Blog thị trường

Tăng giải pháp ổn định thị trường vàng

Cập nhật, 12:24, Thứ Sáu, 29/03/2024 (GMT+7)

Thời gian gần đây, diễn biến trên thị trường vàng khiến nhà đầu tư và người dân nắm giữ vàng như đứng đống lửa như ngồi đống than.

Đầu tháng 3/2024, có thời điểm người dân đổ xô mua vàng khi giá vàng biến động mạnh và lập đỉnh lịch sử với mốc 82,2 triệu đồng/lượng. Tuy vậy, cũng có lúc giá vàng rớt hàng triệu đồng/lượng, chẳng hạn khi Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có biện pháp can thiệp để bình ổn thị trường vàng cuối năm 2023.

Theo các chuyên gia, bối cảnh lãi suất tiền gửi sụt giảm, các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản tiềm ẩn rủi ro và kỳ vọng giá vàng thế giới tăng tiếp đã thúc đẩy người dân gia tăng nắm giữ vàng. Thời gian qua, lãnh đạo Chính phủ đã có hàng loạt chỉ đạo liên quan đến quản lý thị trường vàng trong bối cảnh giá mặt hàng này tăng liên tục. Chỉ tính từ tháng 6/2023 đến nay, Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đã có 9 văn bản chỉ đạo, đôn đốc NHNN và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp quản lý, giám sát hoạt động thị trường vàng.

Ngày 20/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng. Trong công điện, Thủ tướng yêu cầu NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện các giải pháp theo quy định bình ổn, ổn định thị trường vàng. Đặc biệt không để tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia. Cùng với đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu thực hiện ngay việc tổng kết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 24 ngày 3/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, qua đó bảo đảm cung- cầu thị trường cân bằng, ổn định. Đồng thời, để “cắt sốt” và bình ổn thị trường, trước diễn biến bất ổn của thị trường vàng trong nước giai đoạn 2009- 2011. Sau hơn 10 năm, Nghị định 24 đã thực hiện rất tốt vai trò lịch sử trong nỗ lực chống “vàng hóa”, “đô la hóa” và nâng dần vị thế của đồng Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, khuôn khổ pháp lý để điều chỉnh thị trường vàng Việt Nam là Nghị định 24 ra đời từ năm 2012, trong khi diễn biến thị trường vàng hiện nay đã và đang đặt ra yêu cầu cần thiết phải sửa đổi nghị định này để phù hợp hơn với thực tế.

Đại diện NHNN cho biết, tới đây, tất cả những vấn đề tồn tại sẽ được xử lý trong Nghị định 24 sửa đổi. Đồng thời, Nghị định 24 sẽ được sửa đổi theo hướng vừa đảm bảo quản lý giá vàng và vừa đảm bảo tính thị trường. Hiện, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng.

LÝ AN