Nâng chất lượng quy hoạch, khai thác tối đa tiềm năng lợi thế đất nước

Kỳ cuối: Huy động mọi nguồn lực, nâng tiến độ, chất lượng quy hoạch

Cập nhật, 15:31, Thứ Năm, 27/04/2023 (GMT+7)
Thời gian qua, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, nhất là thể chế, cơ chế, chính sách trong triển khai Luật Quy hoạch (QH). Các địa phương đã nâng cao nhận thức về công tác QH, về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của công tác QH trong phát triển kinh tế- xã hội của các ngành, địa phương.
 
Tuy nhiên, việc triển khai lập QH đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, tiến độ lập QH đang bị chậm, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ, nâng chất lượng QH.
 
Quy hoạch có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của các ngành, địa phương.
Quy hoạch có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của các ngành, địa phương.
Các địa phương tích cực triển khai
 
Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 61 ngày 16/6/2022 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về QH và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng QH thời kỳ 2021-2030, Chính phủ đã ban hành ngay Nghị quyết số 108 ngày 26/8/2022 để giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương; theo đó, các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương rà soát, xây dựng và bám sát thực hiện theo lộ trình, tiến độ và kế hoạch cụ thể đối với từng giai đoạn của quá trình lập, thẩm định, phê duyệt QH theo nhiệm vụ được phân công.
 
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết: Với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tiến độ QH đã được đẩy nhanh hơn, chất lượng QH từng bước được nâng cao hơn.
 
Đặc biệt, QH tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Quốc hội thông qua là cơ sở để các ngành, các vùng, các địa phương triển khai lập QH thời kỳ 2021-2030 đảm bảo thống nhất, đồng bộ. Thứ trưởng cho biết thêm, nội dung QH thời kỳ 2021-2030 ngày càng chú trọng hơn về tính đa ngành, lĩnh vực, sự liên kết liên ngà nh, liên tỉnh và đã áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, góp phần nâng cao chất lượng QH.
 
Tháng 3/2022, Thủ tướng đã phê duyệt nhiệm vụ QH cho Hà Nội nhưng đến thời điểm này, Hà Nội mới xong bước chấm thầu để lập QH, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhìn nhận đây là việc khá chậm.
 
Trong khi đó, với quy trình hiện nay, ảnh hưởng trực tiếp đến việc lập QH có 6 luật: Luật QH 2017, Luật Đô thị 2009 và Luật Xây dựng 2014… Tuy nhiên, khái niệm nội hàm, định nghĩa trong các luật này khác nhau. Về quy trình, thủ tục thì khá dài… Theo đó, ông Thanh kiến nghị Thủ tướng và Chính phủ ra nghị quyết sửa một số điều để thời gian triển khai rút ngắn lại.
 
Việc lập QH cũng trễ so tiến độ đề ra, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, ngoài nguyên nhân giống Hà Nội thì TP Hồ Chí Minh nhận thấy là quy trình đấu thầu phức tạp nên quá dài, tư vấn ít nhưng nhu cầu nhiều.
 
Đặc biệt đối với TP Hồ Chí Minh, yêu cầu và nguyện vọng rất cao nhưng nguồn lực của ngân sách có hạn và muốn có QH tốt thì thành phố cần có nguồn lực xã hội hóa. Tuy có nhiều nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp muốn đóng góp công sức cho QH thành phố nhưng với quy định về tiếp nhận những nguồn tài trợ trong công tác QH thì đang gặp khó nên thành phố không thể kêu gọi và sử dụng nguồn lực này.
 
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường thì cho biết,  QH TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050 đã được báo cáo vào tháng 2/2023, Hội đồng thẩm định QH tổ chức phiên họp để thông qua.
 
Thành phố đang tập trung hoàn thiện hồ sơ quy trình và sẽ báo cáo với HĐND thành phố vào tháng 5/2023, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, ông Trần Việt Trường cho biết thêm, do đây là nội dung mới, hoàn toàn theo hướng tích hợp, chưa từng thực hiện trước đây nên quá trình thực hiện còn nhiều lúng túng. Các nội dung mang tính chiến lược và các vấn đề quan trọng, phức tạp ảnh hưởng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau, do đó mất nhiều thời gian để cùng thảo luận và đưa ra phương án.
 
Tại Vĩnh Long, theo Sở KH-ĐT, thực hiện Nghị quyết số 61 của Quốc hội, UBND tỉnh đã có văn bản số 4502 ngày 10/8/2022 chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, chủ tịch UBND cấp huyện tập trung triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ và cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã nêu tại nghị quyết này. Nhất là các giải pháp cần thực hiện ngay cũng như các giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về QH tại Nghị quyết số 108 ngày 26/8/2022 của Chính phủ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập QH tỉnh và bảo đảm chất lượng công tác QH.
 
Lưu ý số lượng QH còn lại mà các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành trong năm 2023 là rất lớn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên, không tránh khỏi những vướng mắc, bất cập, quan trọng nhất là trong quá trình tổ chức thực hiện, chúng ta kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập, những vấn đề chưa sát với thực tế, chưa có tính khả thi cao, kịp thời điều chỉnh, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Với tinh thần không cầu toàn, không nóng vội, chúng ta cần tổ chức tốt, nghiêm túc QH tổng thể quốc gia có hiệu quả, đảm bảo mục tiêu đề ra, dưới sự lãnh đạo của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự vào cuộc, giám sát tối cao của Quốc hội, sự đồng hành của cả hệ thống chính trị”.

Khơi thông ách tắc, tập trung nguồn lực thực hiện công tác QH

 
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, bộ đang được giao 2 QH gồm: QH thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản vật liệu xây dựng; QH hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia. Trong đó, bộ đã hoàn thành dự thảo QH hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia, sẽ sớm trình hội đồng thẩm định QH.
 
Bộ Xây dựng cũng kiến nghị rà soát, sửa đổi Nghị định 37, về quy định vấn đề hướng dẫn QH, trong đó có vấn đề tích hợp QH. Bộ Xây dựng trình sớm được các bộ, ngành phối hợp để điều chỉnh QH đô thị nông thôn. Bộ mong Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương để các tỉnh lập các đô thị mới. “Rất mong các địa phương tập trung rà soát QH chung đô thị, hoặc là xây dựng đồng thời với quá trình lập thẩm định QH tỉnh”, ông Nguyễn Tường Văn nói.
 
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc triển khai Luật QH là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp chính quyền, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy. Thời gian qua, việc triển khai các nhiệm vụ, công việc theo Luật QH đã có những tiến bộ nhất định. Tuy nhiên, tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt QH vẫn chưa được như kế hoạch đề ra; chất lượng cần được nâng cao hơn nữa…
 
Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và khẩn trương khắc phục các hạn chế, yếu kém; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tập trung cao độ chỉ đạo để thực hiện tốt công tác QH đảm bảo chất lượng, tiến độ theo nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 108. 
 
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương rà soát các văn bản pháp luật và các văn bản hướng dẫn để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác QH, trong đó có quy định về kinh phí cho công tác QH theo hướng có thể sử dụng kinh phí chi thường xuyên.
 
Cùng với đó, các bộ, ngành và địa phương tập trung mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ lập, trình thẩm định và trình phê duyệt QH thời kỳ 2021-2030 theo nhiệm vụ được phân công. Đồng thời, bố trí nguồn lực, đề xuất các cơ chế chính sách để thực hiện hiệu quả các mục tiêu QH, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2021-2030, các kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của từng bộ, ngành và địa phương.
 
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ cần phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương để giải quyết các vấn đề ách tắc trong phát triển kinh tế- xã hội nói chung và công tác QH nói riêng.
Về lập, thẩm định, phê duyệt các QH thời kỳ 2021-2030, đến thời điểm hiện tại cả nước đã có 58/111 QH cấp quốc gia, QH vùng, QH tỉnh đã thẩm định xong (trong đó 18 QH cấp quốc gia, QH vùng, QH tỉnh đã được phê duyệt; 8 QH đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét nhưng chưa được phê duyệt; 32 QH đã thẩm định xong và đang trong quá trình hoàn thiện); 16 QH đang được thẩm định; 29 QH đang trong quá trình xây dựng dự thảo và lấy ý kiến; 7 QH đang lựa chọn tổ chức tư vấn lập QH và 1 QH chưa thực hiện do không đủ điều kiện.
Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- TẤN ANH