Từng bước chuyển đổi kinh tế tuần hoàn

Cập nhật, 08:58, Thứ Sáu, 28/04/2023 (GMT+7)

 

Các doanh nghiệp ngày càng áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện môi trường.  Ảnh minh họa
Các doanh nghiệp ngày càng áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện môi trường. Ảnh minh họa

Theo nhiều chuyên gia, kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang được Việt Nam xem là một ưu tiên trong giai đoạn tiếp theo của phát triển đất nước. Điều đó cho thấy KTTH sẽ góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.

Xu thế tất yếu

Khái niệm liên quan đến mô hình KTTH đã có ở Việt Nam từ cách đây 20 năm với những định danh khác. Đó là mô hình VAC (vườn- ao- chuồng)- đây là một mô hình chúng ta áp dụng khá thành công.

Ngoài ra, các khái niệm “khu công nghiệp sinh thái- ecological industrial zone”, “sản xuất sạch hơn- cleaner production”, “không phát thải- zero emission”, tái chế, tái sử dụng, tái sản xuất… cũng được đề cập nhiều trong thời gian qua. Các khái niệm này đã được thể hiện qua các chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến công tác bảo vệ môi trường.

KTTH là một nội dung quan trọng trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Do vậy, KTTH đang được Việt Nam xem là một ưu tiên trong giai đoạn tiếp theo của phát triển đất nước. Trong giai đoạn 2021-2030, Đảng và Nhà nước đã xác định việc phát triển nền KTTH là một trong những định hướng quan trọng.

Theo đó, Việt Nam sẽ triển khai mô hình KTTH dựa trên 3 trụ cột: thiết kế, kéo dài vòng đời vật liệu; giảm rác thải, phát thải; khôi phục hệ sinh thái. Để phát triển KTTH, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2020 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030.

Theo TS Nguyễn Minh Tú- Trưởng nhóm nghiên cứu KTTH nông nghiệp (Viện Nghiên cứu phát triển KTTH, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), KTTH hiện được xem như một mô hình kinh doanh, trong đó các doanh nghiệp áp dụng các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng hoặc sử dụng thay thế, tái chế và phục hồi nguyên vật liệu trong suốt quá trình sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm nhằm hướng tới sản xuất và tiêu dùng mang tính tuần hoàn, khép kín.

“Chuyển đổi sang KTTH đang là một xu thế tất yếu ở nhiều quốc gia trên thế giới và ở Việt Nam, do những lợi ích về kinh tế- xã hội và môi trường mà KTTH mang lại. Dựa vào những hoạt động chuyển dịch từ kinh tế tuyến tính sang KTTH, ước tính KTTH sẽ đem lại 4.500 tỷ USD cho toàn cầu vào năm 2030, tạo ra tác động trực tiếp tới hơn 11 trong tổng số 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc”, TS Tú thông tin.

Tại Vĩnh Long, UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch Chương trình hành động quốc gia sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030. Kế hoạch yêu cầu ưu tiên sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, tài nguyên tái tạo, giảm thiểu tái sử dụng và tái chế chất thải góp phần phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường, duy trì tính bền vững của hệ sinh thái…

Từng bước chuyển đổi sang KTTH

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Công- Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP Cần Thơ (Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên- ĐH Cần Thơ), có một số mô hình theo hướng KTTH ở Việt Nam như: nông nghiệp, du lịch, du lịch nông nghiệp và nông thôn, công nghiệp.

“Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước khẳng định phải ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, phát triển nhà máy điện sử dụng rác thải, chất thải để bảo vệ môi trường và phát triển KTTH. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức luật hóa quy định về KTTH. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương “xây dựng nền kinh tế xanh, KTTH, thân thiện với môi trường”, PGS.TS Nguyễn Văn Công cho biết.

Tại Vĩnh Long, hiện nay, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn đã và đang ứng dụng công nghệ kỹ thuật, quan tâm ngày càng nhiều đến sản xuất sạch hơn, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh và tạo thói quen tiêu dùng sản phẩm sạch đối với người tiêu dùng.

Các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp như: Công ty TNHH Sáu Ri, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Nhật Quỳnh, Cơ sở bún Ba Khánh,… đã cho thấy điều đó.

Theo ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long, KTTH cần được nghiêm túc xem là một trong những cách thức vận hành kết hợp quan trọng để phát triển kinh tế bền vững. Quá trình sản xuất được khép kín, mọi thứ đều là đầu vào của quá trình khác làm giảm tác động tiêu cực đến môi trường, giảm khai thác tài nguyên quá mức, giảm biến đổi khí hậu,…

Phấn đấu đến năm 2025, có 85% các siêu thị, trung tâm thương mại phân phối, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường.  Ảnh minh họa
Phấn đấu đến năm 2025, có 85% các siêu thị, trung tâm thương mại phân phối, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường. Ảnh minh họa

Tại Vĩnh Long, nhìn chung KTTH vẫn chưa được triển khai đúng ý nghĩa. Với đặc thù các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khai thác tuyến tính, phát triển chưa có sự liên kết, công nghệ chưa cao, chưa có nhiều ứng dụng đổi mới sáng tạo nâng cao chuỗi giá trị, nguồn lực còn nhiều hạn chế… là một trong những rào cản. Tuy nhiên, sự phát triển của khoa học và công nghệ ứng dụng cũng mở ra cơ hội thúc đẩy KTTH ở nhiều quy mô và ngành nghề khác nhau.

Theo ông Nam: “Về lâu dài, chúng ta cần có chiến lược phát triển công nghệ sinh học ứng dụng, phát triển chuỗi nông nghiệp tận dụng năng lượng sinh khối và năng lượng tái tạo… chủ động nắm bắt tiến bộ khoa học kỹ thuật chuyển đổi KTTH, phát triển bền vững. Đồng thời, cần nhiều chính sách, giải pháp để thúc đẩy KTTH”, ông Nam cho biết.

Theo Chương trình hành động quốc gia sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2021-2025 tỷ lệ các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường đạt 70%; xây dựng 1-2 mô hình sản xuất tiêu dùng bền vững; 85% các siêu thị, trung tâm thương mại phân phối, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường;… Đặc biệt là có 100 doanh nghiệp xây dựng và áp dụng hoặc áp dụng tích hợp các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY