Cần chỉ đạo quy hoạch lại hệ thống thủy lợi từ ngăn lũ sang trữ nước và dẫn nước

Cập nhật, 15:05, Thứ Tư, 03/08/2016 (GMT+7)

Ngày 2/8, tại kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khóa IX, đóng góp cho những giải pháp về phát triển kinh tế xã hội 6 tháng cuối năm, nhiều đại biểu đề nghị trước những khó khăn chung của nền kinh tế, tình trạng hạn, xâm nhập mặn, tỉnh cần có những giải pháp chỉ đạo cụ thể và quyết liệt hơn tron 6 tháng còn lại.

Đại biểu đề nghị cần chỉ đạo quy hoạch lại hệ thống thủy lợi từ ngăn lũ sang trữ nước và dẫn nước.
Đại biểu đề nghị cần chỉ đạo quy hoạch lại hệ thống thủy lợi từ ngăn lũ sang trữ nước và dẫn nước.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh đã cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND bằng các chương trình, kế hoạch, đề án, các giải pháp điều hành quản lý các hoạt động kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh.

Qua đó, kịp thời điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách... nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế  xã hội. Kết qủa, một số chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt so kế hoạch, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 11.342 tỷ đồng, tăng 8,19% so với cùng kỳ.

Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 177,8 triệu USD, đạt 63,5% kế hoạch năm, tăng 39,21% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu đạt 79,87 triệu USD, tăng 0,71 % so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách đạt 2.881 tỷ đồng, đạt 56,71 % dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 16,64% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, hiện tượng khô hạn, xâm nhập mặn trong những tháng đầu năm với mức độ, quy mô lớn, thời gian kéo dài; giá bán sản phẩm thủy sản không ổn định, đã tác động đến sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của tỉnh.

Từ thực trạng trên làm cho tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp giảm nhiều so cùng kỳ, dẫn đến tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh đạt thấp (tăng 4,14% so với kế hoạch 7,2%); trong đó, giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 3,9%.

Theo ông Lê Quang Trung- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, để thực hiện hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2016, trong 6 tháng cuối năm tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo chăm sóc tốt lúa vụ Hè Thu, triển khai kế hoạch sản xuất vụ Thu Đông 2016; chuẩn bị đủ giống lúa chất lượng cao cho vụ Đông Xuân 2016-2017.

Ngoài ra, tiếp tục thực hiện đề án và kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phục vụ phát triển và tái cơ cấu ngành, hoàn thành các công trình thủy lợi phục vụ ngăn lũ, bảo vệ sản xuất; khắc phục, ứng phó với diễn biến do khô hạn, xâm nhập mặn. 

Đại biểu tham gia thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội.

Đại biểu tham gia thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội.

 

Trong phiên thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu đề nghị tỉnh cần có những giải pháp chỉ đạo cụ thể và quyết liệt hơn trong 6 tháng còn lại của năm 2016.

Đại biểu Lê Văn Phúc cho rằng, tình hình sản xuất nông nghiệp hiện nay do bị ảnh hưởng bởi khô hạn, xâm nhập mặn làm cho người dân gặp nhiều khó khăn. Kéo theo đó, thu nhập của người dân bấp bênh và ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu chí thu nhập của người dân trong xây dựng nông thôn mới.

Trước giờ, hệ thống thủy lợi chúng ta làm chủ yếu là chống úng và ngăn lũ là chủ yếu. Trước tình hình hiện tại đề nghị ngành nông nghiệp nên chỉ đạo, quy hoạch phân vùng lại theo hình thức trữ nước và dẫn nước tưới.

Một vấn đề nữa là tái cơ cấu ngành nông nghiệp trước nay chúng ta làm rất nhiều,  nhưng khó khăn vẫn là khâu tiêu thụ nông sản. Đề nghị tỉnh nên kêu gọi đầu tư tạo thành một chuỗi giá trị sản xuất, nghĩa là nếu hàng tươi phải có hợp đồng bao tiêu, thị trường tiêu thụ ổn định, và phải có nhà máy chế biến nông sản đặt tại vùng nguyên liệu.

Gần đây, có doanh nghiệp lại đầu tư chế biến nhưng chúng ta gom vào các khu công nghiệp, nếu các doanh nghiệp này đặt tại vùng nguyên liện thì sản phẩm làm ra sẽ có giá thành thấp và có thể tạo thêm việc làm cho người nông dân tại chỗ. 

Theo đại biểu Nguyễn Thành Nghiệp, hiện nay ngành chức năng của tỉnh chuẩn bị cho thích ứng với biến đổi khí hậu còn chung chung.

Tình hình biến đổi khí hậu càng ngày càng khắc nghiệt, vì thời tiết ngày càng cực đoan, trong khi đó nguồn nước ngọt ngày càng ít do bị ảnh hưởng từ thượng nguồn. Người dân không có thông tin kịp thời về xâm nhập mặn, theo một số cử tri phản ánh, nếu biết trước người dân có thể ứng phó. Tôi đề nghị, tỉnh có chỉ đạo cụ thể, chúng ta tích trữ nước ngọt ở đâu, người dân tích trữ nước như thế nào để sử dụng, như thế nào để sản xuất, rồi phương pháp canh tác trong mùa vụ đó như thế nào cần sớm hướng dẫn cho người dân biết. 

Vấn đề nông thôn mới cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Theo đại biểu Lê Văn Lập, hiện nay các địa phương được chọn xây dựng nông thôn mới thì người dân nơi đấy rất phấn khởi, bộ mặt nông thôn có đổi mới, đời sống người dân được nâng lên.

Tuy nhiên, đối với các xã không được chọn, khi có công trình xuống cấp thì không được đầu tư kinh phí để sửa chữa. Như thế đã có trường hợp so bì giữa những xã được chọn và không được chọn.

Có cử tri phản ánh những xã đã trước đây từng đội bom, đội đạn nay thì ít quan tâm. Từ thực tế trên, đề nghị tỉnh nên dành một khoảng kinh phí để nâng cấp sữa chữa các công trình xuống cấp, bức xúc đối với các địa phương này.

Bài, ảnh: T.TÂM- C.HUỆ