Giữ nét văn hóa làng nghề

Cập nhật, 12:53, Chủ Nhật, 30/01/2022 (GMT+7)

 

Qua đôi tay khéo léo của người thợ, gốm Vĩnh Long không ngừng vươn xa.
Qua đôi tay khéo léo của người thợ, gốm Vĩnh Long không ngừng vươn xa.

Trong dịch COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh ở các làng nghề có phần trầm lắng. Song, “sóng cả không ngã tay chèo”, nhiều làng nghề dần thích ứng trong điều kiện khó khăn, “trưởng thành” hơn để tìm hướng mới cung ứng cho thị trường những sản phẩm chất lượng, mang đậm bản sắc văn hóa quê hương.

Thăng trầm cùng làng nghề

Làng nghề gạch gốm trăm năm ở Vĩnh Long trải qua biết bao thăng trầm. Theo một số cơ sở sản xuất, dù gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì làng nghề nhưng những lò gạch gốm vẫn ngày đêm đỏ lửa để tạo ra sản phẩm chất lượng, độc đáo.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề, anh Hai Khuya- chủ một doanh nghiệp sản xuất gạch gốm ở xã Thanh Đức (Long Hồ) cho biết, thời hoàng kim của nghề này là những năm 2007- 2008.

Khi đó, nhiều doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, chủng loại sản phẩm để có sự phát triển đa dạng hơn, đặc biệt là gốm xuất khẩu. Giai đoạn này, gốm phát triển với hai dòng sản phẩm chính là gốm trang trí sân vườn và gốm xây dựng nội thất.

Nhưng những năm sau đó đến nay, do các vấn đề về ô nhiễm môi trường, tiêu thụ gặp khó, công nghệ sản xuất lỗi thời… khiến làng nghề dần sa sút. Bên cạnh, nguồn nguyên liệu đất sét ngày càng cạn kiệt, giảm chất lượng là bài toán khiến nhiều cơ sở phải đau đầu giải quyết. “Khó khăn lớn nhất hiện nay là về nguyên liệu, còn đầu ra thì vẫn ổn định vì sản phẩm của tôi chủ yếu là xuất khẩu.

Nhiều khách hàng cho biết, họ rất hài lòng về kiểu dáng lẫn chất lượng gốm Vĩnh Long vì có nét đặc trưng riêng. Các mẫu được chuộng nhiều là gốm bộ 3, bộ 4, kiểu chậu bầu, chậu trứng hay chậu ly cao…”- anh Hai Khuya chia sẻ thêm.

Làng nghề chằm nón lá “sống chung đại dịch” để cung ứng sản phẩm cho thị trường Tết.
Làng nghề chằm nón lá “sống chung đại dịch” để cung ứng sản phẩm cho thị trường Tết.

Cũng có tuổi đời hơn trăm năm, xóm nghề chằm nón lá ở thị trấn Long Hồ vang danh một thời. Hơn 40 năm gắn bó với chiếc nón lá, chú Võ Văn Ba (Khóm 6) cho hay, trước đây xóm nghề có đến mấy trăm người chằm nón, nhưng theo thời gian người làm nghề này cũng vơi dần.

Để làm ra một chiếc nón lá trải qua rất nhiều công đoạn, từ luộc lá mật cật rồi phơi, ủi, vuốt đến làm khung, chuốt vành, đan lá, chằm nón… tất cả đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ, nhưng thu nhập ít nên người trẻ không chịu theo nghề. Hơn nữa, do ảnh hưởng dịch bệnh, làng nghề không nhập được nguyên liệu, nhiều người phải đi tìm công việc khác.

Nhưng “nguồn nguyên liệu đã đủ thì tiếp tục chằm nón, chứ nghề này đã ăn sâu vào máu làm sao bỏ được. Mỗi tháng, xóm nghề có thể cung cấp cho thị trường hơn 1.000 nón, vào những ngày cận tết sức tiêu thụ mạnh hơn, xóm nghề vì thế cũng tất bật”- chú Ba tâm tình về nghề “cha truyền con nối” đã gắn bó qua 4 thế hệ.

Tạm biệt xóm nghề chằm nón lá, chúng tôi tìm đến hợp tác xã chiếu lác tại xã Trung Thành Đông (Vũng Liêm). Trong cái se lạnh của ngày giáp tết, từ xa đã cảm nhận được không khí tất bật sản xuất với âm thanh tiếng máy dệt nhịp liên hồi, mỗi người ai nấy đều tập trung cho phần việc của mình.

Hơn 2 năm làm nghề dệt chiếu, chị Ngô Thị Mai chia sẻ: “Năm rồi, dệt chiếu bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu nên ai cũng phấn khởi. Năm nay, dịch giã hoành hành nhưng trông mong thị trường cũng sẽ chạy hàng để bà con ăn tết sung túc hơn”.

Miệt mài bên khung dệt, qua bàn tay khéo léo của người thợ, từng sợi lác thô sơ được đan vào nhau để tạo nên những chiếc chiếu hoa văn rực rỡ. Những chiếc chiếu mới thơm thoang thoảng mùi lác mới càng làm cho không khí tết thêm rộn ràng, náo nức.

Cái tâm của người làm nghề truyền thống

Khó khăn là thế, nhưng người làng nghề vẫn xoay xở tìm hướng đi mới phù hợp. Theo họ, ở góc độ tích cực, dịch bệnh đã thúc đẩy các làng nghề “trưởng thành” hơn. Bởi vì, trước yêu cầu khắt khe của thị trường, đòi hỏi các làng nghề phải đổi mới phương thức hoạt động đồng thời cải tiến mẫu mã, chất lượng.

Anh Trần Văn Tạo (xã Trung Thành Đông- Vũng Liêm): làm ra sản phẩm “mình thấy ưng ý thì khách hàng mới hài lòng”.
Anh Trần Văn Tạo (xã Trung Thành Đông- Vũng Liêm): làm ra sản phẩm “mình thấy ưng ý thì khách hàng mới hài lòng”.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”- ông Lê Thành Tâm- Giám đốc Hợp tác xã Chiếu lác Thành Đông nói như vậy khi đối mặt những thách thức trong thời gian qua.

Theo ông, muốn trụ vững lâu dài phải biết cách thích nghi với mọi hoàn cảnh để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Chẳng hạn, để có những chiếc chiếu mẫu mã đẹp và bền chắc, ông phải tự mày mò nghiên cứu cách phối màu theo các tỷ lệ khác nhau, đồng thời đầu tư, cải tiến máy móc.

“Tôi muốn “đổi đời” cho người dân địa phương nên quyết định thành lập hợp tác xã chuyên dệt chiếu lác từ nguồn nguyên liệu có sẵn.

Từ đây, bà con nông dân cùng nhau phát triển sản phẩm truyền thống này. Từ những cọng lác xanh mướt được trồng trên vùng đất Vũng Liêm, chúng tôi tạo nên những chiếc chiếu với màu sắc bắt mắt, đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường, nhất là những ngày tết đến xuân về”- ông Tâm lạc quan nói về mục tiêu thành lập hợp tác xã dệt chiếu lác.

Có thể thấy, làng nghề truyền thống không chỉ giải quyết việc làm cho lao động địa phương mà còn góp phần giữ gìn và phát triển văn hóa truyền thống của quê hương.

Theo chị Đoàn Thị Ngọc Diệp (DNTN Thanh Đức), tuy nghề gạch gốm trăm năm này có lúc thăng lúc trầm nhưng người làng nghề vẫn mong muốn đưa thương hiệu gốm Vĩnh Long vươn xa, tồn tại lâu dài. Bởi, không chỉ là nghề mưu sinh của nhiều gia đình qua các thế hệ, mà còn mang bản sắc văn hóa đặc thù quê hương.

Vượt qua những khó khăn, thách thức của năm cũ, vào những ngày cận Tết, người dân trông chờ những điều tốt đẹp sẽ đến với làng nghề. Nơi họ luôn nặng lòng gắn bó với nghề truyền thống và còn mong muốn lưu truyền cho thế hệ mai sau.

Bài, ảnh: PHI LONG