Gắn nông thôn mới với phát triển du lịch

Cập nhật, 07:26, Thứ Ba, 03/11/2015 (GMT+7)

 

Du khách tham quan điểm homestay Ba Lình (ấp An Thạnh, xã An Bình).
Du khách tham quan điểm homestay Ba Lình (ấp An Thạnh, xã An Bình).

Gắn nông thôn mới với phát triển du lịch

Du lịch đóng góp thiết thực vào các nội hàm tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (NTM), ngược lại chính quá trình xây dựng NTM đã tạo nên hệ thống giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, góp phần thúc đẩy việc thu hút du khách trong những năm gần đây.

Vai trò quan trọng của ngành du lịch trong phát triển kinh tế đã được xác định trong những năm sắp tới.

Ngành kinh tế quan trọng của tỉnh

Trong dự thảo Nghị quyết của tỉnh có nội dung quan trọng về quan điểm phát triển du lịch: “Tập trung đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn, gắn xây dựng NTM với phát triển du lịch vào các lĩnh vực lưu trú, vui chơi giải trí, tìm hiểu lịch sử văn hóa, mua sắm, ẩm thực nhằm thu hút và giữ chân du khách, tăng chi tiêu của khách du lịch để tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư”.

Theo đó, quy hoạch du lịch phải mang tính khả thi cao để thu hút đầu tư, đa dạng hóa nguồn vốn phát triển dịch vụ du lịch, ưu tiên đầu tư các dự án mang tính đột phá, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn, đảm bảo môi trường, đa dạng hóa các loại hình và sản phẩm du lịch sông nước; tăng nhanh tỷ trọng du lịch trong GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của tỉnh.

Ông Trần Thiện Ngoan- Trưởng Phòng Nghiệp vụ du lịch thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) tỉnh Vĩnh Long- phấn khởi cho biết, lần đầu tiên ngành du lịch Vĩnh Long có một dự thảo quan trọng về du lịch, nếu được thống nhất và đưa vào nghị quyết sẽ là cơ sở để tin tưởng rằng trong tương lai ngành du lịch sẽ có những bước phát triển đột phá.

Trước mắt, nỗ lực duy trì lượng khách du lịch tăng bình quân 7- 9%/năm, doanh thu tăng 15%/năm, đến năm 2020 ước đạt 1,6 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 445 tỷ đồng và đến năm 2030 lượng khách đến Vĩnh Long ước đạt 3 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt gần 1.800 tỷ đồng.

Vĩnh Long cần phải nỗ lực tối đa trong việc xã hội hóa, thu hút mạnh nguồn đầu tư, những doanh nghiệp, tập đoàn tiềm lực mạnh mới mong đạt được những con số “đẹp” đó.

Trên cơ sở đó, phấn đấu đến giai đoạn 2020- 2030, cùng với cả nước, du lịch Vĩnh Long cơ bản từ ngành kinh tế quan trọng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất tương đối đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh, mang bản sắc văn hóa lúa nước, văn minh miệt vườn, thân thiện với môi trường, đưa Vĩnh Long trở thành điểm đến hấp dẫn trong nước và khu vực.

Vai trò quan trọng của nông dân

4 xã cù lao của huyện Long Hồ được xem là địa bàn trọng điểm xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch, trung bình chiếm khoảng trên 80% lượng du khách đến Vĩnh Long. Qua từng giai đoạn phát triển, vai trò của nông dân càng được khẳng định, ngày càng chủ động hơn trong việc tham gia vào các dịch vụ khai thác du lịch, nông dân cũng là chủ thể trong quá trình xây dựng NTM.

Những ngày này đang vào vụ chôm chôm, đây cũng là vườn cây thu hút nhiều du khách, nhà vườn đang thu hoạch lai rai bán cho thương lái.

Hiện huyện Long Hồ có khoảng trên 866ha vườn chôm chôm, tập trung nhiều ở các xã: Hòa Ninh, An Bình, Bình Hòa Phước, Đồng Phú. Ông Võ Văn Xo- chủ vườn chôm chôm ở xã Hòa Ninh- chia sẻ: “Tôi có khoảng 1,5ha chôm chôm, thu hoạch được gần 45 tấn, mặc dù giá năm nay không ổn định, nhưng vẫn có lời gần 60 triệu đồng”.

Còn ông Nguyễn Ngọc Tân có trên 3 công chôm chôm, cũng thu hoạch gần 6 tấn trái, cao hơn năm rồi gần 1 tấn, thu lời hơn 30 triệu đồng.

Điểm homestay Ba Lình.
Điểm homestay Ba Lình.

Ngoài bán cho thương lái, các nhà vườn chôm chôm ở cù lao An Bình còn nắm bắt nhu cầu, cho du khách vào vườn “ăn chôm chôm bụng”, kèm theo những dịch vụ ăn uống khác. Anh Duyên- chủ vườn chôm chôm Duyên (ấp An Thới, xã An Bình) cho biết: Hàng ngày đón từ 70- 80 khách, có hôm 100 khách, với giá vào vườn từ 30.000- 40.000 đ/khách.

Chủ vườn chôm chôm Tư Hiền cũng ở ấp An Thới, cho hay: “Tôi có 10 công chôm chôm, hàng ngày có từ 70- 100 khách đến, chủ yếu là khách nội địa”. Những dịch vụ này đã giúp cho thu nhập nhà vườn nâng lên và khá ổn định.

Chính nhờ các dịch vụ du lịch vườn, nên dù giá trái cây không được cao, nhưng thu nhập các nhà vườn vẫn ổn định, góp phần cho các xã sớm đạt tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM.

Ngoài Bình Hòa Phước hiện đã đạt 19 tiêu chí, các xã còn lại cũng tập trung hoàn thành các tiêu chí quan trọng. Trong 4 xã được đầu tư trên 10 tỷ đồng, để xây dựng cơ sở vật chất văn hóa thì có 2 xã cù lao là: Bình Hòa Phước và Hòa Ninh.

Trong đó, xã Hòa Phú được đầu tư 4,9 tỷ đồng để đầu tư 2 công trình là: Trung tâm văn hóa xã và Nhà văn hóa thể thao liên ấp. Xã Bình Hòa Phước được đầu tư 3,8 tỷ đồng để đầu tư 2 công trình văn hóa, đã tiến hành khảo sát và thi công đạt khoảng 50%.

Gắn xây dựng NTM với phát triển du lịch là một trong những hướng đi thích hợp. Với những giải pháp đồng bộ, tin rằng du lịch tỉnh nhà sẽ tạo những phát triển đột phá trong 5 năm tới và tầm nhìn đến năm 2030.

 

Gắn việc xây dựng NTM với phát triển du lịch là chủ trương đúng đắn, hợp lý; có thể xem là lợi ích “2 trong 1”, vì đây là 2 lĩnh vực gắn bó mật thiết, quan hệ hỗ tương lẫn nhau. Sự kết hợp này mang lại hiệu quả cao đã được chứng minh qua thực tiễn nhiều năm nay, với việc bà con nông dân gắn sản xuất nông nghiệp với khai thác các dịch vụ du lịch.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- MINH TRIẾT