Bảo hiểm nông nghiệp sau thí điểm- vì sao vẫn "án binh bất động"?

Cập nhật, 08:20, Thứ Tư, 17/01/2018 (GMT+7)

 

Bảo hiểm bò sữa cho hộ nông dân do Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu thực hiện khá tốt- mô hình cần được nghiên cứu, nhân rộng.
Bảo hiểm bò sữa cho hộ nông dân do Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu thực hiện khá tốt- mô hình cần được nghiên cứu, nhân rộng.

Bảo hiểm nói chung, đặc biệt là bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) là rất cần thiết trong nông nghiệp- một lĩnh vực sản xuất vốn luôn tiềm ẩn rủi ro cao do phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thiên tai, dịch bệnh. 

BHNN sẽ góp phần chia sẻ gánh nặng cho nông dân nếu chẳng may xảy ra rủi ro. Thế nhưng, vì sao sau thời gian thực hiện thí điểm BHNN lại rơi vào tình trạng “án binh bất động”?

Sau thí điểm là im ắng

Việc thí điểm BHNN theo Quyết định số 315/QĐ-TTg được thực hiện tại 20 tỉnh- thành với 9 đối tượng: lúa, trâu, bò, heo, gà, vịt, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra.

Kết quả sau thời gian thực hiện BHNN thí điểm, phần lớn hộ chăn nuôi, làm lúa đã phấn khởi, tin tưởng và nhiều tỉnh muốn mở rộng.

Bên cạnh đó, cách xác định mức phí, phương pháp bồi thường với lúa, chăn nuôi, thực tế kiểm nghiệm là phù hợp và đi đúng hướng. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế chưa cao, bảo hiểm thủy sản bị trục lợi nặng; thực hiện tái bảo hiểm còn lúng túng.

Bà Hoàng Thị Tính- Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) cho biết, ABIC là một doanh nghiệp bảo hiểm gắn bó với nông nghiệp, với bà con nông dân trong 10 năm qua. Đây là một lĩnh vực tiềm năng nhưng rất khó triển khai và rủi ro cho các doanh nghiệp bảo hiểm.

Bà dẫn chứng, việc thực hiện thí điểm BHNN theo Quyết định 315/2011/QĐ-TTg đạt được một số kết quả bước đầu với tổng số 304.017 hộ nông dân mua bảo hiểm cho nuôi trồng thủy sản, cây lúa và vật nuôi (trâu, bò, heo, gà).

Tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 394 tỷ đồng, đã giải quyết bồi thường 712,9 tỷ đồng cho người mua bảo hiểm (chủ yếu là bồi thường thủy sản 306% doanh thu). 2 doanh nghiệp tham gia thực hiện BHNN thí điểm là Bảo Việt và Bảo Minh thua lỗ nặng.

Ở chiều ngược lại, nông dân vẫn còn ngại tham gia BHNN vì nhận thức và tâm lý về vấn đề thủ tục bồi thường trong tình huống rủi ro xảy ra. Điều này cũng lý giải vì sao sau thời gian thực hiện việc thí điểm, BHNN lại rơi vào tình trạng “án binh bất động”.

Nguyên nhân được chỉ ra đó là: Chọn đối tượng chủ yếu tham gia thí điểm bảo hiểm chưa phù hợp; bộ máy thực thi thiếu kinh nghiệm bởi thiếu người có hiểu biết sâu, giám sát chặt chẽ với hoạt động sản xuất của nông dân; thiếu sự phối hợp giữa các công ty bảo hiểm với chính quyền địa phương nên dẫn đến tình trạng giám sát kém, thông báo dịch, thiên tai chậm nên có “đất” cho một số người dân tham gia trục lợi.

Từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm BHNN với 20 tỉnh tham gia 9 sản phẩm. Tới tháng 8/2014: Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp- PTNT tổng kết thí điểm. Tháng 9/2014: Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh về tiếp tục triển khai BHNN (Thông báo số 6828/VPCP-KHTH).

Tháng 1/2015, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 496/VPCP-KHTH thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh chỉ đạo tiếp tục thí điểm BHNN và bổ sung bảo hiểm vật nuôi cho Hà Giang. Tuy nhiên, trên thực tế, sau thời điểm 9/2014, việc thực hiện BHNN dường như “án binh bất động, giậm chân tại chỗ”.

Để khuyến khích doanh nghiệp, nông dân tham gia

Theo ông Tăng Minh Lộc- Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông nghiệp Việt Nam, nguyên Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương: Ý nghĩa của BHNN là sẽ giúp tất cả nông dân tham gia bảo hiểm đều phải theo quy trình sản xuất tiên tiến, giúp sản xuất an toàn, năng suất tăng, chất lượng tăng, giá thành giảm, từ đó giúp tăng thu nhập.

Bên cạnh đó, bảo hiểm cũng giúp giảm thiểu rủi ro cho người dân, khi gặp thiên tai sẽ được cơ quan bảo hiểm xét để bồi hoàn, có cơ hội tái sản xuất, phát triển bền vững.

Từ thực tế trên, ông đề xuất cần tiếp tục mở rộng bảo hiểm với cây lúa, chăn nuôi (đã thành công). Bên cạnh đó, tiếp tục thí điểm với nhóm sản phẩm thủy sản (tôm, cá tra). Ngoài Bảo Việt, Bảo Minh, cần có thêm các cơ quan bảo hiểm thí điểm cho một số doanh nghiệp khác.

Về đối tượng mua bảo hiểm, theo ông Lộc nên hướng tập trung vào hộ, trang trại, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa (khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo tham gia).  

Bà Hoàng Thị Tính cũng đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành ban hành khung chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm huy động nhiều nguồn lực hơn nữa để thúc đẩy bảo hiểm nông nghiệp, không giới hạn số lượng doanh nghiệp tham gia BHNN.

Ngoài việc hỗ trợ cho người mua BHNN về phí bảo hiểm, cần xây dựng cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp bảo hiểm như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm trích lập quỹ dự phòng cho các doanh nghiệp bảo hiểm khi kết quả kinh doanh BHNN bị lỗ.

Cung cấp cho các doanh nghiệp bảo hiểm các cơ sở dữ liệu về tổn thất để các nhà Tái bảo hiểm quốc tế có đủ cơ sở cung cấp vốn, quy tắc điều kiện bảo hiểm và mức phí bảo hiểm phù hợp; ban hành các quy trình kỹ thuật nuôi trồng phù hợp đặc thù của từng địa phương.

Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý tại Trung ương và địa phương với doanh nghiệp bảo hiểm và các hộ nông dân và tổ chức nông nghiệp. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước giám sát quá trình hợp tác, thực hiện chương trình BHNN của các doanh nghiệp bảo hiểm, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật; tránh việc cạnh tranh không lành mạnh. 

Ông Hoàng Quang Phòng- Phó Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)- cho biết: Việt Nam là một nước nông nghiệp, nhưng hàng năm thiên tai, dịch bệnh đã cướp đi của nông dân khối tài sản ước tính khoảng 1,5% GDP.

Vì vậy, nông dân cần một sự bảo đảm cho thành quả và công sức lao động của mình và BHNN chính là cứu cánh.

Đặc biệt, BHNN được coi là tấm khiên vững chắc, đưa ngành nông nghiệp ngày càng tiệm cận hơn với sản xuất hàng hóa mà điều đó phải bắt nguồn từ chính các doanh nghiệp và sự thay đổi tư duy từ nông dân.

TS. Đặng Kim Khôi- Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD)- đề xuất: Chính phủ nên tiếp tục trợ cấp cho những hộ nghèo, cận nghèo và không nghèo, nhưng với mức trợ cấp phí bảo hiểm thấp hơn.

Ngoài sự hỗ trợ trên, Chính phủ nên cung cấp mức trợ giá ưu đãi cho nông dân có hợp đồng với các doanh nghiệp để tạo ra các khu sản xuất quy mô lớn và cải tiến chuỗi giá trị.

Đồng thời, Chính phủ cũng cần xem xét xây dựng hệ thống tái bảo hiểm thích hợp để thu hút doanh nghiệp bảo hiểm tham gia thị trường, thông qua việc xem xét giảm đầu tư trực tiếp cho nông dân bằng cách giảm tỷ lệ hỗ trợ phí về mức thích hợp nhằm thúc đẩy nhu cầu tự nguyện và nâng cao năng lực quản lý rủi ro ở cấp hộ để giảm rủi ro doazh nghiệp.

Bài, ảnh: HÀ VĨNH THÁI