Kiên quyết xử lý vi phạm về nồng độ cồn

Cập nhật, 05:39, Thứ Ba, 04/04/2023 (GMT+7)
Hầu hết người điều khiển phương tiện chấp hành việc kiểm tra của CSGT.
Hầu hết người điều khiển phương tiện chấp hành việc kiểm tra của CSGT.

(VLO) Vi phạm về nồng độ cồn (NĐC) là lỗi phổ biến được phát hiện qua công tác tuần tra của lực lượng CSGT và cũng là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông.

Trước thực trạng này, Bộ Công an và công an các địa phương đã triển khai các chuyên đề, kế hoạch, kiên quyết xử lý vi phạm này nhằm kiềm chế và kéo giảm số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông, hình thành ý thức “đã uống rượu bia thì không lái xe”.

Đa số vi phạm “kịch khung” nồng độ cồn

Năm 2023, Bộ Công an xác định quan điểm thiết lập kỷ cương, bảo đảm trật tự an toàn trên các tuyến giao thông. Trong đó, tài xế có NĐC là một trong 3 hành vi vi phạm được tập trung xử lý để kéo giảm tai nạn cùng với hành vi chở quá tải trọng và chạy quá tốc độ.

Việc kiểm soát NĐC được lực lượng CSGT thực hiện trên cả nước, đặc biệt tập trung tại các đô thị nhằm tạo tính răn đe, hình thành ý thức “đã uống rượu bia thì không lái xe”. Quá trình xử phạt cũng được lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo “không có vùng cấm và không có ngoại lệ”.

Theo Cục CSGT (Bộ Công an), 45 ngày qua, lực lượng CSGT cả nước đã xử lý hơn 99.000 trường hợp lái xe vi phạm NĐC, tăng hơn 23,6% so với 45 ngày liền kề trước đó.

Trong số các trường hợp vi phạm, số tài xế vi phạm ở mức “kịch khung”, tức là trên 0,4 miligam/1 lít khí thở chiếm gần 31,5%.

Tại Vĩnh Long, Cục CSGT phối hợp Phòng CSGT tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về NĐC và các hành vi vi phạm khác như: xe quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng, xe quá niên hạn, hết hạn đăng kiểm, ô tô khách chở quá số người quy định và các trường hợp sử dụng giấy phép lái xe giả.

Tính riêng vi phạm NĐC, chỉ trong vòng 1 tháng (từ 15/2-14/3), đã phát hiện 506 trường hợp vi phạm, chủ yếu là người điều khiển mô tô, xe gắn máy.

Gần 50% số trường hợp vi phạm ở mức vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở, là mức cao nhất trong 3 mức vi phạm về NĐC được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP.

Anh P.T.T. (ngụ xã Hòa Lộc, huyện Tam Bình) bị CSGT lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện do có NĐC là 0,980 miligam/1 lít khí thở.

Thời điểm kiểm tra, anh T. cho biết vừa đi đám tang người thân về, có uống rượu và xin được lấy xe về vì nhà còn xa.

Lực lượng CSGT giải thích việc xử lý vi phạm và tạm giữ phương tiện là đúng quy định pháp luật, cũng là việc cần làm để đảm bảo an toàn cho bản thân anh và những người khác, đồng thời nhắc nhở anh T. gọi người thân đến đưa về, chấp hành việc đóng phạt được ghi trong biên bản.

Kiên quyết xử lý vi phạm

Anh P.T.T. (bìa trái) vi phạm nồng độ cồn và bị CSGT lập biên bản.
Anh P.T.T. (bìa trái) vi phạm nồng độ cồn và bị CSGT lập biên bản.

Thiếu tá Nguyễn Văn Bé Năm- Phó Trưởng Phòng CSGT (Công an tỉnh), cho biết hầu hết những người tham gia giao thông điều chấp hành hiệu lệnh kiểm tra của CSGT, cũng như ký vào biên bản nếu vi phạm.

Tuy nhiên, một số trường hợp né tránh chốt kiểm soát bằng cách dẫn bộ, đi đường khác, cá biệt có trường hợp tăng ga bỏ chạy hoặc cản trở việc kiểm tra, kiểm soát của CSGT.

Các trường hợp này đều bị CSGT kiên quyết xử lý. Như trường hợp của anh P.M.C. (ngụ huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) “dính” NĐC ở mức 0,597 miligam/1 lít khí thở.

Ban đầu, anh C. thừa nhận vi phạm và chấp hành ký vào biên bản nhưng khi xin lấy xe về không được anh lại tỏ thái độ bất hợp tác, thách thức CSGT, đập phá xe máy của mình.

Sau gần 5 phút kiên trì giải thích quy định của pháp luật, cộng với sự động viên của vợ con đi cùng, anh C. mới chịu nhận sai và đón taxi về nhà.

Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Bé Năm, vi phạm về NĐC là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông, đồng thời có mức phạt cao nên khuyến cáo người dân tuân thủ chấp hành “đã uống rượu bia thì không lái xe”.

Việc kiểm tra nhằm xử lý nghiêm vi phạm, đặc biệt trên các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh, từ đó kiềm chế và kéo giảm số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông.

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Luật Phòng chống tác hại rượu, bia và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an về các giải pháp bảo đảm bảo trật tự ATGT, Cục CSGT ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển phương tiện giao thông, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và công nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm NĐC” đến cuối năm 2023.

Tại Vĩnh Long, Thiếu tá Nguyễn Văn Bé Năm cho biết thêm: cùng với các kế hoạch của Bộ Công an, Phòng CSGT triển khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề chở hàng quá tải trọng, quá vạch dấu mớn nước an toàn, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo, hoán cải phương tiện và chuyên đề người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và đường thủy nội địa mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm NĐC.

Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP, vi phạm về nồng độ cồn được quy định ở 3 mức cụ thể: Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25- miligam/1 lít khí thở, vượt quá 50- 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25- 0,4 miligam/1 lít khí thở, vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Tùy theo mức độ vi phạm mà mức phạt tiền cũng khác nhau, đối với người điều khiển xe gắn máy là từ 2-8 triệu đồng, đối với người điều khiển xe ô tô là từ 6-40 triệu đồng.

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH