Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà(*)

Cập nhật, 10:34, Thứ Bảy, 29/06/2013 (GMT+7)

Ngày Gia đình Việt Nam vừa qua- ắt hẳn đó là một ngày đặc biệt. Bởi ngày đó, gia đình được nhắc tới nhiều nhất, chứa chan tình cảm nhất. Báo chí, truyền thông cũng dành đất ưu tiên cho bài viết, hình ảnh về gia đình. Nhưng đâu chỉ có một ngày. Trong lòng mỗi con người Việt Nam, gia đình vẫn là hai tiếng thiêng liêng. Gia đình luôn là cội nguồn của mọi hạnh phúc trên đời.

Bếp lửa hồng ấm áp và bữa cơm quây quần sum họp như là một biểu tượng cho tình cảm gia đình. “Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon” hẳn đâu thể ngon vì món ăn (bởi chỉ là thứ bỏ đi) mà ngon là nhờ có “chồng chan, vợ húp”.

Bữa cơm chiều sau một ngày vất vả, mệt nhọc, ngược xuôi đường đời là bữa cơm của tổ ấm, của trở về, của bình yên và hạnh phúc. Làn khói lam chiều tự lúc nào đã đi vào thơ ca, trở thành hình ảnh của gia đình. Và người đi xa, nỗi nhớ cứ đau đáu “lòng quê dợn dợn vời con nước/ không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”. (**)

Bữa cơm nhà thường cũng chẳng có gì, chỉ là vài món thanh bần, nhờ bàn tay vén khéo của mẹ, của chị mà ngon. Nên chỉ người đi xa mới hiểu hết vì sao “Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống, nhớ cà giằ

m tương”. Câu thơ lục bát chất chứa món ăn thuần Việt. Cà pháo thì người dân Việt đã biết đến từ thời Ông Gióng. Ở làng quê ngày trước, bà mẹ chồng tương lai chỉ cần “ngó qua” chum cà muối là đã biết cô con dâu vén khéo hay không. Rau muống xanh um trên mặt ao, quanh liếp vườn, bờ đê mà không cần chăm bẵm. Cứ hồn nhiên xanh, hồn nhiên non để người nhà quê như thể với tay là có sẵn. Ở chợ cũng không bao giờ quá đắt đến nỗi không thể mua. Rau muống xanh non, cọng nhỏ mềm, luộc lấy nước vắt chút chanh… đã thành thương thành nhớ.

Để rồi có khi tâm hồn xao động: “Chẳng lẽ suốt ngày bên bếp vợ/ Chẻ củi trèo thang với giặt đồ” nên quyết giang hồ một chuyến “Vợ con chẳng kịp chào xin lỗi/ Mây trắng trời xa, trắng cả lòng”. Và chỉ có lúc đi xa mới hiểu hết hai tiếng gia đình “… Hình như ta mới khóc hôm qua/ Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt/ Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”.

(*)Thơ Phạm Hữu Quang

(**) Thơ Huy Cận

PHƯƠNG NAM