Để bắn cung ĐBSCL vươn xa

Cập nhật, 20:50, Thứ Năm, 31/12/2020 (GMT+7)

 

Đầu tư môn bắn cung đòi hỏi chi phí cao là rào cản phát triển môn này ở ĐBSCL. Ảnh minh họa
Đầu tư môn bắn cung đòi hỏi chi phí cao là rào cản phát triển môn này ở ĐBSCL. Ảnh minh họa

(VLO) Lãnh đạo của các trung tâm huấn luyện TDTT đã cùng ngồi lại đánh giá kết quả bộ môn bắn cung của ĐBSCL đạt được trong thời gian qua, cũng như đặt ra nhiều vấn đề để môn này trở thành thế mạnh của thể thao vùng.

Thành tích đáng trân trọng

Môn bắn cung du nhập vào Việt Nam từ năm 1995 và Sở TDTT Hà Nội là đơn vị tiên phong đầu tư. Hiện nay, ngoài Hà Nội, môn bắn cung đã có các địa phương đầu tư như: TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Kạn, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Ninh Bình,… và các tỉnh ĐBSCL gồm: Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Hậu Giang, Đồng Tháp, Long An với hàng trăm lượt VĐV thi đấu thành tích cao.

Đồng thời bộ môn này đang sở hữu lực lượng cán bộ quản lý, HLV, trọng tài giỏi, trong đó có trọng tài cấp quốc tế đã được điều động điều hành các giải quốc tế trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á.

Theo Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ- Trần Chí Quân, trước năm 2009, bắn cung là môn thể thao rất mới mẻ đối với ĐBSCL, trong khi phát triển từ các tỉnh phía Bắc và TP Hồ Chí Minh. Với định hướng đúng đắn, được sự đồng thuận của Tổng cục TDTT, các tỉnh- thành trong khu vực từng bước xây dựng và phát triển môn thể thao này cho đến nay.

“Trên đấu trường toàn quốc, hiện bắn cung ĐBSCL đã trở thành thế đối trọng với các địa phương đi trước. Đồng thời cũng là nơi tạo nguồn cung cấp VĐV dồi dào cho ĐTQG”- ông Quân chia sẻ.

Các VĐV bắn cung của ĐBSCL đã gặt hái nhiều thành công nhất định. Ví dụ như năm 2016 đạt 6 HCV Cúp quốc gia, năm 2017 đạt 4 HCV Cúp quốc gia, năm 2018 đạt 6 HCB tại Giải Vô địch tay cung xuất sắc toàn quốc, năm 2019 đạt 4 HCV tại Giải Vô địch cung thủ xuất sắc và năm 2020 đạt đến 11 HCV cũng tại giải đấu này.

Các tỉnh ĐBSCL có VĐV thi đấu đạt thành tích xuất sắc như Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh… đi đầu trong công tác đầu tư, phát hiện tài năng và huấn luyện nên nhiều VĐV xuất sắc, góp phần đưa môn bắn cung của ĐBSCL “nổi danh” trên trường thi đấu quốc gia.

Liên kết cùng phát triển

Vĩnh Long xem môn bắn cung là thế mạnh và xin chủ trương đầu tư từ năm 2010 và đã có nhiều VĐV đạt thành tích cao toàn quốc.

Theo ông Huỳnh Trung Toàn- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, môn bắn cung mặc dù đầu tư tốn kém nhưng đây là môn thể thao thế mạnh. “Đến giờ, VĐV của tỉnh Vĩnh Long có thể nói là phát triển rất tốt, đạt nhiều thành tích cao ở khu vực và toàn quốc. Qua đó, ngành đang tập trung đầu tư và tiếp tục mở rộng”- ông chia sẻ.

Các tỉnh khác như An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh… đã đầu tư từ vài năm nay và cũng có nhiều VĐV đạt thành tích tốt ở các giải đấu.

Theo nhiều chuyên gia về môn bắn cung, mặc dù rất khó đầu tư vì thứ nhất là chi phí mỗi bộ cung rất cao (thông thường thì từ 100- 300 triệu đồng) nhưng thời gian sử dụng lại ngắn (trên dưới 1 năm) và việc mua dụng cụ tập luyện cũng thông qua nhiều thủ tục.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đã xem môn bắn cung là thế mạnh của ĐBSCL thì cần phải có sự liên kết của các tỉnh và Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ trong công tác phát triển, phát hiện, huấn luyện VĐV.

Ông Huỳnh Trung Toàn cho rằng, ĐBSCL còn rất khó khăn không chỉ ở môn bắn cung mà còn nhiều môn khác, đặc biệt là kinh phí đầu tư rất khó khăn và tình trạng “chảy máu” VĐV giỏi.

Cụ thể là từ năm 2010 đến nay, Vĩnh Long đã để mất khoảng 30 VĐV rất tiềm năng ở một số môn thể thao vì chế độ chính sách còn yếu.

“Hướng tới, để phát triển mạnh môn bắn cung, các tỉnh- thành trong khu vực cần bắt tay với nhau và liên kết chặt chẽ hơn. Đồng thời tổ chức nhiều giải để đầu tư tốt cho môn này. Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ cần tổ chức tập huấn, thi đấu và đưa một bộ chuẩn cụ thể để tuyển chọn VĐV”- ông Huỳnh Trung Toàn cho biết.

Ông Trần Chí Quân- Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ chia sẻ, môn bắn cung cũng như các môn khác, cần thiết nhất là yếu tố con người, từ HLV đến VĐV. Sắp tới trung tâm cũng sẽ có sự nghiên cứu để đưa ra tiêu chuẩn lựa chọn VĐV phù hợp với các điều kiện, tiềm năng phát triển của môn bắn cung của đồng bằng.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY