Bài toán lúa vụ 3

Cập nhật, 10:12, Thứ Tư, 06/07/2016 (GMT+7)

Đã có nhiều ý kiến trái chiều khi mới đây Bộ Nông nghiệp- PTNT khuyến khích tăng diện tích lúa vụ 3 (lúa Thu Đông) ở ĐBSCL để bù vào sản lượng thiệt hại do hạn, mặn vừa qua.

Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, vụ Đông Xuân vừa qua do ảnh hưởng hạn- mặn, sản lượng lúa ĐBSCL giảm hơn 700.000 tấn. Để bù lại sản lượng, bộ chủ trương tăng lúa vụ 3 khoảng 57.000ha để có thể tăng thêm khoảng 360.000 tấn.

Dưới góc nhìn thị trường, chủ trương này đang đứng trước nhiều ý kiến trái chiều, nhất là tình hình xuất khẩu gạo những tháng đầu năm vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, 6 tháng đầu năm Việt Nam xuất khẩu ước đạt 2,69 triệu tấn gạo, kim ngạch 1,21 tỷ USD, giảm gần 10% về khối lượng và giảm gần 6% về giá trị so cùng kỳ.

Vì thế, liệu mở rộng lúa vụ 3 thời điểm này có phù hợp? Theo các chuyên gia, sẽ gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân dễ nhận thấy là các quốc gia nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam như: Indonesia, Philippines đã kết thúc các hợp đồng, trong khi các hợp đồng thương mại hiện khá ít. Bên cạnh là áp lực từ việc Thái Lan xả kho gạo hơn 11 triệu tấn khiến nhiều người lo ngại.

Dự báo, từ nay đến cuối năm 2017, thế giới được mùa lúa, trong khi các quốc gia truyền thống cũng được mùa, dự báo giảm sản lượng nhập khẩu từ 4,8 xuống 3,8
triệu tấn.

Còn thực tế sản xuất cũng cho thấy, vụ Thu Đông sản xuất hoàn toàn trong tháng mưa (tháng 7- 10 dương lịch), thời tiết bất lợi từ gieo sạ đến khi thu hoạch, trong khi các tỉnh ven biển thì vụ 3 lại là vụ Xuân Hè- thời tiết thuận lợi nhưng thủy văn thì bất lợi vì bị hạn, xâm nhập mặn.

Thế nhưng, nếu không trồng lúa, lại rất khó có thể thay loại cây trồng nào khác vào vụ Thu Đông trên diện tích tới 800.000ha ở ĐBSCL như hiện nay.

Và, không sản xuất vụ 3 “không lẽ ở không 3- 4 tháng trời!” Nhưng nếu cứ gieo sạ, lại cứ “hên- xui”, rồi “mất trắng như chơi” một khi gặp lũ lụt hoặc hạn- mặn, thì chủ trương mở rộng lúa vụ 3 như năm nay vẫn là bài toán đầy nan giải!

HOÀNG MINH