuận tiện, góp phần đảm bảo an ninh trật tự…

Một số phường cho biết, thường vận động đạt và vượt chỉ tiêu thành phố giao hàng năm. Ông Đặng Thái Hòa- Chủ tịch UBMTTQ Phường 5- nói: Năm 2017, người dân đóng góp cho quỹ Vì người nghèo của phường gấp đôi năm trước.

Phó Chủ tịch UBND Phường 5 Thái Thị Kim Cúc vui vẻ: Trong năm, phường đã vận động xã hội hóa thắp sáng Hẻm 32, Hẻm 16 (Khóm 2), kinh phí khoảng 24 triệu đồng. Đồng thời, đã vận động xã hội hóa được 108 triệu đồng để gắn camera an ninh tại các điểm trọng yếu của phường.

Ông Phạm Thành Lệ- Chủ tịch UBMTTQ Phường 4- cũng nói: Nhìn chung, công tác vận động có nhiều thuận lợi, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Năm 2017, riêng vận động quỹ Vì người nghèo đạt 141,92% so kế hoạch năm.

Không chỉ cần thiết thực và minh bạch

Ông Phạm Thành Lệ cho biết, trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đóng góp rất tích cực để cùng địa phương xây dựng phố phường.

Chẳng hạn, một chủ doanh nghiệp- cũng là hộ dân thuộc Khóm 3- tự nguyện đóng góp cả trăm triệu đồng và thi công để nâng cấp hẻm, giúp 18 hộ dân sống quanh khu vực thoát cảnh “nước về là ngập nặng” nhưng khi địa phương ghi nhận đóng góp thì khiêm tốn nói “chừng 55 triệu đồng thôi”.

Trực tiếp vận động cho các công trình xã hội hóa, ông Nguyễn Hòa Đàm cho biết: đối tượng để vận động chủ yếu là các doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, họ sẵn sàng đóng góp nếu chương trình (hoạt động) đó mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

Tuy nhiên, tùy từng trường hợp mà chọn đúng đối tượng để “gõ cửa”. Chẳng hạn, khi vận động để lắp đặt các bảng quảng cáo, rao vặt miễn phí thì “gõ cửa” các hộ kinh doanh là chủ yếu, vì đây cũng chính là đối tượng thường xuyên sử dụng bảng này để đăng quảng cáo, rao vặt.

Theo những người làm công tác vận động ở một số phường, việc huy động đóng góp để xây dựng phố phường là “không quá khó”.

Tuy nhiên, phải thể hiện được công trình (hoạt động) đó có ý nghĩa gì, mang lại lợi ích thiết thực như thế nào. Bên cạnh, cần công khai, minh bạch rõ ràng khi sử dụng “nguồn vận động” để tạo sự hài lòng, tin tưởng…

Ông Lê Văn Bảy ở Khóm 3 (Phường 4) vừa góp hàng chục triệu đồng nâng cấp đường hẻm cao ráo, chống ngập.
Ông Lê Văn Bảy ở Khóm 3 (Phường 4) vừa góp hàng chục triệu đồng nâng cấp đường hẻm cao ráo, chống ngập.

Kinh nghiệm 4 năm trực tiếp vận động bà con, ông Nguyễn Doãn Kiểm- Trưởng Ban công tác Mặt trận Khóm 3 (Phường 4) đúc kết: Công tác vận động thì có khi gặp khó khăn nên cần linh hoạt, không chỉ dựa vào điều lệ, đôi khi còn phải dựa vào tình làng nghĩa xóm, kiên trì thuyết phục.

Tuy nhiên, cũng theo những người “chuyên vận động” thì huy động đóng góp từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dễ hơn so với vận động hộ dân do nhiều hộ có hoàn cảnh rất khó khăn.

Ông Nguyễn Anh Kiệt- Trưởng Khóm 1 (Phường 3- TP Vĩnh Long)- cho biết: Nhiều năm nay, đoạn qua nhà dân thuộc các Tổ 20 21, 21A, 22, 23, 23A với hơn 200 hộ sinh sống, vẫn chưa có đèn đường.

Trước mắt, đang vận động các hộ “ai kéo dây, mắc bóng đèn thắp sáng trước nhà sẽ được miễn thu phí quốc phòng an ninh”. Sau khi vận động, đã có khoảng 6 bóng đèn “sáng” khi đêm về nhưng do quá thưa- khoảng 50- 60m mới có 1 bóng đèn nên đường vẫn… tối thui.

Ông Nguyễn Anh Kiệt cho biết, về lâu dài, rất cần giải pháp khả thi để thắp sáng đường. Tuy nhiên, nếu vận động kinh phí hoàn toàn từ người dân thì e rất khó vì các tổ này còn nhiều hộ nghèo, lao động phổ thông, người lớn tuổi…

Anh Nguyễn Phương Lâm (Phường 8- TP Vĩnh Long) chia sẻ: Có những trường hợp thật sự khó khăn nhưng cũng có trường hợp ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước… rất đáng chê trách.

Nói như ông Nguyễn Hòa Đàm, tích cực đóng góp, chung tay xây dựng phố phường không chỉ thể hiện tình cảm với đô thị mình mà còn thể hiện trách nhiệm của công dân, là việc rất nên làm.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- TUYẾT NGA