Mai vàng Phước Định tất bật vào vụ Tết

Cập nhật, 16:20, Thứ Hai, 29/01/2024 (GMT+7)

(VLO) Khi Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đã cận kề, nhiều hộ dân ở làng nghề truyền thống mai vàng Phước Định (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ) đang tất bật lặt lá, cắt tỉa cành, chăm sóc cây với kỳ vọng những cây mai sẽ có được dáng đẹp nhất và nở bông đúng thời điểm để cung ứng cho thị trường Tết.

Công việc lặt lá mai rất tỉ mỉ, khéo léo để tránh gãy cành, rụng nụ.
Công việc lặt lá mai rất tỉ mỉ, khéo léo để tránh gãy cành, rụng nụ.

Lặt lá mai tăng thêm thu nhập

Được mệnh danh là thủ phủ mai vàng của miền Tây Nam Bộ, ấp Phước Định 2 (xã Bình Hòa Phước) những ngày này đã rôm rả không khí người người, nhà nhà chuẩn bị cho những cây mai vàng đón Tết. Theo nhiều hộ dân, nghề trồng mai vàng hình thành và phát triển tại địa phương đã hơn 60 năm.

Ban đầu người dân trồng mai vàng chủ yếu để nở cho đẹp vào ngày Tết. Dần về sau nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ loại cây này nên các hộ mở rộng diện tích trồng và phát triển trở thành làng nghề như hiện nay.

Theo đó, loại mai vàng được trồng phổ biến nhất là 5 cánh truyền thống cùng một số giống khác như mai đại lộc, mai tứ quý, mai 24 cánh… So với các loại cây khác, mai vàng có giá trị kinh tế cao, dễ bán và thương lái đến tận nhà mua. Dịp Tết năm nay, HTX Mai vàng Phước Định chuẩn bị khoảng 300 gốc mai tham gia chợ hoa Xuân tại Vĩnh Long.

Có 1 công vườn trồng mai tại ấp Phước Định 2, anh Trương Minh Hiển (xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) cho biết: “Tôi cũng tham gia vào HTX ở đây. Nghề trồng mai này tôi được nối nghiệp từ gia đình, cộng thêm đam mê nên tôi cũng chú trọng giữ nghề.

Vườn mai của tôi có tuổi từ 10 đến 60 tuổi. Năm nay, thương lái đến mua mai ít hơn khoảng 30% so với cùng thời điểm năm trước”.

Theo anh Hiển, từ 13 âl đã bắt đầu thuê nhân công lặt lá mai. Do chủ yếu là mai cổ thụ, mai lâu năm nên 1 công mai 3 nhân công lặt trong 5 ngày mới xong. Tiền thuê  lặt mai là 250.000 đ/ngày/nữ, 350.000 đ/ngày/nam do nam phải đứng kệ cao lặt lá mai phía trên.

Chỉ vào cây mai đang lặt lá, anh Hiển chia sẻ: “Cây mai này đã có khách đến đặt mua với giá 60 triệu đồng. Sau khi lặt lá xong sẽ thuê xe để giao cho khách. Tết này, bên cạnh bán tại chỗ thì tôi còn đem đến chợ ở TP Hồ Chí Minh. Năm nay mai có nụ đẹp, không có mưa trái mùa nên dự đoán mai sẽ nở đúng dịp Tết”.

Theo ông Lê Văn Tý- Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Mai vàng Phước Định, năm nay thời tiết khá thuận lợi nên mai phát triển tốt, bà con cũng cảm thấy phấn khởi. Tuy sức mua có giảm so với các năm trước nhưng nhìn chung vẫn đảm bảo đời sống kinh tế cho bà con.

Bên cạnh các nhà vườn trồng mai thì dịp cận Tết này, nghề lặt lá mai cũng đem lại thu nhập khá. Ở đây còn có tổ hợp tác chăm sóc, uốn, nắn, sửa dáng, bứng mai cho khách hàng.

Có kinh nghiệm 7 năm lặt lá mai, chị Huỳnh Thị Hết (xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) cho hay: “Từ 12 tháng Chạp là bắt đầu đi lặt lá mai thuê, đến khoảng 17- 18 tháng Chạp là xong. Lặt lá mai cũng phải chú ý lặt sao cho cẩn thận, không làm ảnh hưởng đến chồi, nụ hoa. Với giá 250.000 đ/ngày, nghề lặt lá mai dịp Tết cũng giúp tôi có thêm đồng vô để trang trải chi phí dịp Tết”.

Anh Hiển cho biết thêm: “Với những khách không có diện tích rộng hay điều kiện chăm sóc mai thì vào tháng Giêng tôi sẽ đến chở mai về vườn chăm sóc thuê cho khách, đến cận tết- khi bông mai kéo vỏ lụa (khoảng 18- 26 tháng Chạp) thì giao trả cho khách. Phí chăm sóc là 30% giá trị của cây mai”.

Mong mùa mai Tết sung túc

Theo nhiều người trồng mai, do năm 2023 có tháng nhuần nên muốn mai nở đúng dịp Tết thì ngay từ giữa năm 2023 (khoảng tháng 5 âl) phải xem cây nào có lá già để lặt bỏ nếu không mai sẽ bị bể bông trước tết.

Những cây mai nào nụ nhỏ thì tầm 12 tháng Chạp bắt đầu lặt lá, những cây sau thì chậm nhất là 18 tháng Chạp phải lặt lá xong. Bên cạnh đó, cũng phải chú ý dưỡng nụ, phòng trừ sâu ăn lá vì thời điểm này rất dễ bị sâu tấn công.

Người dân trồng mai mong có một mùa Tết sung túc.
Người dân trồng mai mong có một mùa Tết sung túc.

Thời gian này, gia đình ông Tiêu Hùng Minh (ấp Phước Định 2) cũng đã ráo riết lặt lá mai để chuẩn bị cho “ra lò” những cây mai thành phẩm của mình. Trong vườn mai của ông Minh có nhiều cây dáng bonsai kiểng cổ với giá trị hàng trăm triệu đồng.

Ông Minh cho biết để kịp cho mai vàng đón Tết, gia đình phải thuê thêm 7 lao động thời vụ để lặt lá. “Để có một cây mai đẹp, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn “nhất đế, nhì thân, tam cành, tứ nụ” đòi hỏi phải có sự chăm sóc thật kỳ công trong nhiều năm.

Nhưng bù lại mai luôn có giá cả ổn định ở mức cao nên mang lại nguồn thu nhập giúp người dân ổn định cuộc sống. Chỉ cần bán được một cây mai thôi là có thể ăn Tết sung túc”- ông Minh chia sẻ kinh nghiệm sau 40 năm trồng mai vàng.

Ông Tý cũng cho hay: “Để mai nở đúng dịp Tết thì ngoài yếu tố khách quan là thời tiết thì kinh nghiệm của người trồng cũng rất quan trọng.

Chẳng hạn phải chú ý thời điểm rải phân dưỡng cây, phun thuốc trừ sâu để tránh sâu ăn lá hoặc ăn nụ. Khi cây ra nụ phải theo dõi thường xuyên để lặt lá cho nở hoa đúng thời điểm. Nụ nhỏ thì lặt lá sớm, còn nụ lớn thì mình lặt trễ chút.

Sau khi lặt lá mai xong phải siết nước, sau đó dập nước vào để mai nở cùng một lúc, không bị lọt xọt. Mong là Tết này bà con làng mai ở đây sẽ có một vụ mai Tết sung túc. Định hướng thời gian tới, HTX mong muốn được hỗ trợ các chính sách ưu đãi, nhất là về vay vốn để có thêm nguồn lực mở rộng quy mô sản xuất”.

Theo UBND xã Bình Hòa Phước, đến nay kinh nghiệm chăm sóc, nuôi dưỡng để tạo ra cây thành phẩm của người trồng mai ở địa phương đã được nâng cao.

Đặc biệt là các thành viên HTX Mai vàng Phước Định có thể tạo ra nhiều cây mai đẹp bán với giá thành cao, không thua các nghệ nhân ở những nơi khác.

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước- Trần Chí Cường cho biết: “HTX Mai vàng Phước Định được hình thành đã tạo điều kiện cho người dân cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập. Trong đó, gắn kết phát triển mai vàng với các ngành nghề liên quan như thành lập tổ bứng- trồng mai, tổ sửa- uốn mai gốc và tổ làm chậu để phục vụ nhu cầu xã viên, nhất là trong dịp Tết này”.

Mai vàng Phước Định được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2009 và tiếp tục phát triển thành HTX vào năm 2021. Hiện HTX Mai vàng Phước Định có 45 thành viên, với tổng số khoảng 5.000 gốc mai lớn, nhỏ. Nếu tính rộng ra, cả làng nghề truyền thống mai vàng Phước Định hiện có khoảng 130 hộ trồng mai, tập trung nhiều nhất ở ấp Phước Định 2. Hiện làng mai có đến 52.000 gốc, trong đó có 800 gốc hơn 100 năm tuổi, 19.200 gốc từ 50 đến dưới 100 năm tuổi và khoảng 32.000 gốc có tuổi từ vài năm đến dưới 50 tuổi.

Bài, ảnh: PHI LONG