QUY HOẠCH TỈNH VĨNH LONG 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Khai thác hiệu quả tiềm năng, trở thành trung tâm kết nối

Cập nhật, 10:06, Thứ Sáu, 28/04/2023 (GMT+7)

 

Trục động lực công nghiệp, đô thị, dịch vụ TP Vĩnh Long- TX Bình Minh phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ.Ảnh minh họa: Công nhân KCN Hòa Phú
Trục động lực công nghiệp, đô thị, dịch vụ TP Vĩnh Long- TX Bình Minh phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ.Ảnh minh họa: Công nhân KCN Hòa Phú

Với Quy hoạch (QH) Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là QH), nhiều chuyên gia nhận định, sẽ là cơ hội để Vĩnh Long sắp xếp lại không gian phát triển mới, tạo dư địa và động lực phát triển xứng tầm là một trong những trung tâm động lực của cả vùng ĐBSCL.

Quy hoạch tốt sẽ là động lực phát triển chung

Vừa qua, với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương- Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định, đã thông qua QH với kết quả 100% đồng ý với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện.

Hội đồng đã nhấn mạnh, công tác lập QH đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của cả nước nói chung và của từng ngành, từng vùng, từng địa phương nói riêng, trong đó có Vĩnh Long. Qua đó phát huy khai thác được các tiềm năng, lợi thế, sẵn sàng ứng phó với các thách thức mới để xây dựng được con đường phát triển trong tương lai.

Vĩnh Long là 1 trong 3 tỉnh của vùng duyên hải phía Đông, với nhiều điều kiện thuận lợi, là vùng trọng điểm sản xuất rau màu và nuôi trồng thủy sản, cũng là tỉnh có lợi thế phát triển ngành chế biến nông sản, cung cấp đầu vào cho nông nghiệp như: phân bón, thuốc trừ sâu, trang thiết bị- vật tư nông nghiệp và năng lượng cho các ngành nông nghiệp.

Mặt khác, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Vĩnh Long là tỉnh có nhiều tuyến quốc lộ đi qua, hệ thống giao thông thuận lợi tạo điều kiện để kết nối chặt chẽ với TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ và các tỉnh lân cận. Đồng thời, tỉnh có hệ thống giao thông đường thủy rất thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa được tạo bởi sông Tiền và sông Hậu thông qua hệ thống các cụm cảng trong tỉnh.

Về tăng trưởng kinh tế của tỉnh, giai đoạn 2011-2020 đạt 5,7 %/năm thấp hơn mức bình quân chung (vùng đạt 6,3 %/năm, cả nước đạt 6,0 %/năm). Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế cả nước nói chung, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Vĩnh Long năm 2020 vẫn đạt 3,9 %/năm so với năm 2019 cao hơn mức bình quân chung (vùng đạt 2,3 %/năm, cả nước đạt 2,9 %/năm).

Đặc biệt, năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 11,28%, tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây và đứng thứ 10 cả nước, thứ 3 ĐBSCL. GRDP bình quân đầu người đạt 69 triệu đồng, tăng 12 triệu đồng so năm 2021.

“Tỉnh Vĩnh Long cần phải xây dựng một bản QH có chất lượng, trong đó đưa ra được các phương án phát triển phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, giải quyết các khó khăn, thách thức, đẩy mạnh thu hút đầu tư có chọn lọc; xác định các trọng tâm, đột phá và đưa ra được các nhiệm vụ quan trọng cần phải thực hiện để tạo động lực phát triển xứng tầm là một trong những trung tâm động lực của vùng”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Mở ra không gian phát triển mới

QH đặt ra mục tiêu Vĩnh Long là tỉnh phát triển hiện đại, sinh thái, văn minh, phát triển nhanh và bền vững. Đến năm 2050, Vĩnh Long đạt trình độ phát triển ở mức thu nhập trung bình cao, nằm trong nhóm đầu của vùng, kinh tế phát triển dựa trên khoa học công nghệ và các động lực tăng trưởng tập trung, hiện đại, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ để khai thác có hiệu quả các lợi thế trong không gian kinh tế mở của vùng ĐBSCL và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo đó, Vĩnh Long dựa vào khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh đặc thù, riêng biệt của tỉnh để phát triển nhanh, bền vững, bao trùm và toàn diện theo hướng tập trung phát triển công nghiệp tạo động lực và nhu cầu phát triển dịch vụ, đô thị và kinh tế nông nghiệp.

Trong đó tập trung phát triển: 1 trục động lực; 2 hành lang kinh tế; 3 đột phá chiến lược; 4 trụ cột tăng trưởng; 5 nhiệm vụ trọng tâm và để khai thông, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển chung của vùng và cả nước; phát triển tỉnh Vĩnh Long trở thành cực tăng trưởng- trung tâm kết nối trên hành lang kinh tế Bắc- Nam.

Theo UBND tỉnh, QH đã được thẩm định ngày 13/4/2023 và được hội đồng thẩm định thông qua. Tỉnh đang hoàn chỉnh lại theo ý kiến thành viên hội đồng và thực hiện các thủ tục để trình phê duyệt theo
quy định.

Theo đó, nội dung trọng tâm là định hướng tổ chức không gian phát triển của tỉnh gồm 2 vùng kinh tế với 6 cực phát triển. Trong đó, vùng I là vùng trung tâm, phía Bắc của tỉnh bao gồm: TP Vĩnh Long, TX Bình Minh, Long Hồ, Tam Bình và Bình Tân; vùng II là vùng phát triển kinh tế động lực phía Đông bao gồm các huyện: Vũng Liêm, Trà Ôn và Mang Thít.

Ngoài ra, còn tổ chức không gian phát triển các trục hành lang kinh tế, đô thị gồm: trục động lực công nghiệp, đô thị, dịch vụ TP Vĩnh Long- TX Bình Minh phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ; trục dọc sông Hậu phát triển đô thị phức hợp, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ logistics; trục dọc sông Cổ Chiên sẽ tập trung phát triển chuỗi đô thị động lực hiện đại, sinh thái, du lịch nhà vườn, du lịch sông nước, du lịch văn hóa, lịch sử; phát triển kinh tế nông nghiệp, sinh thái, bền vững với các sản phẩm trọng tâm là thủy sản, trái cây; trục dọc sông Măng Thít sẽ phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, di sản gạch gốm.

Ông Lữ Quang Ngời- Chủ tịch UBND tỉnh

QH sẽ giúp Vĩnh Long phát triển theo hướng hiện đại, sinh thái, văn minh, phát triển nhanh và bền vững, trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ logistics của vùng ĐBSCL và cả nước. QH cũng định hướng phát triển tỉnh có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng; tạo dựng môi trường sống bền vững; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY