Chủ động đề phòng dịch cúm gia cầm

Cập nhật, 14:53, Thứ Ba, 28/03/2023 (GMT+7)
Tại các tỉnh vùng ĐBSCL và Vĩnh Long, hiện chưa ghi nhận ca bệnh cúm gia cầm (CGC) trên người. Thời gian qua, các địa phương đã và đang chủ động, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch CGC, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, mua bán gia cầm và đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh.
 
  Người chăn nuôi gia cầm cần nâng cao nhận thức, chăn nuôi theo hướng  an toàn sinh học.
Người chăn nuôi gia cầm cần nâng cao nhận thức, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Theo Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp-PTNT), tính đến tháng 3/2023, toàn tỉnh có trên 11 triệu con gia cầm, tăng 1,11% hay tăng 122.000 con, trong đó có gần 8 triệu con gà, tăng 0,03%. Tính đến tháng 3, đã tiêm phòng khoảng 1 triệu con gia cầm, không tính đến số liệu tự tiêm của người chăn nuôi và của các trang trại chăn nuôi. 
 
Từ đầu năm đến nay, không phát hiện bệnh CGC. Tuy nhiên, theo ngành chức năng, thời tiết diễn biến phức tạp, bất lợi cho sức đề kháng của vật nuôi, nhưng thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, phát tán. Do đó, nguy cơ xâm nhiễm, phát sinh cúm A/H5N1 và các chủng virus cúm nguy hiểm trên đàn gia cầm, đàn vật nuôi trong thời gian tới là rất cao.
 
Ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y và thủy sản (Sở Nông nghiệp-PTNT) cho biết: Mùa nắng nóng có nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Trong đó, bệnh CGC, lở mồm long móng, dịch tả heo châu Phi, viêm da nổi cục, dại chó có nguy cơ xuất hiện cao, có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đặc biệt, bệnh CGC có thể lây sang người, ảnh hưởng đến tính mạng con người. Theo đó, ngành thú y cũng đã có nhiều giải pháp chủ động, tăng cường phòng chống dịch bệnh CGC xuất hiện.
 
Tại Vũng Liêm, bà Lê Ngọc Yến- Phó Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện cho hay: Thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên gia cầm được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp phòng chống kịp thời thì nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm phát sinh và lây lan trên đàn vật nuôi trong thời gian tới là rất cao. Theo đó, để phòng chống dịch bệnh, phòng nông nghiệp cũng đã tăng cường thực hiện công tác tiêm phòng, tiêu độc khử trùng, khuyến cáo người chăn nuôi khai báo kịp thời khi có gia súc, gia cầm chết nghi do dịch bệnh. Tuyệt đối không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia súc, gia cầm mắc bệnh, vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.
 
Theo ông Lê Thanh Tùng, để phòng chống dịch CGC, một trong những giải pháp cần được quan tâm đó là tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép, gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc trên thị trường.
 
Bên cạnh đó, tăng cường giám sát dịch bệnh trên vật nuôi để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh, động vật nghi mắc bệnh, vứt xác động vật ra môi trường dẫn đến lây lan dịch bệnh. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác tiêm phòng, tiêu độc khử trùng. 
 
Chi cục Chăn nuôi thú y và thủy sản khuyến cáo người dân nên sử dụng sản phẩm gia cầm có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y, đồng thời, khi mua con giống cần chọn gia cầm giống có nguồn gốc rõ ràng, nên mua tại các cơ sở có đăng ký, có hồ sơ xuất- nhập tỉnh, không mua gia cầm trôi nổi, qua mạng online, bán dạo… vì có thể tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh cao. Đặc biệt, người chăn nuôi cần tăng cường chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh để đảm bảo phòng chống dịch bệnh cho đàn gia cầm.
 
Trong đó, đối với chăn nuôi an toàn sinh học, cần triển khai đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, vệ sinh thú y nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm của mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào các cơ sở chăn nuôi và tiêu diệt mầm bệnh tồn tại ở bên trong của cơ sở chăn nuôi.
 
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Phùng Đức Tiến, nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh do vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi, an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng, bộ phối hợp với các ban, ngành và chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông… để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh biên giới phía Nam...
 
Để phòng chống dịch bệnh phát sinh và lây lan, các cơ quan chuyên ngành, các cấp chính quyền địa phương cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia cầm, hướng dẫn cho người chăn nuôi về các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để hạn chế thấp nhất việc phát sinh dịch bệnh.
Để chủ động phòng chống dịch, bệnh cúm A/H5N1 lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp sau:
Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG