Những hệ lụy của thời tiết cực đoan

Cập nhật, 19:38, Thứ Sáu, 21/07/2023 (GMT+7)
Lính cứu hỏa chữa cháy trong rừng tại quần đảo Canary, Tây Ban Nha ngày 16/7.
Lính cứu hỏa chữa cháy trong rừng tại quần đảo Canary, Tây Ban Nha ngày 16/7.

(VLO) Hàng chục triệu người trên khắp thế giới đang chật vật ứng phó với nắng nóng như thiêu đốt, với nhiệt độ ở nhiều khu vực của châu Mỹ, châu Âu và châu Á dự báo tăng cao kỷ lục. Thời tiết nóng bức không những gây ra cháy rừng mà còn làm trầm trọng hơn gánh nặng cho ngành y tế.

Vào ngày 16/7, nhiệt độ cao và nắng nóng như thiêu đốt xảy ra tại châu Á, châu Âu và Mỹ. Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ dự báo đợt nắng nóng xảy ra tại khu vực trải dài từ bang California đến bang Texas sẽ lên đến đỉnh điểm vào cuối tuần này và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tại bang California, khu vực Thung lũng Chết- một trong những nơi nóng nhất trên Trái đất, có thể chứng kiến mức nhiệt cao kỷ lục mới trong ngày 16/7, lên đến 540C. Trong khi đó, TP Phoenix- thủ phủ của bang Arizona, đã ghi nhận 16 ngày liên tiếp nhiệt độ trên 430C.

Giới chức Nhật Bản đã ban hành cảnh báo về sốc nhiệt đối với hàng chục triệu người tại 20 trong tổng số 47 tỉnh tại nước này.

Đài NHK đã cảnh báo nhiệt độ đạt mức nguy hiểm đến sức khỏe con người khi Thủ đô Tokyo và nhiều nơi khác ghi nhận mức nhiệt gần 400C. Một số nơi tại Nhật Bản ngày 16/7 đã trải qua mức nhiệt cao nhất trong 4 thập niên.

Cơ quan Thời tiết Tây Ban Nha (AEMET) cho biết nhiệt độ đạt đỉnh 45,30C tại đô thị Figueres ở vùng Catalonia, miền Đông Bắc nước này, trong khi quần đảo Balearic hứng chịu cái nóng tới 43,70C.

Ngày 18/7, Tây Ban Nha đã ban bố các cảnh báo “nguy hiểm cực độ” do nhiệt độ thiêu đốt tại 3 vùng ở nước này.

AEMET đã ban bố cảnh báo đỏ về nắng nóng cực đoan tại cả hai khu vực trên cũng như tại Aragon, đều thuộc Đông Bắc Tây Ban Nha; đồng thời khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài vào các khung giờ nóng nhất trong ngày và uống đủ nước.

Trong khi đó, lực lượng cứu hỏa cho biết đám cháy hoành hành nhiều ngày qua tại quần đảo Canary đã thiêu rụi gần như tất cả.

Kể từ ngày 15/7, hàng trăm lính cứu hỏa cùng hàng chục máy bay chữa cháy vẫn đang nỗ lực khống chế đám cháy rừng lớn trên đảo La Palma thuộc quần đảo Canary.

Cho đến nay, hỏa hoạn đã thiêu rụi 3.500ha, cùng khoảng 20 ngôi nhà và nhiều công trình, buộc 4.000 cư dân phải đi sơ tán.

Trong khi đó, ngày 16/7, Trung Quốc ban bố cảnh báo về nắng nóng tại một số khu vực, với nhiệt độ có thể lên tới 40-450C ở Tân Cương và 390C ở tỉnh Quảng Tây. Tại Iraq, nhiệt độ ở Thủ đô Baghdad lên tới gần 500C và hạn hán khiến mực nước sông Tigris đang dần trở nên cạn kiệt.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cảnh báo nguy cơ gia tăng các vấn đề sức khỏe và số ca tử vong khi thời tiết cực đoan bao trùm nhiều nơi ở châu Âu, châu Á và Mỹ.

Theo đó, nắng nóng sẽ làm trầm trọng thêm những chứng bệnh sẵn có ở mỗi người, đặc biệt đáng lo ngại ở nhóm bệnh tim mạch, tiểu đường và hen suyễn.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, nắng nóng cực đoan gây hậu quả nặng nề nhất với những người có khả năng thích ứng kém nhất như người già, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, và những người nghèo, người vô gia cư.

Tình trạng này cũng làm gia tăng áp lực với những hệ thống y tế. Việc chịu đựng nắng nóng vượt ngưỡng có thể gây những hậu quả khôn lường với sức khỏe, thường làm trầm trọng thêm những bệnh sẵn có và thậm chí dẫn tới những ca tử vong đáng tiếc hay tàn tật.

WHO đang phối hợp với Tổ chức Khí tượng thế giới hỗ trợ các nước xây dựng kế hoạch hành động trong thời tiết nắng nóng để điều phối công tác chuẩn bị ứng phó và giảm những tác động của tình trạng nắng nóng cực đoan tới sức khỏe của người dân.

Hiện hàng triệu người ở cả 3 lục địa Á- Âu- Mỹ đang hứng chịu thời tiết nắng nóng gay gắt, cháy rừng lan rộng, kéo theo những nguy cơ sức khỏe khi nhiệt độ liên tục lập kỷ lục cao mới.

Các chuyên gia cho rằng đây là một phần hậu quả của biến đổi khí hậu do tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch gây ra, tình trạng ấm lên toàn cầu đóng vai trò chủ chốt dẫn tới những hình thái thời tiết có sức tàn phá ngày càng lớn.

Các chuyên gia cho rằng, điều cấp thiết lúc này là cần có sự hành động trên toàn cầu nhằm giải quyết hiệu quả cuộc khủng hoảng khí hậu đang đặt ra các mối đe dọa hiện hữu đối với con người.

Và hành động chống biến đổi khí hậu không thể chỉ dựa vào một chính phủ hoặc một chính đảng cụ thể nào. Đây thực sự phải là vấn đề phi đảng phái và cần sự chung tay của toàn nhân loại.

BÙI THANH (theo tintuc.vn)