Phỏng vấn Phó Giám đốc BHXH tỉnh- Lưu Văn Tuấn

Chế độ thai sản theo quy định của Luật BHXH sửa đổi

Cập nhật, 05:51, Thứ Ba, 26/01/2016 (GMT+7)

Ngày 20/11/2014, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 8 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016. Trong đó, có quy định về chế độ thai sản dành cho người lao động (LĐ). Phóng viên Báo Vĩnh Long đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ, Bác sĩ Lưu Văn Tuấn- Phó Giám đốc BHXH tỉnh để thông tin đến bạn đọc một số điểm mới nổi bật về vấn đề này.

 

* Xin ông cho biết đối tượng hưởng chế độ thai sản được quy định theo Luật BHXH sửa đổi có những thay đổi gì so với trước đây?

- Luật BHXH sửa đổi đã mở rộng quyền lợi cho đối tượng tham gia BHXH gồm: LĐ nữ mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ- có tham gia BHXH; LĐ nam tham gia BHXH có vợ sinh con.

* Để được hưởng chế độ thai sản thì những đối tượng trên cần phải đáp ứng những điều kiện gì, thưa ông?

-Theo quy định của Luật BHXH sửa đổi, để được hưởng chế độ thai sản thì LĐ nữ phải tham gia BHXH đủ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh. Trường hợp có chỉ định của bác sĩ để nghỉ dưỡng thai chỉ cần đóng BHXH đủ 3 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh.

Đối với LĐ nữ mang thai hộ (có tham gia BHXH) thì được hưởng chế độ khi khám thai, sẩy thai, nạo hút thai, thai chết lưu, phá thai bệnh lý và chế độ khi sinh con cho đến thời điểm giao đứa bé cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá thời gian quy định. Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa bé mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì người mang thai hộ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày (tính cả ngày lễ, tết, ngày nghỉ hàng tuần).

Người mẹ nhờ mang thai hộ (phải đóng BHXH đủ 6 tháng đến thời điểm nhận con) được hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con đến khi con đủ 6 tháng tuổi.

Luật BHXH sửa đổi bổ sung quy định LĐ nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản là 5 ngày làm việc đối với trường hợp sinh thường và 7 ngày làm việc đối với trường hợp sinh phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; 10 ngày làm việc nếu sinh đôi và từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc; được nghỉ 14 ngày làm việc nếu sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật. Trường hợp chỉ có người chồng tham gia BHXH (đủ 6 tháng) thì khi vợ sinh con vẫn được nhận trợ cấp 1 lần bằng 2 tháng lương cơ sở.

* Mức hưởng đối với chế độ thai sản được Luật BHXH sửa đổi quy định cụ thể như thế nào, thưa ông?

- Căn cứ Luật BHXH sửa đổi, mức hưởng chế độ thai sản bằng 100% mức lương bình quân của 6 tháng trước khi nghỉ thai sản. Ví dụ: Chị A có mức lương bình quân trước khi nghỉ thai sản là 3 triệu đồng thì mức hưởng chế độ thai sản (sinh 1 con) là 18 triệu đồng. Ngoài ra còn có chế độ trợ cấp 1 lần bằng 2 tháng lương cơ sở, tức 2,3 triệu đồng.

* Thưa ông, có thể vì một lý do nào đó LĐ nữ sẽ phải đi làm trước thời hạn nghỉ thai sản. Như vậy, để có thể đi làm trước thời hạn thì LĐ nữ cần phải đáp ứng những điều kiện gì?

- Theo Luật BHXH sửa đổi, LĐ nữ có thể đi làm trước thời hạn nghỉ thai sản phải đáp ứng 2 điều kiện gồm: Nghỉ ít nhất 4 tháng trong 6 tháng theo quy định; LĐ nữ phải thông báo với đơn vị sử dụng LĐ và được đơn vị sử dụng LĐ đồng ý.

Ngoài vấn đề hưởng thai sản là 6 tháng thì LĐ nữ vẫn được hưởng lương theo quy định của đơn vị sử dụng LĐ, thời gian đi làm trước ngày LĐ và đơn vị sử dụng LĐ phải đóng BHXH.

* Trường hợp LĐ nữ sau khi nghỉ thai sản và đi làm trở lại mà sức khỏe vẫn chưa phục hồi, thì vấn đề tiếp tục nghỉ dưỡng để phục hồi sức khỏe được quy định ra sao, thưa ông?

- Trong Luật BHXH sửa đổi lần này cũng quy định trường hợp LĐ nữ hết thời gian nghỉ thai sản, trong tháng đầu làm việc nếu sức khỏe chưa ổn định sẽ được hưởng chế độ phục hồi sức khỏe tùy vào hình thức sinh. Trường hợp sinh 2 con trở lên thì thời gian nghỉ tối đa là 10 ngày, trường hợp sinh phẫu thuật thì được nghỉ tối đa 7 ngày, sinh thường thì được nghỉ 5 ngày. Mức hưởng cho 1 ngày bằng 30% mức lương cơ sở hiện hành.

* Cảm ơn ông!

PHẠM PHONG (thực hiện)