Xuất hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng đối với cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu là bắt buộc

Cập nhật, 15:45, Thứ Tư, 27/03/2024 (GMT+7)
Việc triển khai hóa đơn điện tử là biện pháp cần thiết để chống thất thu thuế và quản lý tốt hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu.
Việc triển khai hóa đơn điện tử là biện pháp cần thiết để chống thất thu thuế và quản lý tốt hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu.

Sự ra đời của hóa đơn điện tử (HĐĐT) đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số của quốc gia, đặc biệt là tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí cho người nộp thuế. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu chưa xuất HĐĐT cho khách hàng sau từng lần bán hàng.

Việc xuất HĐĐT sau từng lần bán hàng đã được quy định cụ thể tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Bên cạnh đó, ngày 1/12/2023, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Công điện số 1284/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.

Theo đó, đối với các khách hàng lấy hóa đơn, cửa hàng xăng dầu thực hiện lập HĐĐT với đầy đủ các chỉ tiêu theo quy định; đối với khách hàng không lấy hóa đơn, cửa hàng xăng dầu cũng phải lập hóa đơn.

Tuy nhiên, việc xuất HĐĐT đối với trường hợp này là cho khách hàng cá nhân không kinh doanh nên trên hóa đơn không nhất thiết phải có đầy đủ các chỉ tiêu (không cần thông tin người mua).

Do vậy, việc xuất HĐĐT theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu không làm mất thời gian của người mua không có nhu cầu lấy hóa đơn, nhưng vẫn đảm bảo việc tuân thủ đúng quy định của các doanh nghiệp và HĐĐT được lưu trữ, tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Hiện nay, cơ quan thuế các cấp đã triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt yêu cầu các đơn vị kinh doanh xăng dầu lập HĐĐT theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế theo quy định.

Đồng thời, cơ quan thuế phối hợp với các cơ quan ban, ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra việc lập HĐĐT tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu theo quy định, nếu phát hiện các cửa hàng không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý thuế, ngăn ngừa các hành vi gian lận, trốn thuế, chống thất thu thuế.

Chế tài xử phạt các hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn được quy định cụ thể tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, Tại khoản 5, Điều 24 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành vi vi phạm quy định về lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ như sau: Phạt tiền từ 10.000.000-20.000.000đ đối với hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua theo quy định, trừ hành vi quy định tại điểm b, khoản 2 điều này.

Bài, ảnh: THÙY LINH