Tâm huyết khởi nghiệp để nâng tầm sản phẩm

Cập nhật, 13:15, Thứ Năm, 13/10/2022 (GMT+7)
 Sôi nổi trình bày ý tưởng, dự án thi khởi nghiệp.
Sôi nổi trình bày ý tưởng, dự án thi khởi nghiệp.
Vòng chung khảo cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Long lần V năm 2022 vừa diễn ra tại huyện Vũng Liêm. Theo đánh giá của ban giám khảo, hầu hết ý tưởng, dự án nhằm nâng cao giá trị các sản phẩm, nguồn nguyên liệu hiện có của địa phương.
 
Trăn trở nâng tầm sản phẩm
 
Năm 2022, BTC đã nhận 53 bài dự thi (36 ý tưởng, 17 dự án). Qua vòng sơ khảo, có 6 dự án và 6 ý tưởng được vào chung kết. 
 
Tham gia dự thi với ý tưởng sản xuất và chế biến nấm rơm theo định hướng hữu cơ, Hà Nguyễn Thái Vương ở xã Trung Thành Tây (Vũng Liêm) cho biết “nhận thấy nhu cầu sử dụng nấm rơm là rất lớn, nhưng nấm rơm an toàn hay nấm rơm hữu cơ trên thị trường rất ít”. Do đó, là một nông dân trẻ sản xuất nấm rơm quy mô nông hộ nhiều năm, Vương thấy “cần thiết phải nghiên cứu sáng tạo ra sản phẩm nấm rơm an toàn, nấm rơm theo định hướng hữu cơ, cuối cùng là hoàn thiện quy trình sản xuất có sự đánh giá và kiểm nghiệm chất lượng. Qua đó, nhằm nâng cao giá trị nấm rơm hữu cơ, mang đến cho khách hàng sản phẩm dinh dưỡng tốt cho sức khỏe…”.
 
Nhóm Nguyễn Ngọc Bảo Trúc (Trường ĐH Xây dựng Miền Tây) thì dự thi với ý tưởng trang trại nông sản sạch kết hợp du lịch sinh thái. Nhóm cho rằng, dù với mục đích giải trí hay giáo dục, du lịch sinh thái nông nghiệp đã và đang thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Mô hình kinh doanh này tạo nguồn thu nhập cho nông dân. Khai thác được nét đặc sắc, đặc sản, làng nghề truyền thống địa phương.
 
Ở hạng mục dự án, nhóm Thạch Thị Đào (Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh- Phân hiệu Vĩnh Long) tự tin trình bày dự án “Kênh truyền thống giới thiệu và kinh doanh các đặc sản Vĩnh Long” với những clip minh họa sinh động. Nhóm có 7 thành viên với “ý tưởng lớn gặp nhau”, mong muốn tạo ra những giá trị cho đặc sản Vĩnh Long, xuất phát từ trăn trở: Vĩnh Long có rất nhiều đặc sản nhưng nơi nào họ có thể tìm mua sản phẩm đảm bảo giá cả và chất lượng? Nhận thấy cần thiết có một nơi gọi là “chợ đặc sản” nên Dasavi ra đời. Đây là một kênh truyền thông hoạt động trên TikTok, Facebook, Youtube… và bán trực tiếp qua quầy, gian hàng trưng bày nhầm để tối đa hóa khả năng tiếp cận của người tiêu dùng với các sản phẩm đặc sản uy tín đáng tin cậy. 
 
Nhóm Nguyễn Thị Kim Nhường (Trường ĐH Tân Tạo) dự thi với dự án bào chế nanocordycepin từ nấm dược liệu đông trùng hạ thảo. Kim Nhường cho biết “dự án nhằm mở rộng phát triển ứng dụng của hợp chất cordycepin trong hỗ trợ bệnh nhân COVID- 19 hoặc sau khi phục hồi từ nhiễm bệnh. Kết quả cho thấy, sản phẩm của nhóm có khả năng hỗ trợ điều trị hiệu quả”.
 
Theo đánh giá của ban giám khảo, các ý tưởng, dự án có ứng dụng công nghệ, sáng tạo đổi mới; nhiều dự án, ý tưởng có đề xuất hiệu quả kinh tế, tính cộng đồng thể hiện rõ.
Kết quả, BTC đã trao 2 giải nhất, 2 giải nhì, 2 giải ba và 6 giải khuyến khích. Trong đó, dự án bào chế nanocordycepin từ nấm dược liệu đông trùng hạ thảo đạt giải nhất dự án; ý tưởng trang trại nông sản sạch kết hợp du lịch sinh thái giải nhất ý tưởng.
 
Chấp cánh cho ý tưởng, dự án vươn xa
 
Là thí sinh nhỏ tuổi nhất vòng chung kết, Nguyễn Hoàn Lê Vy (SN 2005)- học sinh Trường THPT Lưu Văn Liệt, sôi nổi cho biết: Hiện Jaros Candle kinh doanh 9 dòng nến handmade với 9 mùi hương đặc trưng từ lavender, gỗ thông, vỏ quế, cam ngọt, sả chanh, Đà Lạt, After Rain, hoa hồng, hoa nhài. Doanh thu 50 - 140 triệu/tháng. “Hôm nay con đến đây để kêu gọi số vốn 200 triệu đồng cho 10% cổ phần” - Lê Vy cũng sôi nổi trình bày kế hoạch phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh của mình.
 
Ông Nguyễn Tường Nam - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh đánh giá: Chất lượng bài dự thi năm nay cao hơn so các năm trước. Đặc biệt, về tính khả thi, hiệu quả kinh tế của các ý tưởng, dự án. Theo đó, đối với các dự án ở quy mô sản xuất nhỏ, chúng tôi khuyến khích thành lập doanh nghiệp và có định hướng xa hơn để phát triển sản phẩm. Và, cần lường trước được khi sản xuất ở quy mô lớn thì phát sinh các vấn đề là chi phí, lao động, đảm bảo các quy định theo pháp luật...
 
Bên cạnh sự hỗ trợ của ngành chức năng, ông kêu gọi cộng đồng chung tay hỗ trợ cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp. “Đặc biệt năm nay, các bạn dự thi đều mong muốn có sự hợp tác, kêu gọi vốn đầu tư từ cộng đồng doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ trao đổi thêm về hiệu quả kinh tế dự án và đặc biệt là vấn đề nhân sự… Cộng đồng khởi nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp có thể kết nối phát triển tốt hơn trong thời gian tới” - ông nói.
 

Tâm huyết khởi nghiệp để nâng tầm sản phẩm.

 Theo ông Nguyễn Khắc Nhu - Phó Giám đốc Sở KH - ĐT, cuộc thi năm nay có điểm mới là thanh niên nông thôn tham gia dự thi chiếm tỷ lệ cao. Việc thu hút các ý tưởng, dự án ngoài tỉnh tham gia cho thấy sức lan tỏa của cuộc thi, chất lượng bài dự thi có bước nâng cao. “Đặc biệt, các ý tưởng, dự án rất thiết thực, khả năng hiện thực hóa cao”- ông đánh giá. 

 
Ông Nguyễn Khắc Nhu đề nghị sau cuộc thi, các cấp các ngành, đặc biệt là ngành GD - ĐT, các trường ĐH, CĐ, Đoàn thanh niên, các hội và hiệp hội tiếp tục quan tâm hỗ trợ cả vật chất, tinh thần giúp cho các ý tưởng, dự án tiếp tục hoàn thiện và có điều kiện đi vào sản xuất kinh doanh hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của tỉnh.
 
Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN